Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, để đáp ứng nhu cầu tăng cao, ngành đường sắt tiếp tục chạy thêm 8 chuyến tàu để phục vụ hành khách đi lại dịp Tết Nguyên đán 2024 với nhiều chuyến kết nối khu vực miền Trung, vốn có nhu cầu rất cao.
Theo đó, 8 chuyến tàu này xuất phát từ ga Sài Gòn - Hà Nội và ngược lại, từ Quy Nhơn, Quảng Ngãi về Sài Gòn. Ngoài ra, ngành đường sắt cũng nối thêm toa tàu để tăng lượng khách phục vụ. Tổng số chỗ được bổ sung là hơn 4.000 chỗ.
Cụ thể, ngành đường sắt chạy thêm tàu SE32 từ Sài Gòn đến Hà Nội ngày 24, 25/1 (nhằm ngày 14, 15 tháng Chạp); tàu SE11 từ Hà Nội đến Sài Gòn ngày 26, 27/1 (nhằm ngày 16, 17 tháng Chạp); tàu SE25 từ Quảng Ngãi và tàu SE29 từ Quy Nhơn về Sài Gòn ngày 20, 21/2 (nhằm ngày 11, 12 tháng Giêng).
Để đảm bảo quyền lợi của hành khách trong việc mua vé đi tàu, ông Thái Văn Truyền, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn khuyến cáo, để đảm bảo quyền lợi của hành khách trong việc mua vé đi tàu, ngành đường sắt khuyến cáo không mua vé qua các đối tượng trung gian “cò mồi, chợ đen”, mạo danh nhân viên đường sắt để tránh tình trạng mua phải vé giả, vé không đúng thông tin, vé bị cạo sửa giá vé, ngày đi tàu (không có giá trị đi tàu).
Hành khách chỉ mua vé qua website của ngành đường sắt (www.dsvn.vn, vetau.com.vn), mua trực tiếp tại các cửa bán vé của các ga hoặc tại các đại lý bán vé của đường sắt Việt Nam, mua qua các ứng dụng điện tử, tổng đài bán vé. Ngành đường sắt sẽ tổ chức kiểm soát thẻ lên tàu và giấy tờ tùy thân của hành khách tại cửa vào ga và cửa toa tàu. Hành khách có thông tin cá nhân trùng khớp với thông tin trên thẻ lên tàu mới được vào ga đi tàu.
Trước đó, ngành đường sắt đã bổ sung đợt 1 với 3.000 vé tàu những ngày cao điểm Tết để phục vụ người dân, nâng tổng số vé tàu được tăng cường đến nay là 7.000 vé. Dịp Tết năm nay, ngành đường sắt cung ứng khoảng hơn 200.000 chỗ, với gần 400 chuyến tàu. Giá vé cao nhất dịp là hơn 2.950.000 đồng/vé giường nằm chặng dài nhất (TP Hồ Chí Minh – Hà Nội).
Minh Phương (T/h)