Ngân hàng mỏi mòn ngóng Thông tư 01 sửa đổi

09:12 18/01/2021

Trong khi nỗi lo về nợ xấu đang ngày càng gia tăng thì ngân hàng vẫn phải mỏi mòn ngóng văn bản sửa đổi.

Hiện nay các doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa vì đã hết hạn lấy ý kiến đã lâu nhưng thông tư sửa đổi thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước về việc tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ... chưa được ban hành. 

Nếu thông tư không được ban hành kịp thời, doanh nghiệp lo sẽ bị liệt vào "danh sách đen" nợ quá hạn, sẽ không thể tiếp tục vay vốn.

Về vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Thông tư 01 là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do dịch COVID-19. 

thông tư 01 là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch COVID-19
thông tư 01 là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch COVID-19.

Theo ông Tú, hiện Việt Nam kiểm soát dịch tốt nhưng với các nước trên thế giới đó vẫn là câu chuyện phức tạp. Khó khăn trong giao thương khiến các doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn và cần hỗ trợ để phục hồi. Ngay trong phương hướng năm nay, Ngân hàng Nhà nước cũng coi việc hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn do COVID-19 là một trong những mục tiêu quan trọng.

"Do vậy việc sửa Thông tư 01 cũng theo hướng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vay vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể phục hồi nhanh chóng. Nhưng bên cạnh đó cũng phải quan tâm đến an toàn tài chính của các tổ chức tín dụng, kể cả trong ngắn hạn cũng như sự an toàn và lành mạnh của nền tài chính quốc gia trong trung hạn", ông Tú khẳng định.

Hiện, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đang thống nhất trình dự thảo sửa đổi Thông tư 01 (mới) theo hướng sẽ tiếp tục cho phép giữ nguyên nhóm nợ để doanh nghiệp tiếp tục được vay nợ với lãi suất bình thường như trước đây.

Tuy nhiên, các ngân hàng sẽ phải bắt đầu trích lập dự phòng rủi ro căn cứ vào bản chất của các khoản nợ đó. Lộ trình trích lập dự phòng rủi ro là 3 năm bắt đầu từ năm 2021, nhằm tránh gây ra "cú sốc" về lợi nhuận.

Cụ thể, theo nội dung sửa đổi, tổ chức tín dụng sẽ cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ đáp ứng đầy đủ các điều kiện. Thứ nhất là các khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính. Thứ hai là phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong thời gian từ 23/1/2020 đến 31/3/2021. Thứ ba là khách hàng không có khả năng trả nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký do doanh thu, thu nhập giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày từ hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng thỏa thuận. Số dư nợ phát sinh trước ngày 23/1 và quá hạn trong khoảng thời hạn từ 23/1/2020 đến 29/3/2020.

Chênh lệch giữa số tiền dự phòng cụ thể phải trích lập đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng với số trích lập trên dư nợ được cơ cấu của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nếu lớn. Bên cạnh đó, nội dung sửa đổi Thông tư 01 quy định tổ chức tín dụng phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro bao gồm kết quả phân loại nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch theo quy định tại Thông tư.

Trường hợp số chênh lệch lớn hơn 0, tổ chức tín dụng phải trích bổ sung dự phòng theo tỷ lệ trên số tiền chênh lệch thời điểm Thông tư sửa đổi có hiệu lực đến hết 31/12/2021, tối thiểu 30% số tiền chênh lệch. Từ 1/1/2022 đến 31/12/2022 tối thiểu 60% số tiền chênh lệch và từ 1/1/2023 đến 31/12/2023 là 100% số tiền chênh lệch. 

Từ 1/1/2024, các tổ chức tín dụng quay trở lại xác định phân loại nợ và trích lập như quy định của Ngân hàng Nhà nước

Theo TS. Cấn Văn Lực, trên tinh thần sửa đổi Thông tư như vậy, dự báo tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng năm 2021 "may ra sẽ được như năm 2020, tức là tăng khoảng 10%".

Bảo Bảo