![]() |
5 tỷ phú USD của Việt Nam có mặt trong Forbes |
VN-Index đã có 7 phiên tăng điểm liên tiếp với mức tăng tổng cộng gần 90 điểm và lên cùng cao nhất trong vòng 3 năm qua. Nhiều chuyên gia dự báo, VN-Index có thể tái lập đỉnh lịch sử 1.528 điểm trong năm nay, tức tăng 6% so với hiện tại. Thanh khoản cũng tăng vọt lên trung bình gần 1 tỷ USD mỗi phiên.
Chưa kể, nhà đầu tư nước ngoài cũng phát tín hiệu quay trở lại mạnh mẽ sau khi rút ròng 40.700 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Khối ngoại đang có chuỗi gom hàng 10 phiên liên tiếp. Ngay cả phiên 15/7 với mức điều chỉnh của chỉ số sàn HOSE “bay” gần 10 điểm, thì khối ngoại vẫn "mạnh dạn" mua ròng hơn 1.100 tỷ. Tính từ đầu tháng 7 đến nay, khối ngoại đã mua ròng gần 13.000 tỷ đồng trên HOSE, ghi nhận giai đoạn dòng tiền vào mạnh nhất trong gần 3 năm.
![]() |
Khối ngoại quay trở lại mua ròng 10 phiên liên tiếp. (Nguồn: Vietstock) |
Nếu không tính phiên điều chỉnh ngắn hạn hôm 15/7, chỉ số VN-Index leo dốc trong thời gian qua, một phần nhờ thông tin tích cực về thuế quan, cũng như các chỉ số kinh tế trong nước như GDP, IIP... khả quan.
Giai đoạn bull market (thị trường con bò) cũng khiến các cổ phiếu vốn hoá lớn (bluechip) giao dịch trong vùng cao nhiều năm liền, một số cổ phiếu cũng thăng hoa, bước lên những vùng giá đáng mơ ước, giúp tài sản nhà đầu tư phình to hơn.
Nhìn lại thị trường hơn nửa năm qua, tài sản của các tỷ phú Việt cũng gia tăng nhanh chóng.
Trong đó, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup đã chứng kiến chuỗi tăng 6 phiên liên tiếp, là lực đẩy chính đưa VN-Index tăng giá. Hiện VIC đang ở vùng 111.600 đồng/cp - vùng cao nhất trong vòng 4 năm qua của cổ phiếu này. Nếu chỉ tính từ đầu năm, thị giá VIC đã gấp 2,5 lần.
Bên cạnh đó, VHM của Vinhomes cũng đang ở vùng cao nhất 4 năm qua, đang ở vùng trên 87.400 đồng/cp. Hay VRE của Vincom Retail cũng đang giao dịch trong mức cao nhất gần 2 năm qua. So với đầu năm 2025, hai cổ phiếu VHM và VRE đã tăng lần lượt 118% và 64%.
![]() |
Bộ ba cổ phiếu nhà Vin tăng mạnh sau hơn nửa năm. (Nguồn: TradingView) |
Cổ phiếu tăng giá, chính thức đưa tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng lên mốc kỷ lục 11,7 tỷ USD, theo cập nhật tại cuối ngày 15/7. Khối tài sản này đã đưa ông Vượng tiếp tục giữ vị thế số 1 giàu nhất sàn chứng khoán Việt và đứng 227 những người giàu nhất hành tinh.
Đáng nói, khối tài sản hơn 11,7 tỷ USD của vị Chủ tịch Vingroup còn cao hơn cả 4 người giàu tiếp theo trên sàn chứng khoán cộng lại (bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Trần Đình Long, ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang).
Không những cổ phiếu của ông Vượng, các cổ phiếu của doanh nghiệp có liên quan đến các vị tỷ phú Việt cũng tăng mạnh so với đầu năm, qua đó đưa khối tài sản của họ tiếp tục lớn lên.
Chẳng hạn như HPG của Tập đoàn Hoà Phát, cổ phiếu "quốc dân" này đang leo lên vùng cao nhất từ tháng 4/2022, đạt 25.500 đồng/cp chốt phiên 15/7. Nếu tính từ nhịp điều chỉnh mạnh từ hồi tháng 4 mới đây - thời điểm Tổng thống Mỹ công bố thuế quan đối ứng - thì HPG đã vọt lên gần 47%.
Tài sản của Chủ tịch Trần Đình Long qua đó cũng đạt mốc 2,6 tỷ USD, tăng vài trăm triệu USD so với đầu năm và là người giàu thứ ba sàn chứng khoán.
Tương tự, cổ phiếu TCB của Techcombank đã tăng 50% từ đầu năm, đạt đỉnh từ trước đến nay. Tài sản tỷ phú Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank - cũng tăng 41% kể từ cuối năm 2024, lên mức 2,3 tỷ USD và giúp ông đứng thứ 4 những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt.
Trong khi đó, tài sản của hai vị tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet) và ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group lại giảm sút nhẹ. VJC của Vietjet vẫn chưa vượt được mốc 100.000 đồng/cp và gần như không đổi so với ngày đầu năm. Còn đối với Masan, tuy cổ phiếu MSN tăng hơn 9% so với ngày 1/1, nhưng MCH của Masan Consumer trong cùng hệ sinh thái hàng tiêu dùng lại giảm hơn 23%. Từ đó kéo tài sản của vị tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đi xuống.
![]() |
Nguồn: Forbes |