Bài liên quan |
Tập đoàn Bcons sắp lên sàn HOSE |
Chủ tịch Tập đoàn Bcons: Kiến tạo kỳ tích “ngàn tỷ” trong 6 năm nhờ bài học quản trị từ triết lý bền vững |
Từ tinh hoa văn hóa quốc gia đến nền móng của sự phát triển
Trong dòng chảy hội nhập và toàn cầu hóa sâu rộng, văn hóa doanh nghiệp ngày nay không còn là một khái niệm mơ hồ hay công cụ quản trị giới hạn trong nội bộ tổ chức. Thay vào đó, đã trở thành nền tảng tinh thần, một nguồn lực nội sinh quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đồng thời tạo nên sức mạnh mềm cho cả quốc gia. Khi văn hóa doanh nghiệp được xây dựng trên nền móng văn hóa dân tộc, hài hòa với hệ giá trị quốc gia, nó không chỉ nâng tầm thương hiệu mà còn cộng hưởng với tầm nhìn chiến lược của Đảng về phát triển con người và đất nước.
Để thấu hiểu được chiều sâu của văn hóa doanh nghiệp, cần bắt đầu từ cái gốc – chính là văn hóa dân tộc. Từ thời Karl Marx và Friedrich Engels, văn hóa đã được xác định là toàn bộ thành quả lao động sáng tạo của con người, là nền tảng tinh thần của xã hội có khả năng thúc đẩy tiến bộ lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong tầm nhìn bao quát, định nghĩa văn hóa như là tổng hòa các phương thức sinh hoạt, biểu hiện phong phú từ đạo đức, pháp luật, ngôn ngữ đến các công cụ sinh hoạt hằng ngày – tất cả nhằm đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển của con người.
![]() |
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - danh nhân văn hóa thế giới. |
Tiếp nối mạch tư duy đó, UNESCO cũng khẳng định văn hóa là tập hợp các đặc trưng tinh thần, vật chất, trí tuệ và cảm xúc của một cộng đồng. Và tại Việt Nam, đặc biệt kể từ thời kỳ Đổi mới, Đảng ta đã có bước chuyển quan trọng từ tiếp cận văn hóa như một lĩnh vực riêng lẻ sang nhìn nhận nó như một động lực nội sinh, một mục tiêu phát triển bền vững. Văn hóa giờ đây không chỉ là nền tảng, mà còn là nhịp đập gắn bó mật thiết với phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội và cả xây dựng Đảng.
Nghị quyết 33-NQ/TW và các văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã cụ thể hóa điều này, đưa ra hệ giá trị quốc gia, văn hóa và con người Việt Nam, đồng thời khẳng định “sức mạnh mềm” của văn hóa dân tộc là một nguồn lực không thể thiếu trong hành trình hội nhập và phát triển.
Văn hóa doanh nghiệp Bcons tiếp nối tinh thần dân tộc
Trong bối cảnh đó, văn hóa doanh nghiệp không tồn tại biệt lập mà là một “tiểu vũ trụ” phản chiếu các giá trị dân tộc trong phạm vi tổ chức. Với Tập đoàn Bcons, văn hóa doanh nghiệp không chỉ là một kim chỉ nam vận hành, mà là “sợi chỉ đỏ” kết nối kinh tế với sứ mệnh xã hội – đúng như chia sẻ của Tiến sĩ Lê Như Thạch, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn.
![]() |
Tiến sĩ Lê Như Thạch, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bcons (giữa). |
Giữa thị trường cạnh tranh khốc liệt, Bcons không chọn đi theo lối mòn của phân khúc cao cấp, mà kiên định theo đuổi chiến lược phục vụ người thu nhập trung bình – những người đang chật vật với giấc mơ an cư. Đó không đơn thuần là lựa chọn kinh doanh, mà là sự thể hiện rõ nét tư tưởng “lấy con người làm trung tâm” mà Đảng và Bác Hồ luôn nhấn mạnh. Mỗi dự án nhà ở của Bcons đều được thiết kế tinh gọn, đầy đủ công năng, nhưng vẫn giữ mức giá tiếp cận được, mang lại không chỉ chỗ ở mà còn là nơi chốn sinh hoạt, gắn kết gia đình và cộng đồng.
Cam kết “không chậm tiến độ bàn giao” dù trong dịch bệnh hay khủng hoảng kinh tế không chỉ là minh chứng cho năng lực vận hành, mà còn là biểu hiện rõ rệt của hai giá trị “trách nhiệm” và “kỷ cương” – những chuẩn mực mà Đảng ta luôn khuyến khích phát huy trong xây dựng con người Việt Nam mới.
Những chi tiết tưởng chừng nhỏ bé như căn hộ 40m² vẫn có hai phòng ngủ, hai phòng vệ sinh; hay chủ trương nhân viên phải “tươi cười khi gặp cư dân” – tất cả không phải để tạo dựng hình ảnh mà là sự hiện thực hóa triết lý sống tử tế, thấu cảm và nhân văn.
Khí chất làm nên chiều sâu văn hóa doanh nghiệp
Nếu “khác biệt” là con đường chiến lược tạo dựng thương hiệu, thì “tử tế” chính là cái hồn, là phẩm chất đạo đức tạo nên sự bền vững. Tại Bcons, sự tử tế không nằm ở khẩu hiệu mà được thấm vào từng nguyên tắc, từ khâu bán hàng đến sau bán hàng. Nhân viên không được phóng đại sản phẩm, chỉ được chia sẻ đúng sự thật – đó là cách Bcons lựa chọn để xây dựng lòng tin dài hạn, thay vì chạy theo lợi ích ngắn hạn.
![]() |
Tập đoàn Bcons và hành trình kiến tạo văn hóa doanh nghiệp từ nền tảng giá trị Việt |
Tinh thần tử tế còn thể hiện ở sự đồng cảm sâu sắc với khách hàng không may mắc bệnh hiểm nghèo: Bcons sẵn sàng mua lại căn hộ và hoàn tiền. Trong môi trường kinh doanh nhiều cạnh tranh và áp lực, đây là một chính sách đầy tính nhân văn, thể hiện trọn vẹn các giá trị “nhân đạo”, “uống nước nhớ nguồn” mà dân tộc Việt Nam luôn gìn giữ.
Đối với đội ngũ nhân viên, Bcons cam kết không nợ lương, không chậm thanh toán hoa hồng – kể cả khi thị trường bất động sản rơi vào giai đoạn khó khăn. Trong cách đối xử với đối tác và người lao động, Tập đoàn kiên định giữ vững nguyên tắc “trách nhiệm – trung thực – nghĩa tình” – những chuẩn mực cốt lõi trong xây dựng con người Việt Nam hiện đại, mà Đảng đã khẳng định rõ trong nhiều nghị quyết.
Nhìn từ thực tiễn của Bcons, có thể thấy rõ rằng khi văn hóa doanh nghiệp được xây dựng trên nền tảng giá trị dân tộc, nó không chỉ là công cụ quản trị mà còn trở thành sức mạnh mềm giúp doanh nghiệp vượt qua sóng gió, lan tỏa giá trị và đóng góp thiết thực cho cộng đồng. Đó cũng chính là cách doanh nghiệp hiện thực hóa chiến lược quốc gia: phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong hội nhập và phát triển.
Văn hóa doanh nghiệp, nếu được kiến tạo đúng đắn, sẽ trở thành trục xoay kết nối các mục tiêu kinh tế với sứ mệnh xã hội. Bcons đã và đang chứng minh điều đó bằng chính hành trình của mình: bền bỉ vun đắp cho một hệ sinh thái tử tế, khác biệt, lấy con người làm trung tâm – từ khách hàng đến nhân viên và cộng đồng.
Câu chuyện văn hóa doanh nghiệp tại Bcons là minh chứng điển hình cho cách một tổ chức có thể bám rễ vững vàng vào hệ giá trị dân tộc để tạo nên sự khác biệt trên thị trường, đồng thời lan tỏa tinh thần tử tế trong xã hội. Bằng việc ý thức nuôi dưỡng các giá trị văn hóa cộng hưởng – như lòng nhân ái, sự chính trực, tinh thần trách nhiệm và niềm tin – doanh nghiệp không chỉ gặt hái thành công kinh doanh mà còn góp phần tạo dựng một xã hội thịnh vượng, bền vững và văn minh.
Văn hóa doanh nghiệp, khi được xây dựng từ chiều sâu bản sắc dân tộc, chẳng khác nào dòng sông chảy miệt mài bồi đắp phù sa. Khi được cắm rễ trên mảnh đất giàu tinh thần của văn hóa Việt Nam, nó sẽ là nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp vươn ra biển lớn, đồng thời tiếp sức cho khát vọng phát triển bền vững của đất nước trong thời đại mới.