Ngại công khai minh bạch, doanh nghiệp vẫn chấp nhận chi phí vốn cao

00:00 12/10/2020

Với nhiều điều kiện chặt chẽ và phải công khai, minh bạch thông tin nên đa số DN chấp nhận chi phí vốn cao chứ không chọn cách phát hành trái phiếu.

Không phát hành trái phiếu vì… ngại công khai

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, chi phí vốn cho khu vực doanh nghiệp (DN) đang rất cao. Cộng đồng DN còn cơ bản dựa vào tín dụng ngân hàng.

Theo ông Tuấn, khi DN huy động vốn dài hạn trên thị trường trái phiếu sẽ thấp hơn rất nhiều việc vay tín dụng ngân hàng: "Đấu giá trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm, lãi suất là 4,12%/năm nhưng hiện doanh nghiệp phải vay vốn trung, dài hạn tại các ngân hàng thương mại thì chi phí vốn lên tới 9,6%/năm".

 

 Người Việt vẫn thiên về gửi tiết kiệm và đi vay ngân hàng nhiều hơn là đầu tư cổ phiếu (Ảnh minh họa: KT)

Đồng tình với Thứ trưởng Bộ Tài chính, PGS. TS. Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, với 85% vốn cung cấp cho nền kinh tế là tín dụng ngân hàng, như vậy với chênh lệch gấp đôi giữa tín dụng ngân hàng là 9,6% và lãi suất phải trả nếu DN phát hành trái phiếu chỉ 4,12% như thế chi phí vốn của DN sẽ bị đẩy cao lên và tính tổng thể cả nền kinh tế thì sẽ không có lợi bao nhiêu.

“DN dựa quá nhiều vào tín dụng ngân hàng và khi cung tín dụng nhiều lại chiếm tỷ trọng lớn sẽ dễ có rủi ro về kỳ hạn, rủi ro hệ thống. Muốn chi phí vốn của DN giảm, từ đó, giảm chi phí chung cho cả nền kinh tế thì phải phát triển trái phiếu DN”, bà Mùi nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chưa phát triển và đang rất nhỏ bé so với kênh tín dụng ngân hàng và so với quy mô thị trường TPDN của các nước trong khu vực. Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, dư nợ thị trường TPDN Việt Nam chỉ ở mức 6,1% GDP, trong khi mức bình quân ở các nước trong khu vực là 20-50% GDP. 

Mặc dù khối lượng phát hành trái phiếu DN ở năm 2017 gấp hơn 10 lần so với năm 2011 nhưng cả giai đoạn 2011 - 2017 mới phát hành được 49.000 tỷ đồng. Quy mô thị trường trái phiếu DN năm 2017 đã tăng gấp đôi so với năm 2011 nhưng vẫn chỉ bằng 6,19% GDP, trong khi dư nợ tín dụng ngân hàng bằng 130% GDP.  

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và Tổ chức tài chính, Bộ Tài chính, trong tổng dự nợ trái phiếu bằng 6,1% GDP nhưng nếu trừ đi phần do các ngân hàng thương mại huy động vốn cấp hai thì quy mô trái phiếu do DN phát hành chỉ bằng 1,7% GDP.

“Như thế có thể nói hầu như chưa có gì cả”, ông Dương nhận định.

TS.Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban chứng khoán nhà nước cho rằng, TPDN thiếu phát triển, trước hết là do văn hóa Việt Nam thiên về gửi tiết kiệm và đi vay ngân hàng nhiều hơn là đầu tư cổ phiếu hay huy động vốn trên TTCK bằng việc phát hành trái phiếu.

Thói quen này trước hết là do “yếu tố lịch sử”. Hệ thống ngân hàng đã hoạt động được 70 năm và mạng lưới ngày càng mở rộng, trong khi đó thị trường trái phiếu mới hình thành từ năm 2.000, tức là chưa được 20 năm. Bên cạnh đó, thủ tục vay ngân hàng đơn giản hơn và chi phí thủ tục thấp hơn và không phải công khai thông tin. Nhưng để phát hành được trái phiếu thì DN phải đáp ứng nhiều điều kiện chặt chẽ và tuân thủ quy trình thủ tục theo chuẩn mực thị trường và phải công khai minh bạch thông tin vì thế DN, nhất là DN nhỏ và vừa e ngại không chọn cách phát hành trái phiếu.

Trái phiếu phải hấp dẫn hơn tiết kiệm

Thị trường trái phiếu thiếu hấp dẫn còn do cơ sở hạ tầng cũng đang yếu, chưa có hệ thống thông tin tập trung về TPDN, lại thiếu vắng các tổ chức xếp hạng tín nhiệm nên nhà đầu tư thiếu thông tin, thiếu kênh đánh giá để ra quyết định đầu tư của các nhà đầu tư trái phiếu DN. Quy định về phát hành quá chặt chẽ. Thiếu vắng các nhà đầu tư dài hạn, các nhà đầu tư có tổ chức, các quỹ đầu tư mục tiêu, quỹ hưu trí nên nhu cầu đầu tư trên thị trường thiếu bền vững.

ngai cong khai minh bach doanh nghiep van chap nhan chi phi von cao hinh 2

Bà Phan Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và Tổ chức tài chính, Bộ Tài chính

Để tạo điều kiện cho DN phát hành trái phiếu, bà Phan Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và Tổ chức tài chính, Bộ Tài chính cho biết, Nghị định 90/NĐ-CP về phát hành TPDN riêng lẻ sẽ được sửa đổi, trong đó, nới lỏng điều kiện phát hành gắn với việc tập trung vào nhà đầu tư có tổ chức, tăng cường cơ chế công bố công khai thông tin của DN phát hành để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư.

“Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu xây dựng Luật Chứng khoán thế hệ 2, trong đó, đánh giá khả năng gắn xếp hạng tín nhiệm vào phát hành TPDN ra công chúng. Các cơ chế chính sách về đầu tư và nắm giữ TPDN sẽ được hoàn thiện đồng bộ với các cơ chế chính sách trên thị trường tiền tệ, tín dụng nhằm tạo sự liên thông, giữa phát triển thị trường TPDN và thị trường tiền tệ – tín dụng”, bà Phan Thu Hiền cho biết thêm.

Tuy nhiên, theo bà Hiền, việc phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm phụ thuộc cả vào yếu tố cung và cầu, phụ thuộc vào nhu cầu muốn xếp hạng, cần xếp hạng của DN. DN cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm phải có kinh nghiệm và uy tín cung cấp dịch vụ chất lượng.

“Bộ Tài chính dự kiến sẽ nghiên cứu yêu cầu TPDN phát hành ra công chúng thực hiện xếp hạng tín nhiệm khi điều kiện thị trường cho phép. Còn đối với trái phiếu riêng lẻ sẽ khuyến khích các DN xếp hạng tín nhiệm để tăng cường công khai, minh bạch về thông tin”, bà Hiền nói.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để giải bài toán giảm chi vốn cho DN, phải phối hợp làm sao để DN cần vốn là huy động trên thị trường chứng khoán và phải để người dân thấy rằng nên mua trái phiếu hơn là đi gửi tiết kiệm.

“Đừng quá lo về rủi ro mà đưa ra quy định pháp lý chặt quá. Chặt quá sẽ không khơi thông được thị trường trái phiếu”, TS Vũ Bằng nêu ý kiến./.

Cẩm Tú