Có vẻ như chúng ta vẫn còn ở giai đoạn đầu của kỷ nguyên 5G nhưng Nhà Trắng đã hướng tới 6G, thế hệ kết nối không dây tiếp theo.
Chính phủ Mỹ đang có kế hoạch phát triển mạng 6G với kỳ vọng điều này sẽ mang lại cho Washington lợi thế công nghệ trong tương lai.
Theo CNN, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, quan chức chính phủ và học giả mới đây đã gặp gỡ các thành viên của chính quyền Mỹ để thảo luận về các ý tưởng và chiến lược liên quan đến mạng 6G. Cuộc họp cũng dự kiến sẽ thảo luận về những bài học rút ra từ quá trình xây dựng 5G, một quá trình vẫn đang diễn ra.
Theo hãng tin Bloomberg, một khi hoàn thành, kế hoạch này sẽ mang lại lợi thế công nghệ cho Mỹ trong tương lai giữa cuộc chạy đua với Trung Quốc trong lĩnh vực viễn thông.
Hiện công nghệ 6G vẫn ở giai đoạn sơ khai. Điều đó có nghĩa là phải mất nhiều năm nữa để phổ biến mạng di động này. Kết quả thu được sẽ là tốc độ internet nhanh hơn đáng kể so với mạng 5G và giúp mở rộng khả năng truy cập internet tốc độ cao trên toàn cầu.
Vào cuối năm 2020, Trung Quốc đã phóng thành công một vệ tinh thử nghiệm mang theo các ứng cử viên cho công nghệ 6G khả thi, với hy vọng xác minh hiệu suất của dải tần số 6G trong không gian.
Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu công nghệ trong những năm gần đây, cụ thể là trong việc triển khai mạng 5G của nước này. Bắc Kinh đã sử dụng công nghệ này để thúc đẩy các mục tiêu an ninh quốc gia và tăng thị phần toàn cầu trong lĩnh vực viễn thông.
Trước mối lo ngại là Trung Quốc, dẫn đầu là các công ty mạng đã bị cấm ở Hoa Kỳ, chẳng hạn như Huawei và ZTE, sẽ giúp định hình các tiêu chuẩn cho 6G và là người đầu tiên cấp bằng sáng chế cho các công nghệ cần thiết.
Huawei, tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc, đang chuẩn bị triển khai mạng 6G riêng, với hy vọng ra mắt "mạng cực nhanh" vào năm 2030. Huawei là đích nhắm trừng phạt của Mỹ trong những năm gần đây, với lý do "đe dọa quyền riêng tư và an ninh quốc gia của Mỹ".
Bắc Kinh phản bác cáo buộc này, cho đây là động thái gạt bỏ đối thủ cạnh tranh nước ngoài tại thị trường Mỹ, đồng thời lên án Washington muốn "bá quyền công nghệ" và vi phạm các nguyên tắc của kinh tế thị trường.
Vào tháng 2, Hàn Quốc cho biết, họ có kế hoạch ra mắt dịch vụ 6G vào năm 2028, sớm hơn hai năm so với ngày bắt đầu dự kiến cho 6G vào năm 2030.
Trung Quốc và Hàn Quốc trong cuộc đua xem quốc gia nào nhận được nhiều bằng sáng chế nhất cho công nghệ 5G. Trung Quốc đang dẫn đầu với 26,8% bằng sáng chế 5G vào năm ngoái, tiếp theo là 25,9% của Hàn Quốc. Hàn Quốc đang đặt mục tiêu tạo ra 30% bằng sáng chế được trao cho các đổi mới công nghệ 6G.
Trong lúc đó, Mỹ quan tâm đến việc vạch ra một kế hoạch để có thể giúp tạo ra các công nghệ mới rất quan trọng đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia của nước này. Một quan chức an ninh của chính quyền Biden cho biết: "Điều bắt buộc là chúng ta phải bắt đầu xem xét những vấn đề này sớm".
Quan chức này tiếp tục lưu ý rằng Mỹ cần "rút ra những bài học từ 5G về tầm quan trọng của việc tham gia sớm và khả năng phục hồi" để giúp phát triển mạng 6G "tối ưu hóa hiệu suất, khả năng truy cập và bảo mật".
Phương Hà (t/h)