Nghệ An: Nghi Lộc chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả thiết thực

16:31 22/01/2023

Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đã phát huy hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường và bước đầu làm thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh cho nông dân…

Từ nhận thức rõ tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ngày 03/10/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nghi Lộc khóa XXIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã ban hành Đề án số 13 – ĐA/HU về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Nghi Lộc giai đoạn 2022-2025”. Đề án này đã xác định 5 nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 2.400 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 190%/năm…Đề án đã và đang được cấp ủy các cơ sở Đảng quán triệt, triển khai tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án và chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các xã, thị trấn căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án có hiệu quả.    

Ảnh minh họa
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT (ngoài cùng bên trái) tham quan Trang trại nuôi gà ác lấy trứng của anh Nguyễn Hữu Thắng ở xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc (Nghệ An)

Theo đó, trong thời gian qua, cấp uỷ và chính quyền từ huyện đến cơ sở ở Nghi Lộc đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn. Các địa phương của huyện Nghi Lộc đã triển khai thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Trên lĩnh vực trồng trọt, hiện toàn huyện Nghi Lộc có 24 mô hình ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 159.300 m2, bao gồm 22 mô hình sản xuất dưa lưới, nho, rau củ quả với diện tích 50.300 m2 và 2 mô hình trồng cam, bưởi với diện tích 109.000 m2. Các mô hình này cho tổng sản lượng trên 403 tấn củ quả, doanh thu 14 tỷ 539 triệu đồng, đạt 7 tỷ 763 triệu đồng lãi ròng/năm. Hàng năm, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Nghi Lộc đã tạo việc làm ổn định cho người lao động với mức thu nhập đạt bình quân trên 78.400.000 đồng/người/năm.

Ảnh minh họa
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An tham quan Mô hình sản xuất rau củ quả ứng dụng công nghệ cao ở địa bàn huyện Nghi Lộc

Bên cạnh đó, toàn huyện Nghi Lộc có 77 trang trại chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao và ứng dụng công nghệ sinh học. Các mô hình chăn nuôi này cho tổng thu nhập gần 90 tỷ 741 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho người lao động với thu nhập bình quân đạt 84 triệu đồng/người/năm. Ở lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản cũng đã có sự đổi mới bằng việc nuôi tôm thẻ chân trắng sử dụng công nghệ qua nhiều giai đoạn. Toàn huyện hiện có 6 mô hình với tổng diện tích nuôi 94.000 m2. Mặc dù chỉ chiếm 6,76% diện tích nuôi trồng thuỷ sản mặn lợ toàn huyện nhưng thu nhập của 6 mô hình này đạt 20 tỷ 580 triệu đồng/năm, chiếm 49,06% thu nhập nuôi trồng mặn lợ chung của huyện. 

Ảnh minh họa
Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) 

Những con số thu nhập nêu trên cho thấy các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện Nghi Lộc mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với sản xuất nông nghiệp thông thường, trong đó: Trồng dưa lưới, rau, củ, quả trong nhà màng cao gấp 10 lần; trồng cam, bưởi ứng dụng công nghệ cao gấp 4 lần; nuôi tôm thẻ chân trắng sử dụng công nghệ qua nhiều giai đoạn cao gấp 7,26 lần. Có được kết quả này là nhờ huyện đã quan tâm thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như xây dựng, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt là hỗ trợ về xây dựng cơ sở vật chất, cụ thể:

Giai đoạn 2018 - 2020, huyện Nghi Lộc hỗ trợ 350 triệu đồng/mô hình để xây dựng nhà màng có diện tích 2.500 m2 trở lên. Từ năm 2021 đến nay, hỗ trợ không quá 200 triệu đồng/mô hình để xây dựng nhà màng có diện tích 1.000 m2 trở lên. Tổng kinh phí hỗ trợ trong cả 2 giai đoạn nêu trên là 4,55 tỷ đồng. Thông qua nguồn hỗ trợ này đã: Khuyến khích người dân huy động nguồn lực đầu tư xây dựng nhà lưới, đầu tư áp dụng quy trình sản xuất an toàn, chất lượng cao; từng bước chuyển đổi tư duy sản xuất của người dân theo hướng sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đem lại sản phẩm có chất lượng, hiệu quả để cung ứng cho các thị trường cao cấp, mang lại việc làm và thu nhập khá cao cho nông dân. 

Ảnh minh họa
Một trang trại nuôi gà ác lấy trứng ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế trên địa bàn huyện Nghi Lộc (Nghệ An)

Ngoài ra, huyện còn quan tâm hỗ trợ: Quảng bá các sản phẩm nông sản, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu các sản phẩm của địa phương ra thị trường trong và ngoài tỉnh, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm; liên kết sản xuất; ứng dụng công nghệ và quy trình sản xuất an toàn… Nhờ vậy, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai đã tạo ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng mang lại giá trị kinh tế và thu nhập cao. Qua đó, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung trong ngành nông nghiệp của huyện.

Có thể nói rằng, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Nghi Lộc đã phát huy được hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường và bước đầu làm thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh cho nông dân đang được nhân ra trên diện rộng, góp phần xây dựng ngành nông nghiệp của huyện phát triển bền vững, toàn diện.

Hoàng Lan