Chiều 22/4, Thủ tướng khẳng định cả nước sẽ bước vào giai đoạn bình thường mới, cần sớm tạo năng lực để khôi phục sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm và bảo đảm kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, để khôi phục sản xuất kinh doanh trong bối cảnh khó khăn hiện nay, không thể cào bằng hỗ trợ từ Chính phủ.
Phục hồi tự nhiên hay ưu tiên thúc đẩy?
Trao đổi với phóng viên, PGS. TS Nguyễn Đức Thành cho rằng đa số ngành hàng phải chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, trong đó có thể chia làm 2 tuyến bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Thứ nhất là những ngành đòi hỏi giao dịch trực tiếp hoặc trong quá trình làm việc cần sự can thiệp của con người như vận tải, hàng không, môi giới, giáo dục tư nhân, dịch vụ khách sạn hay nhà hàng.
Thứ hai là ngành hàng xuất khẩu, bởi thị trường bị đình trệ hoặc hạn chế trong một giai đoạn nhất định.
Các ngành dịch vụ được cho là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covid-19. Ảnh: Phạm Ngôn.
Những ngành ít bị ảnh hưởng hơn về nguyên tắc có thể cung cấp cách thức làm việc thay thế, hoặc không nhất thiết phải giao dịch trực tiếp. Ông Thành lấy ví dụ về hoạt động sản xuất, xây dựng ở quy mô nhỏ, hay lĩnh vực nghiên cứu.
Trong khi đó, ngành ít bị ảnh hưởng nhất, thậm chí tăng trưởng mạnh là giao dịch trực tuyến, bán đồ điện tử phục vụ nhu cầu giải trí hoặc làm việc tại nhà.
Đối với nông nghiệp, vị chuyên gia kinh tế cho rằng chủ yếu bị ảnh hưởng bởi chính sách, thị trường, còn quá trình sản xuất không chịu tác động quá lớn.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, sau dịch Covid-19, những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ sớm tự phục hồi. Riêng ngành vận tải, hàng không sẽ không tăng vọt ngay, mà từng bước phát triển trở lại.
“Sau dịch, việc các ngành hàng, lĩnh vực tự phục hồi thể hiện qua giao dịch trực tiếp được nối lại. Thị trường sẽ sắp xếp ngành, lĩnh vực nào phục hồi trước, phản ánh qua nhu cầu của người dân”, ông Thành nói.
Do đó, về việc chủ động ưu tiên thúc đẩy ngành hàng nào trước, ngành hàng nào sau, PGS.TS Nguyễn Đức Thành cho rằng không nên can thiệp, trừ đối với ngành thiết yếu phục vụ Nhà nước. Theo ông, thị trường sau dịch bệnh sẽ có những thay đổi rất khác, khó nắm bắt.
Trong khi đó, chuyên gia tư vấn tăng trưởng doanh nghiệp Phạm Việt Anh cho rằng, thời gian qua, dịch vụ thường chiếm tỷ trọng gần 50% cơ cấu GDP, đồng thời tạo việc làm cho hơn 30% lực lượng lao động. Tuy nhiên, kinh doanh trong lĩnh vực này lại chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ, có tiềm lực yếu và dễ bị tổn thương trong giai đoạn dịch Covid-19.
Do đó, nếu được hỗ trợ phục hồi, dịch vụ sẽ tạo đà phát triển chung cho nền kinh tế, đồng thời giải quyết vấn đề việc làm và thu nhập cho lượng lớn lao động, đảm bảo an sinh xã hội trong giai đoạn kiểm soát dịch bệnh.
Trong đó, các ngành dịch vụ như F&B và du lịch được ông Việt Anh đánh giá là đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân sau thời gian cách ly xã hội.
Do vậy, chỉ cần Chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội, các nhà hàng, quán ăn, cà phê, khách sạn, lữ hành... sẽ nhanh chóng hồi phục hơn, so với lĩnh vực công nghiệp hoặc nông nghiệp, vốn phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tiến trình phục hồi cho từng lĩnh vực
Đối với ngành F&B, ông Phạm Việt Anh cho rằng cần sớm cho phép các doanh nghiệp hoạt động trở lại, với điều kiện đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Điều này vừa phù hợp với chủ trương sống chung với dịch của Chính phủ và các địa phương, vừa giúp doanh nghiệp duy trì nguồn thu trong bối cảnh dịch đã cơ bản được kiểm soát tốt.
Bên cạnh đó, theo kiến nghị thư đã gửi đến Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, tập thể các doanh nghiệp F&B và bán lẻ cũng mong muốn tất cả tỉnh, TP chấp nhận các hoạt động bán hàng online, bán hàng mang đi, giao hàng tận nơi trong giai đoạn này.
Các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp được đề xuất tập trung đẩy mạnh thị trường nội địa để sớm phục hồi. Ảnh: Hoàng Hà
Về du lịch, do thị trường quốc tế còn phụ thuộc khả năng chống dịch của các nước, du lịch nội địa cần được sớm kích cầu. Mới đây, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đã dự kiến kịch bản phục hồi, trong đó tập trung vào thị trường nội địa, thông qua ưu đãi dịch vụ và các gói kích cầu tiêu dùng du lịch.
Tuy nhiên, trước mắt, giải pháp đang được đánh giá cao là phát hành “phiếu mua tour” có thời hạn 12-18 tháng cho các doanh nghiệp, tương đương các tour đã đặt cho khách hàng nhưng không thể đi vì dịch Covid-19. Trong bối cảnh này, các hãng hàng không lại tích cực bán vé bay không giới hạn số chuyến để tăng nguồn thu ngắn hạn.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia nghiên cứu và phân tích thị trường nông sản, để nông nghiệp phục hồi nhanh và phát triển mạnh sau dịch, cần gia tăng xuất khẩu, đồng thời ổn định thị trường nội địa. Tuy nhiên, ông đánh giá kinh tế gặp khó khăn thì nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm không thể tăng cao.
Do đó, không nên quá chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu sau dịch, bởi sẽ có sự dịch chuyển đơn hàng từ quốc gia này sang quốc gia khác nhưng không nhiều. Ví dụ, khu vực Trung Đông nhập nhiều gạo giá cao của Thái Lan, Ấn Độ, nhưng nếu những nước này tạm ngừng xuất khẩu, không đồng nghĩa khách hàng sẽ tìm đến Việt Nam vì chất lượng gạo khác nhau. Với các mặt hàng nông sản khác, nếu đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng, cơ hội mở rộng thị trường sẽ lớn hơn.
Chia sẻ với phóng viên, ông Đinh Hùng Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Lavifood cũng khẳng định "suy cho cùng vẫn phải là thị trường". Do đó, ông cho rằng trong bối cảnh khách hàng chưa mở cửa thông thương như hiện nay, gia tăng hàng nội địa là giải pháp tối ưu nhất cho ngành nông nghiệp.
Lan Anh