Văn hóa doanh nghiệp - linh hồn của sự phát triển
Đối với Tiến sĩ Lê Như Thạch - Chủ tịch Tập đoàn Bcons, yếu tố cốt lõi tạo nên một doanh nghiệp bền vững chính là văn hóa doanh nghiệp. Theo ông, văn hóa không phải khái niệm trừu tượng mà là “những hành vi, ứng xử cụ thể” của từng cán bộ, nhân viên. Chất lượng văn hóa ấy, ông nhấn mạnh, phụ thuộc trực tiếp vào người lãnh đạo – người tạo ra chuẩn mực hành vi và lan tỏa những giá trị tích cực.
Ông cảnh báo về ảnh hưởng tiêu cực của những lãnh đạo có thói quen thiếu chuẩn mực, bởi “thói quen xấu sẽ lan rất nhanh, tạo nên môi trường làm việc kém hiệu quả”. Văn hóa là kim chỉ nam định hình hành vi và hướng đi của tập thể, cũng là sợi dây gắn kết con người với mục tiêu chung của tổ chức.
Tiến sĩ Lê Như Thạch cũng đưa ra sự phân biệt rõ ràng giữa “con buôn” và “doanh nhân”: Một bên vì lợi nhuận bất chấp đạo đức, pháp luật; một bên làm giàu trong khuôn khổ quy chuẩn và lòng tử tế. Theo ông, ngay cả người bán khoai nếu làm ăn lương thiện cũng xứng đáng được gọi là doanh nhân.
![]() |
Chủ tịch Tập đoàn Bcons - Tiến sĩ Lê Như Thạch |
Từ tầm nhìn này, mục tiêu của doanh nghiệp không thể chỉ dừng lại ở lợi nhuận. “Nếu mình không biết mình đi đâu, sao có thể yêu cầu nhân viên đi cùng?”, Tiến sĩ Lê Như Thạch đặt vấn đề. Doanh nghiệp cần một “ý tưởng” vượt lên trên giá trị vật chất – đó có thể là mong muốn tạo ra việc làm, xây dựng cộng đồng tốt đẹp, hay lan tỏa giá trị tích cực trong xã hội. Chỉ khi có lý tưởng, con người mới sẵn sàng cống hiến và trung thành.
Chữ Tín và sự khác biệt
Trong hành trình phát triển của Bcons, “chữ Tín” được đặt ở vị trí nền tảng. Chính uy tín cá nhân đã giúp ông huy động được hàng triệu USD ngay từ khi khởi nghiệp mà không cần thế chấp. Tại Bcons, uy tín doanh nghiệp được xây dựng thông qua sự chỉn chu trong mọi giao dịch – từ mua bán đất đai cho đến quản lý công trình.
Không dừng lại ở uy tín, Bcons còn tạo ra “sự khác biệt” rõ nét trong mô hình kinh doanh với chiến lược “5 trong 1” – từ thiết kế, thi công, quản lý dự án, bán hàng cho đến vận hành hậu mãi. Mô hình này giúp kiểm soát toàn bộ quy trình, tối ưu chi phí và duy trì sức cạnh tranh mạnh mẽ giữa thời điểm thị trường bất động sản lao đao.
![]() |
Ban lãnh đạo Tập đoàn Bcons trao bằng khen cho ban chỉ huy dự án Bcons City |
Một trong những điểm khác biệt nổi bật của Bcons là cam kết không phát sinh chi phí trong thi công. Có được điều này là nhờ sự đồng bộ trong năng lực nội bộ, đội ngũ kỹ thuật tinh nhuệ và quy trình kiểm soát khép kín từ thiết kế đến hoàn thiện.
Để quản lý hiệu quả nguồn lực, Bcons áp dụng nhiều quy chuẩn tài chính chặt chẽ – chẳng hạn quy định rõ giá trị tối đa của xe ô tô theo từng cấp quản lý – qua đó tránh lãng phí và tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển. “Ngàn tỷ có thể mất trong tích tắc, nhưng nếu dùng đúng cách, nó sẽ sinh sôi theo cấp số nhân”, ông Thạch nhấn mạnh.
Năm tố chất thành công và nguyên tắc quản trị hiệu quả
Theo Tiến sĩ Thạch, một doanh nghiệp muốn thành công cần hội tụ năm yếu tố nền tảng: Tố chất bẩm sinh, niềm tin kiên định, phương pháp đúng đắn, sự bền bỉ và cuối cùng là may mắn – nhưng may mắn chỉ đến khi người ta đã hội đủ bốn yếu tố còn lại.
Đặc biệt trong quản trị nội tại, Bcons xây dựng bộ máy vận hành khoa học với các nguyên tắc kỷ luật cao độ:
Phân quyền có kiểm soát: Lãnh đạo không trực tiếp ký chi, nhưng có cơ chế kiểm tra chéo và phân định rõ vai trò để ngăn ngừa sai sót.
Đào tạo bài bản: Cán bộ được gửi đi học ở nước ngoài, nhân viên mới phải học văn hóa doanh nghiệp ngay từ đầu và trải qua đánh giá nghiêm ngặt.
Quy trình rõ ràng: Mọi hoạt động đều tuân thủ quy chuẩn. Vi phạm dù ở cấp nào cũng bị xử lý nghiêm túc để tạo nền nếp văn hóa tổ chức.
Trọng dụng người trẻ: Bcons ưu tiên nhân sự dưới 35 tuổi, tạo điều kiện để họ phát triển và tiếp thu nhanh chóng các chuẩn mực vận hành hiện đại.
Tầm nhìn đa ngành từ triết lý “giọt mực”
Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực xây dựng, Bcons đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành tập đoàn đa ngành với doanh thu 3–5 tỷ USD vào năm 2030. Hành trình này được ông ví như “giọt mực” – bắt đầu từ một điểm cốt lõi và lan tỏa dần sang các lĩnh vực có liên kết chặt chẽ như văn phòng cho thuê, khách sạn, nhà hàng và giáo dục.
Theo ông, triết lý “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” phù hợp với giai đoạn khởi nghiệp, khi doanh nghiệp cần tích lũy năng lực cốt lõi. Nhưng khi đã đủ “tư bản tài chính và tư bản kiến thức”, việc mở rộng là tất yếu để nâng tầm vị thế.
Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của quản trị rủi ro: “Rủi ro là những điều mình chưa biết. Muốn kiểm soát được rủi ro, không có cách nào khác ngoài học hỏi và đào tạo liên tục để nhận diện và cải tiến”. Đây cũng là tinh thần của triết lý B.E.S.T – viết tắt của Begin (Khởi đầu), Endeavor (Nỗ lực), Succeed (Thành công) và Transform (Tái tạo) – như một chu trình tiến hóa liên tục của doanh nghiệp để thích ứng với mọi hoàn cảnh.
Từ hành trình vươn lên đầy ấn tượng chỉ trong 6 năm, Bcons dưới sự lãnh đạo của Tiến sĩ Lê Như Thạch đã khẳng định vị thế không chỉ bằng con số, mà bằng giá trị cốt lõi: Văn hóa, chữ Tín, sự khác biệt và chiến lược quản trị khoa học.