Mercedes-Benz kỳ vọng doanh số bán xe tại Ấn Độ tăng trưởng mạnh trong năm 2023

15:35 09/01/2023

Hãng sản xuất ô tô của Đức kỳ vọng doanh số bán xe của họ tại Ấn Độ sẽ tăng trưởng ở mức hai con số trong năm nay, bất chấp những lo ngại rằng đồng rupee yếu hơn có thể làm tăng giá ô tô.

Santosh Iyer, Giám đốc điều hành của Mercedes-Benz Ấn Độ, cho biết doanh số bán xe của nhà sản xuất ô tô hạng sang của Đức tại Ấn Độ đã tăng 41% trong năm ngoái, lên 15.822 xe, mức cao nhất từ trước đến nay và hãng có đơn đặt hàng chưa bàn giao khoảng 6.000 xe.

Ông nói, một rủi ro đối với sự tăng trưởng của thị trường ô tô hạng sang Ấn Độ là đồng tiền Ấn Độ đang suy yếu, điều này có thể buộc Mercedes-Benz phải tăng giá bán trong nước do các linh kiện nhập khẩu ngày càng đắt đỏ.

Trong khi đó đồng rupee đã giảm 10% so với đồng USD vào năm 2022, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2013, khiến nó trở thành một trong những đồng tiền châu Á có diễn biến tồi tệ nhất.

Ông Iyer cho biết: “Nhưng chúng tôi đang bắt đầu một năm mới với lượng đơn đặt hàng lớn, và điều đó mang lại cho chúng tôi niềm tin về mức tăng trưởng hai con số trong cả năm 2023”.

Mercedes-Benz có kế hoạch ra mắt 10 mẫu xe mới tại Ấn Độ vào năm 2023, hầu hết có giá hơn 10 triệu rupee (120.000 USD), phân khúc cao cấp nhất với mức tăng trưởng 69% vào năm 2022. Những mẫu xe mới ra mắt sẽ bao gồm ô tô chạy xăng, ô tô điện (EV) và ô tô lai. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Nhu cầu xe điện tăng trưởng mạnh mẽ tại thị trường Ấn Độ, với việc khách hàng phải đợi từ 4 tháng đến 6 tháng sau khi đặt xe mới có thể nhận hàng. Ông Iyer đang muốn giảm thời gian chờ đợi này xuống còn 2 - 3 tháng trước khi tung ra nhiều xe điện hơn.

Thị trường xe điện của Ấn Độ đang trên đà phát triển mạnh, khi hãng sản xuất ô tô Renault (Pháp) đang xem xét sản xuất một chiếc xe điện dành cho thị trường phổ thông của Ấn Độ, trong một nỗ lực thâm nhập thị trường này.

Ông Iyer cho biết, tình trạng thiếu chất bán dẫn toàn cầu đã được cải thiện, nhưng vẫn phải đối mặt với một số gián đoạn do thiếu phụ tùng và các lô hàng bị chậm trễ chủ yếu do các vấn đề địa chính trị, khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và các đợt đóng cửa liên quan đến đại dịch ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Ông dự đoán sẽ mất từ 12 - 18 tháng để tình hình bình thường hóa.

Ngọc Phi (tổng hợp)