Nghệ An chỉ đạo tham mưu về nguồn vốn uỷ thác ngân sách địa phương để thực hiện tín dụng chính sách

11:01 20/10/2023

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Tài chính tham mưu chuyển nguồn vốn ủy thác ngân sách tỉnh bổ sung năm 2023 và bố trí nguồn vốn ngân sách ủy thác năm 2024 kịp thời để Ngân hàng CSXH tỉnh cho vay theo Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt…

Kịp thời tham mưu bố trí nguồn vốn…

Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Nghệ An vừa tổ chức Phiên họp thường kỳ lần thứ 77. Ông Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An chủ trì phiên họp…

Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An vừa tổ chức Phiên họp thường kỳ lần thứ 77.
Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An vừa tổ chức Phiên họp thường kỳ lần thứ 77.

Phát biểu kết luận phiên họp nêu trên, ông Bùi Thanh An –  Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An đánh giá cao sự chỉ đạo sát sao của các thành viên Ban đại diện HĐQT từ cấp tỉnh đến cấp huyện, đặc biệt là vai trò của Ngân hàng CSXH tỉnh. Đồng thời chỉ đạo: Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Thanh An đề nghị Ban đại diện HĐQT các cấp tham mưu UBND tỉnh, UBND cấp huyện bố trí nguồn ngân sách để bổ sung nguồn vốn cho vay năm 2023 và năm 2024 theo chỉ tiêu đã được UBND tỉnh giao. Sở Tài chính tham mưu chuyển nguồn vốn ủy thác ngân sách tỉnh bổ sung năm 2023 và bố trí nguồn vốn ngân sách ủy thác năm 2024 kịp thời để Ngân hàng CSXH tỉnh  cho vay theo Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Ban Dân tộc tỉnh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh chỉ đạo các đơn vị cơ sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện rà soát đối tượng thụ hưởng các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ để kịp thời tham mưu UBND cấp huyện sớm phê duyệt danh sách để xin bổ sung vốn và giải ngân.

Các thành viên Ban đại diện HĐQT quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách phối hợp tốt với Ngân hàng CSXH, cơ quan công an, chính quyền địa phương để triển khai thực hiện tốt cho vay người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên theo quy chế: Kiện toàn tổ chức; sinh hoạt định kỳ; phân bổ nguồn vốn; kiểm tra, giám sát theo kế hoạch phân công; chỉ đạo giải ngân các nguồn vốn.

Phát biểu kết luận phiên họp nêu trên, ông Bùi Thanh An –  Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An giao Sở Tài chính tham mưu chuyển nguồn vốn ủy thác ngân sách tỉnh bổ sung năm 2023 và bố trí nguồn vốn ngân sách ủy thác năm 2024 kịp thời để Ngân hàng CSXH tỉnh  cho vay theo Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Phát biểu kết luận phiên họp nêu trên, ông Bùi Thanh An – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An giao Sở Tài chính tham mưu chuyển nguồn vốn ủy thác ngân sách tỉnh bổ sung năm 2023 và bố trí nguồn vốn ngân sách ủy thác năm 2024 kịp thời để Ngân hàng CSXH tỉnh cho vay theo Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Ngân hàng CSXH cấp tỉnh, cấp huyện tích cực tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương và làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn để tập trung tối đa nguồn lực đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan và các tổ chức nhận ủy thác kịp thời triển khai cho vay các chương trình tín dụng.

Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác phối hợp với các Chi nhánh Ngân hàng CSXH chỉ đạo các đơn vị cơ sở thực hiện rà soát các dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả, có nhu cầu vay vốn, nhất là các dự án khởi nghiệp để kịp thời giải ngân khi có nguồn vốn ủy thác ngân sách địa phương chuyển sang và nguồn vốn của Ngân hàng CSXH được bổ sung. Đồng thời, thực hiện rà soát các trường hợp bị thiệt hại vốn vay do đợt lũ lụt vừa qua để cho vay bổ sung khắc phục hậu quả và lập hồ sơ đề nghị xử lý rủi ro kịp thời.

Tổng nguồn vốn thực hiện các chương trình chính sách tín dụng đứng thứ 4 toàn quốc

Được biết, tính đến hết tháng 9 năm 2023, nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn toàn tỉnh đã tăng thêm 1.262 tỷ đồng, trong đó cấp bổ sung để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về cho vay phục hồi kinh tế là 338 tỷ đồng.

Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi, gia đình chị Nguyễn Thị Hương (thuộc đối tượng hộ mới thoát nghèo), trú tại xóm 3, xã Quỳnh Bá có điều kiện mua sắm máy móc, phát triển xưởng mộc dân dụng.
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi, gia đình chị Nguyễn Thị Hương (thuộc đối tượng hộ mới thoát nghèo), trú tại xóm 3, xã Quỳnh Bá, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) có điều kiện mua sắm máy móc, phát triển xưởng mộc dân dụng.

Đến nay, tổng nguồn vốn thực hiện các chương trình chính sách tín dụng (22 chương trình) trên địa bàn tỉnh đạt 12.140 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 12.126 tỷ đồng (cao thứ 4 toàn quốc), tốc độ tăng trưởng nguồn vốn đạt 11,6% và dư nợ đạt 11,61% (cao hơn cùng kỳ năm 2022 là 0,3%). Tốc độ tăng trưởng dư nợ tương đương tốc độ tăng trưởng vốn, điều này chứng tỏ công tác điều hành nguồn vốn và giải ngân các nguồn vốn rất tốt, rất kịp thời, không để vốn tồn đọng.

Nguồn vốn ngân sách năm 2023 được trích chuyển để ủy thác sang Ngân hàng CSXH tỉnh kịp thời. Đến 30/9/2023, toàn tỉnh đã hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch trung ương giao (đạt gần 41 tỷ đồng/KH 35 tỷ đồng). Qua đó cho thấy, tinh thần trách nhiệm cao của cơ quan tham mưu cũng như chính quyền các cấp trong việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Tổng nợ xấu tiếp tục được thu hồi trong 9 tháng năm 2023 là 11,3 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 02 huyện không có nợ quá hạn (Quỳ Châu, Con Cuông); 295 xã không có nợ quá hạn, tăng 12 xã so với cuối năm 2022; 5.935 Tổ Tiết kiệm và vay vốn không có nợ quá hạn, tăng 62 tổ so với cuối năm 2022.

Chất lượng tín dụng tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ và có các giải pháp thiết thực để xử lý, thu hồi nợ. Nợ khoanh và nợ quá hạn tiếp tục giảm 1,77 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm 0,13%/tổng dư nợ (chỉ tiêu này của toàn quốc là 0,61%). Công tác kiểm tra, giám sát, quản lý tài chính, tài sản được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ và an toàn; từng bước thực hiện hiện đại hóa hoạt động ngân hàng, áp dụng ngân hàng số theo chỉ đạo, hướng dẫn của Ngân hàng CSXH Việt Nam.

Nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi đã “tiếp sức” cho gia đình chị Nguyễn Thị Xuân, trú tại thôn 6, xã Quỳnh Vinh, TX. Hoàng Mai (Nghệ An) có điều kiện để xây dựng và phát triển mô hình chăn nuôi bò sinh sản cho thu nhập tốt, giúp gia đình chị thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn, vươn lên thành hộ khá giả và chu cấp cho các con ăn học đến nơi đến chốn.
Nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi đã “tiếp sức” cho gia đình chị Nguyễn Thị Xuân, trú tại thôn 6, xã Quỳnh Vinh, TX. Hoàng Mai (Nghệ An) có điều kiện để xây dựng và phát triển mô hình chăn nuôi bò sinh sản cho thu nhập tốt, giúp gia đình chị thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn, vươn lên thành hộ khá giả và chu cấp cho các con ăn học đến nơi đến chốn..

Trong quý III/2023, Ban đại diện HĐQT đã chỉ đạo Ngân hàng CSXH tỉnh xây dựng, hoàn thiện, trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Đầu tư tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023-2025” tại Quyết định số 3005/QĐ-UBND ngày 21/9/2023, tạo điều kiện bổ sung nguồn vốn thực hiện chính sách dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách.

Ngân hàng CSXH từ cấp tỉnh đến cấp huyện đã thực hiện ký kết Chương trình phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp, nhằm tăng cường sự phối hợp trong việc giám sát, phản biện đối với tín dụng chính sách. Đồng thời, phối hợp triển khai thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế từ đầu năm đến nay nhiều địa phương trong tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai như mưa lớn gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất,... gây thiệt hại nặng nề về tài sản và đời sống nhân dân cũng như ảnh hưởng đến nguồn vốn vay của các chương trình tín dụng chính sách. Một số chương trình cho vay về đất ở, đất sản xuất, cho vay theo chuỗi giá trị và trồng cây dược liệu quý gặp khó khăn do chưa có danh sách phê duyệt đối tượng thụ hưởng để Ngân hàng CSXH có cơ sở đề nghị bố trí vốn và giải ngân kịp thời, trong khi thời hạn của các chương trình này không còn nhiều.

Hoàng Lan – Văn Cương