Bộ NN&PTNT vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030” với mục tiêu đến năm 2030, là 1 trong 10 nước chế biến nông lâm thủy sản hàng đầu thế giới.
Trong tờ trình này, Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, trong thành tựu xuất khẩu của cả nước, ngành nông nghiệp đã đóng góp phần rất lớn, là ngành duy nhất liên tục duy trì xuất siêu.
Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 16 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản, với một số mặt hàng chính có kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên 1 tỷ USD là gạo, rau quả, cà phê, điều, cao su, gỗ và sản phẩm từ gỗ, thủy sản (tôm và cá tra).
Tuy nhiên, trên thị trường thế giới, xuất khẩu nông lâm thủy sản của việt Nam vẫn chủ yếu tăng về lượng, tỷ trọng hàng hóa chế biến sâu và giá trị gia tăng chưa cao;
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản chủ yếu tập trung vào các nhóm mặt hàng chính tại một số thị trường như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản...đặc biệt là thị trường Trung Quốc; vẫn tồn tại các lô hàng xuất khẩu chưa đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của thị trường quốc tế.
Chính vì vậy, đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030 là rất cần thiết trong thực tiễn, nhằm đạt được các mục tiêu của Chính phủ giao về xuất khẩu nông lâm thủy sản trong giai đoạn tới.
Mục tiêu mà Bộ NN&PTNT đặt ra là thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản, tham gia toàn diện và bền vững vào chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản, thực phẩm toàn cầu. Nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam nhằm đáp ứng được các quy định của các thị trường nhập khẩu. Tiếp tục định vị và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Mục tiêu đến năm 2025, giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 50 - 51 tỷ USD vào năm 2025. Khoảng 20% sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu được gắn thương hiệu quốc gia, 50% sản phẩm truy xuất được nguồn gốc, khoảng 50% giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản là qua chế biến và chế biến sâu.
Mục tiêu đến năm 2030, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 60 - 62 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 25 tỷ USD, lâm sản đạt khoảng 16 - 17 tỷ USD, thủy sản đạt 15 tỷ USD, sản phẩm chăn nuôi đạt từ 3 - 4 tỷ USD, mặt hàng nông lâm thủy sản khác đạt khoảng 2 tỷ USD. Khoảng 40% sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu được gắn thương hiệu quốc gia, 70% sản phẩm truy xuất được nguồn gốc; Khoảng 60% giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản là qua chế biến và chế biến sâu.
Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông lâm thủy sản và thực phẩm với chất lượng cao trong khu vực ASEAN và trên thế giới, có vị thế vững chắc trong chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản và thực phẩm toàn cầu. Các sản phẩm nông lâm thủy sản và thực phẩm của Việt Nam đáp ứng đầy đủ các quy định của các thị trường nhập khẩu.
Để làm được việc này, Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ tổ chức, sắp xếp, đổi mới những HTX hiện có, xây dựng các HTX kiểu mới theo hướng phát triển gắn với thị trường. Thúc đẩy phát triển các mô hình chuỗi giá trị nông sản thực phẩm an toàn, trong đó liên kết HTX - DN đóng vai trò chủ đạo trong việc sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu nông lâm thủy sản.
Đồng thời tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật tạo thuận lợi, đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến xuất khẩu nông lâm thủy sản (các quy định về kiểm dịch, an toàn thực phẩm, đăng ký danh sách doanh nghiệp, danh mục sản phẩm được phép xuất khẩu, thủ tục hải quan...).
TH