![]() |
Nền kinh tế Mỹ đối mặt cú sốc nguồn cung vì thuế quan. |
Các đợt áp thuế quan của Tổng thống Donald Trump đang tạo ra những cú sốc lớn đối với nền kinh tế Mỹ, với nguy cơ gây ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa và lạm phát kéo dài đến cuối năm.
Theo ước tính của các chuyên gia, sau khi Mỹ nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên 145% hồi đầu tháng 4/2025, lượng hàng vận chuyển từ Trung Quốc sang Mỹ đã giảm tới 60%. Hiện tại, tác động này chưa thực sự rõ ràng đối với người tiêu dùng Mỹ, nhưng theo dự báo, nó sẽ bắt đầu tạo ảnh hưởng mạnh từ giữa tháng 5/2025.
Các nhà bán lẻ lớn như Walmart và Target đã cảnh báo ông Donald Trump rằng người tiêu dùng sẽ đối mặt với tình trạng không còn hàng hóa bày trên kệ và giá cả tăng vọt. Ông Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng tại Apollo Management, so sánh tình hình sắp tới với sự "thiếu hụt như thời kỳ Covid", kèm theo các đợt sa thải hàng loạt trong ngành logistics và bán lẻ.
Đáng chú ý, ngay cả khi Washington và Bắc Kinh đạt được một thỏa thuận, thì việc khởi động lại hoạt động vận chuyển xuyên Thái Bình Dương cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Do công suất vận chuyển đã bị cắt giảm, nên khi nhu cầu tăng đột biến trở lại, hệ thống logistics sẽ bị quá tải, dẫn tới tình trạng trì hoãn và chi phí tăng cao – tương tự như cuộc khủng hoảng container giai đoạn 2020-2021.
Theo dữ liệu từ Bloomberg, số lượng tàu vận chuyển từ Trung Quốc sang Mỹ trong tháng 4 đã giảm khoảng 40% so với trước khi Tổng thống Donald Trump công bố các mức thuế mới. Nếu tính theo container, lượng hàng hóa đã giảm khoảng 1/3, gây ra cú sốc nguồn cung nghiêm trọng.
Để đối phó với tình hình này, nhiều doanh nghiệp Mỹ đang tìm kiếm nguồn cung từ Đông Nam Á, đặc biệt là từ các quốc gia như Việt Nam, Thái Lan và Campuchia. Công ty vận tải biển Hapag-Lloyd ghi nhận đơn hàng từ Trung Quốc đã sụt giảm tới 30%, trong khi đơn hàng từ khu vực Đông Nam Á lại đang tăng mạnh.
Tuy nhiên, chuyên gia Judah Levine từ Freightos nhận định việc dịch chuyển nguồn cung đột ngột sẽ gây ra tình trạng tắc nghẽn tại cảng và thiếu container, làm gián đoạn thêm chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cảnh báo thương mại hàng hóa giữa Mỹ và Trung Quốc có thể giảm tới 80% nếu căng thẳng tiếp tục kéo dài. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng từng thừa nhận rằng các mức thuế quan mà hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang áp đặt lẫn nhau "giống như một lệnh cấm vận thương mại".
![]() |
Số lượng tàu vận chuyển từ Trung Quốc sang Mỹ trong tháng 4 đã giảm khoảng 40% so với trước khi Tổng thống Donald Trump công bố các mức thuế mới (Ảnh: Bloomberg). |
Ngoài ra, các nhà kinh tế cũng đang nâng dự báo lạm phát, vì lo ngại giá hàng hóa nhập khẩu sẽ tăng mạnh. Một số mặt hàng từ Trung Quốc có thể tăng giá gấp đôi trong mùa lễ cuối năm, trong khi niềm tin tiêu dùng đã sụt giảm mạnh.
Theo khảo sát của Bloomberg, tổng kim ngạch nhập khẩu vào Mỹ trong quý II/2025 có thể giảm 7% so với cùng kỳ, mức giảm mạnh nhất kể từ đại dịch Covid-19.
Ông Jay Foreman, CEO của hãng đồ chơi Basic Fun, cho biết thuế quan hiện tại đang tạo ra một "lệnh cấm vận ngầm". Nếu tình trạng này kéo dài thêm vài tuần, doanh nghiệp sẽ buộc phải cắt giảm đơn hàng, dẫn đến giảm việc làm, tăng vay nợ và giá cả leo thang.
"Chúng tôi đang ở giai đoạn thiệt hại còn kiểm soát được, nhưng mỗi tuần trôi qua, mức độ thiệt hại sẽ tăng lên", ông Foreman nói.
Áp lực từ chuỗi cung ứng, giá cả tăng và khả năng suy thoái đang khiến nhiều chuyên gia cho rằng xác suất nền kinh tế Mỹ rơi vào tình trạng suy giảm trong năm nay đang gần như “50-50”.
Ông Jim Gerson, chủ tịch công ty sản xuất đồ trang trí Gersons Companies, cho biết công ty của ông đang mắc kẹt khoảng 250 container hàng tại Trung Quốc, do chưa thể vận chuyển. Nếu tình hình không cải thiện trong vài tuần tới, mùa mua sắm lễ hội cuối năm sẽ gặp rủi ro nghiêm trọng.
Mặc dù các nhà hoạch định chính sách Mỹ, như Bộ trưởng Scott Bessent, đang tìm cách hạ nhiệt căng thẳng thương mại, nhưng theo các chuyên gia, thiệt hại về kinh tế đã bắt đầu lan rộng.
Dù vậy, điểm khác biệt so với thời kỳ đại dịch Covid-19 là: cuộc khủng hoảng lần này có thể chấm dứt nhanh chóng nếu Tổng thống Donald Trump quyết định rút lại, hoặc giảm mức thuế, theo ông Jay Foreman nhận định. Ông này cho biết: “Ảnh hưởng kéo dài có thể sẽ tồi tệ hơn Covid. Nhưng giải pháp cũng có thể đến nhanh hơn nhiều".