Từ đầu năm 2022 đến nay, Tổng cục Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý gần 1.500 vụ việc vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ… Trị giá hàng hoá lên tới hàng chục tỷ đồng. Tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn tiếp tục phát triển trong nhiều năm qua không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người tiêu dùng mà còn phá vỡ môi trường kinh doanh cũng như uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Viện trưởng VCCI cho biết: “Các đối tượng làm hàng giả đã tích cực tận dụng thời điểm khó khăn do đại dịch COVID-19 để tạo lợi thế bởi sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và nhu cầu tiêu dùng một số mặt hàng đang tăng rất cao hiện nay như: khẩu trang, thiết bị y tế; chất khử trùng; các sản phẩm phòng chống COVID-19… Đồng thời, những đối tượng kinh doanh, sản xuất hàng giả cũng ứng dụng các loại công nghệ cao khiến trình độ làm hàng giả cũng được nâng tầm. Các loại sản phẩm giả, nhái được sản xuất với số lượng lớn và ngày càng khó phân biệt hơn, đánh lừa người tiêu dùng và làm khó cơ quan chức năng”.
Việc làm giả và lưu hành các sản phẩm giả tác động trực tiếp và tiêu cực đến uy tín của các thương hiệu đích thực và gây ra những tác hại rất lớn đối với doanh nghiệp như mất uy tín thương hiệu; mất doanh thu và thị phần trên thị trường vì các sản phẩm giả mạo chiến đóng khiến sản phẩm doanh nghiệp không tiếp cận được khách hàng tiềm năng, người tiêu dùng hiểu lầm, dẫn đến việc quay lưng lại với sản phẩm...
Thương mại điện tử phát triển mạnh dẫn tới ranh giới thực và ảo, sản xuất và kinh doanh, đưa từ cơ sở sản xuất hàng giả đến người tiêu dùng đã có phương thức mới, thông qua các đơn vị vận chuyển dẫn đến việc phát hiện của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn. Các mặt hàng được làm giả rất đa dạng, từ giày dép, thực phẩm chức năng, hoá mỹ phẩm, phân bón… tất cả những gì mang lại lợi nhuận sẽ được làm giả.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh: “Nhiều vụ việc Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra, đơn vị sản xuất hàng giả là thuốc, thực phẩm chức năng, hoá mỹ phẩm chỉ là công nghệ xoong nồi và chảo quấy. Hàng giả nói chung như mang túi xách giả… cũng ảnh hưởng đến quyền lợi nhưng thực phẩm chức năng giả, thuốc không rõ nguồn gốc thì ảnh hưởng đến doanh nghiệp làm ăn chân chính, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân, lấy đi cơ hội về sức khoẻ, chữa bệnh”.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Trần Hoàng Kim Anh, Thương hiệu PN’S CHOICE – Công ty TNHH Tập đoàn Y – Dược Sâm Ngọc Linh Việt Nam cho biết: “Có đến 90% sâm Ngọc Linh gắn mác khai thác tự nhiên trên thị trường là giả, điều này dẫn đến hệ lụy rất lớn với doanh nghiệp khi khách hàng quay lưng lại với sâm Ngọc Linh vì vấn nạn làm giả. Cây Tam Thất có hình dáng giống cây sâm Ngọc Linh khiến nhiều người nhầm lẫn, thậm chí Sâm Ngọc linh cũng bị làm giả ngay tại “thánh địa”. Doanh nghiệp đã phải tìm kiếm nhiều giải pháp công nghệ để bảo vệ thương hiệu của mình”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nêu ý kiến: Người tiêu dùng chỉ nên mua thuốc, thực phẩm chức năng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, để tránh mua phải hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng. Cần có tư vấn khi sử dụng và thông tin cho cơ quan nhà nước có liên quan khi phát hiện thực phẩm chức năng lưu thông trên thị trường không bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, tăng cường sự hướng dẫn sử dụng của cơ quan chuyên môn. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cần tham gia mạnh mẽ trong vấn đề này.
Theo đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, để xử lý tình trạng hàng giả, cần sự phối hợp của các Bộ, ngành, cùng với đó là sự vào cuộc của các hiệp hội, doanh nghiệp cần quyết liệt hơn. Đặc biệt, doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ mới, tiên tiến để giúp cơ quan quản lý cũng như người dân dễ dàng nhận diện được hàng thật, hàng giả.
PV (t/h)