Nhiều nhãn hàng cao cấp toàn cầu đã hạ dự báo doanh thu năm 2023, sau khi chứng kiến lượng bán hàng tại Trung Quốc tăng trưởng chậm.
Chỉ sau một năm kể từ khi Trung Quốc nói lời chào tạm biệt với chính sách "không Covid," thị trường hàng xa xỉ đang đối mặt với một thực tế khác xa với những kỳ vọng ban đầu. Các thương hiệu quốc tế hàng đầu đang phải thích ứng khi nhu cầu mua sắm các sản phẩm "đắt đỏ" ở thị trường lớn nhất thế giới không tăng theo như dự kiến.
Một trong những thương hiệu nổi tiếng với các sản phẩm mỹ phẩm cao cấp, Estée Lauder, vừa công bố giảm dự báo thu nhập cho năm 2023. Sự khôi phục của nhu cầu về các sản phẩm làm đẹp tại Trung Quốc đã chậm hơn dự kiến, góp phần đưa ra quyết định này.
Trước đó, chủ sở hữu của Estée Lauder, MAC và Clinique đã bày tỏ niềm tin tích cực về việc thị trường Trung Quốc sẽ làm phục hồi doanh số bán hàng của họ sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, sau sự tăng trưởng ban đầu trong quý I/2023, nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc đã giảm, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ hàng cao cấp, gây giảm doanh thu và đẩy giá cổ phiếu của Estée Lauder xuống mức thấp nhất, giảm 55% trong 10 tháng qua.
Không chỉ riêng Estée Lauder, Canada Goose - nhãn hiệu nổi tiếng với những chiếc áo lông ngỗng sang trọng, cũng đang phải đối mặt với sự điều chỉnh của thị trường. Trong bản báo cáo doanh số mới nhất, công ty này đã nêu rõ rằng Trung Quốc, thị trường lớn nhất ngoài Canada, vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn. Giá cổ phiếu của họ đã giảm tổng cộng 43% kể từ tháng 1 năm nay.
Ví dụ khác nằm ở doanh số bán hàng của Apple tại Trung Quốc. Theo số liệu từ hãng Counterpoint Research, doanh số bán iPhone 15 tại Trung Quốc giảm 4,5% so với doanh số iPhone 14 trong hai tuần đầu tiên sau khi ra mắt. Đây là màn khởi đầu thấp nhất của iPhone ở Trung Quốc kể từ năm 2018. Trong khi đó, công ty tài chính Jefferies cho biết, doanh số bán iPhone 15 giảm theo tỷ lệ hai chữ số do nhiều người Trung Quốc tỏ ra hứng thú hơn với dòng điện thoại Mate 60 mới ra mắt của Huawei.
Nền kinh tế Trung Quốc từ đầu năm 2023 đến nay đối mặt với những thách thức không nhỏ trong quá trình hồi phục từ đại dịch. Tăng tỷ lệ thất nghiệp, khủng hoảng bất động sản và "hiệu ứng tài sản tiêu cực" khiến người tiêu dùng giảm chi tiêu và nắm giữ tiền mặt.
Một yếu tố đặc biệt là căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Điều này đã gây ra tác động lớn đối với các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại thị trường Trung Quốc, khiến cho chính phủ và người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng sản phẩm nội địa hơn là hàng nhập khẩu từ nước ngoài.
Lý giải thêm về nguyên nhân doanh số bán iPhone 15 mới tại Trung Quốc giảm, ông Jeff Fieldhack, Giám đốc nghiên cứu tại Counterpoint, cho biết: “Hiện tại, chủ nghĩa dân tộc đang tỏ ra thịnh hành khi người tiêu dùng Trung Quốc cho rằng họ đã bị chính phủ Mỹ đối xử sai trái và các lệnh trừng phạt đang hướng về Huawei nhằm làm tăng doanh số của Apple”.
Minh Trang (T/h)