Mở cửa trường học để sống chung với dịch – nên không?

10:53 19/09/2021

Một trong những chủ đề gây tranh cãi nhất ở các nước hiện nay là liệu có nên mở cửa trường học khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu, trong khi đối tượng trẻ em từ 12 tuổi trở xuống chưa có vaccine phòng ngừa để tiêm?

Covid-19 gây nguy hiểm mức độ nào cho lứa tuổi dưới 18?

Các chuyên gia từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các nhà khoa học khắp nơi trên thế giới đều có chung nhận định là chưa thể ngăn ngừa đại dịch Covid-19 trong 5-7 năm tới và có thể phải sống chung với nó suốt đời như bệnh cúm mùa hay các bệnh khác.

Đến thời điểm hiện tại chưa có vaccine dành cho độ tuổi từ 12 tuổi trở xuống. Chỉ có Pfizer là vaccine dành cho độ tuổi từ 12 trở lên, còn lại các loại khác đều dành cho độ tuổi từ 18 trở lên. Như vậy có nên mở cửa trường học để các học sinh đi học trở lại hay chờ đến khi có vaccine cho lứa tuổi này?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta đánh giá xem liệu Covid-19 có thực sự nguy hiểm với độ tuổi dưới 18? Cụ thể, chúng ta xem xét tình trạng nghiêm trọng khi độ tuổi này bị mắc Covid-19 và tỷ lệ tử vong vì Covid-19 của độ tuổi này so với tỷ lệ tử vong vì nguyên nhân khác cùng độ tuổi và tỷ lệ tử vong do Covid-19 của độ tuổi này so với các độ tuổi khác.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), đến tháng 5-2021, trong số 2,7 triệu người tử vong vì Covid-19 có 8.700 ca ở độ tuổi dưới 20 (chỉ chiếm 0,3%). Trong đó, 60% ở độ tuổi 10-19, còn 40% ở độ tuổi từ 0-9 (chiếm 0,1% trên tổng số ca tử vong).

Những nghiên cứu khác ở Anh cũng chỉ ra rằng những người dưới 18 tuổi khi bị nhiễm Covid-19 thì tỷ lệ tử vong và bị biến chứng nặng phải điều trị ở những khu chăm sóc đặc biệt (ICU) là rất thấp. Cụ thể: trong số 6.338 ca nhập viện trên toàn quốc thì chỉ có 259 ca là phải điều trị ICU, chiếm 4,1%.

So với các nguyên nhân tử vong khác thì trẻ tử vong vì Covid-19 dưới 18 tuổi trong hơn một năm rưỡi qua ở Việt Nam là rất thấp, như so với bệnh ung thư, bệnh lao phổi, tim… và đặc biệt là tai nạn và đuối nước. Mỗi năm ước tính Việt Nam có 2.000 trẻ dưới 18 tuổi bị đuối nước.

Một nghiên cứu khác cũng cho thấy, trong số 12 triệu người độ tuổi dưới 18 của nước Anh, từ tháng 3-2020 đến tháng 2-2021 có 3.105 người tử vong, trong đó ghi nhận chỉ có 25 trường hợp tử vong vì Covid-19 chiếm chỉ 0,08%, còn lại là tử vong do những bệnh và nguyên nhân khác.

Để có một cái nhìn đầy đủ nhất về tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân dưới 18 tuổi vì Covid-19, phân tích số liệu của Mỹ từ ngày 4-1-2020 đến ngày 4-9-2021 cho ta thấy: tổng số ca tử vong vì Covid-19 là 643.857, chủ yếu là người già từ 65 tuổi trở lên, chiếm đến 78%. Trong khi đó, chỉ có 148 trẻ em tuổi từ 0-4, chiếm 0,02% và 338 ca từ 5-18 tuổi, chiếm 0,05%. Như vậy tỷ lệ tử vong của người dưới 18 tuổi chiếm chỉ 0,07% trong số các ca bệnh tử vong vì Covid-19.

Kết luận, ở người dưới 18 tuổi có thể do sức đề kháng tốt nếu bị nhiễm Covid-19 đến mức phải nhập viện thì số ca chuyển biến nặng rất thấp. Nguyên nhân tử vong do nhiễm Covid-19 so với các bệnh và nguyên nhân khác cực kỳ thấp.

Các nghiên cứu cũng như số liệu thực tế chứng minh đều cho chung một kết luận là tính nghiêm trọng của các ca bệnh và tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở độ tuổi 0-10 thấp hơn so với độ tuổi 10-18 tuổi.

Các nước mở cửa trường học như thế nào?

Để bảo vệ trẻ em khỏi sự nguy hiểm do đại dịch Covid-19 gây ra, các chính phủ đã thực hiện đóng cửa trường học các cấp ở các mức độ khác nhau. Ngoài một vài nước, vùng lãnh thổ không đóng cửa trường học như Belarus, Turkmenistan, Burundi, Nauru, Tajikistan thì hầu hết các nước trên toàn thế giới đều đã thực hiện đóng cửa các trường học từng phần hoặc toàn bộ theo từng thời điểm dịch bệnh bùng phát.

Việc đóng cửa trường học một phần hay toàn phần kéo dài gây ra nhiều bất lợi. Nhiều công trình của các nhà nghiên cứu và UNICEF cũng đã chỉ ra rằng, việc đóng cửa trường học, buộc học trực tuyến ở nhà, ngoài việc học kém hơn thì còn gây nhiều vấn đề hệ lụy như: tỷ lệ bỏ học, lao động trẻ em, tảo hôn, sinh con tuổi vị thành niên, tình trạng bạo lực và lạm dụng ở trẻ em tăng cao. Đối với các gia đình nghèo, khó khăn, vùng sâu vùng xa thì việc trang bị thiết bị để cho con học trực tuyến nhiều nơi là không thể. Nền tảng công nghệ thông tin, tốc độ đường truyền ảnh hưởng đến chất lượng học trực tuyến. Về phía phụ huynh, buộc phải có người chăm sóc đối với trẻ mầm non, hay đối với học sinh cấp 1 cũng phải có người lớn ở nhà kèm cặp. Việc trẻ em không được đến trường một thời gian dài đã dẫn đến nhiều vấn đề về tâm sinh lý như stress, bạo lực, nghiện game, điện thoại, ti vi…

Hiện chỉ còn 17 nước đóng cửa toàn phần hoặc gần như toàn phần là Myanmar, Việt Nam, Cumpuchia, Malaysia, Uganda, Venezuela… Những nước như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc tùy theo từng địa phương bị dịch mà mở cửa toàn bộ hay một phần. Hàn Quốc đã cho mở cửa hầu hết các cấp học; đối những vùng tỷ lệ nhiễm bệnh cao như Seoul hiện nay thì từ lớp 2 trở xuống đến trường học trực tiếp, còn lớp 3 trở lên học trực tuyến.

Việt Nam có nên mở cửa trường học vào thời điểm này?

Cái giá phải trả cho việc đóng cửa trường học kéo dài là rất lớn, có thể nói là vượt xa nhiều so với lợi ích nó mang lại là ngăn ngừa lây nhiễm và tỷ lệ tử vong. UNICEF cũng đã thúc giục các chính phủ cần sớm mở cửa lại trường học để hạn chế những tác động tiêu cực cho xã hội về lâu dài và cho bản thân các em.

Hiện tại, Việt Nam chưa có số liệu chính thức thống kê số trẻ em dưới 18 tuổi bị nhiễm Covid-19 là bao nhiêu trong số 590.000 ca nhiễm (đến 12-9-2021) và chỉ mới ghi nhận 13 trẻ em tử vong do Covid-19 ở TPHCM (trong đó có một số ca có bệnh nền như ung thư) trong số 14.745 ca tử vong trên toàn quốc, chiếm 0,007%; tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với của thế giới (0,3%) và thấp hơn 10 lần của Mỹ (0,07%). So với các nguyên nhân chết khác thì trẻ tử vong vì Covid-19 (dưới 18 tuổi) trong hơn một năm rưỡi qua ở Việt Nam là rất thấp, như so với bệnh ung thư (4.200 ca mắc mỗi năm), bệnh lao phổi, tim… và đặc biệt là tai nạn và đuối nước. Mỗi năm ước tính Việt Nam có 2.000 trẻ dưới 18 tuổi bị đuối nước.

Từ những cơ sở phân tích ở trên, song song chương trình đẩy mạnh tiêm vaccine cho người lớn thì Chính phủ cũng cần mở cửa trường học từng phần theo các tiêu chí sau:

Mở cửa toàn phần: Ở những tỉnh vùng sâu vùng xa, những địa phương mật độ dân cư phân tán khó có điều kiện lây lan. Khi số ca nhiễm nặng phải nhập viện đạt đến ngưỡng chữa trị cho phép của địa phương thì chuyển sang mở cửa từng phần như ở dưới.

Mở cửa từng phần: Đối với những thành phố lớn có mật độ tập trung dân số/công nhân cao dễ lây lan như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Biên Hòa… và đang có số ca nhiễm bệnh cao thì tiến hành mở cửa từng phần các cấp học. Cụ thể là cho phép mở cửa toàn phần từ cấp tiểu học trở xuống (như phân tích ở trên tỷ lệ tử vong hay chuyển biến nặng những ca bệnh ở độ tuổi này rất hiếm); mở cửa lớp 9, lớp 12 là những lớp cuối cấp. Những lớp còn lại học trực tuyến cho đến khi tỷ lệ tiêm vaccine 2 mũi của dân số đạt 55%.

Để đảm bảo cho việc mở cửa trường học, các công việc sau cần phải được tiến hành: phun khử khuẩn hàng tuần các lớp học; thực hiện đeo khẩu trang cho học sinh khi đến lớp.

Ưu tiên tiêm vaccine hai mũi cho toàn bộ giáo viên và cán bộ nhân viên ngành giáo dục; tùy theo điều kiện, hàng tuần hoặc hai tuần/lần thực hiện test nhanh cho các học sinh tham gia học trực tiếp ở trường; nếu phát hiện ở lớp nào có ca nhiễm thì xét nghiệm lại toàn bộ lớp học đó, thực hiện khử khuẩn tiệt trùng và chuyển lớp đó sang chế độ học trực tuyến. Trong vòng bảy ngày thì xét nghiệm lại (gia đình có thể test nhanh ở nhà), cho những học sinh không bị nhiễm đi học bình thường, còn những bạn bị nhiễm sẽ thực hiện điều trị tại nhà hay bệnh viện nếu nặng theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

Cần sớm nhất có thể để nhập vaccine cho thiếu niên 12 tuổi trở lên (cấp 2 trở lên), lớp nào tiêm vaccine trên 60% sẽ chuyển từ chế độ học trực tuyến sang học trực tiếp.

Trương Minh Thành