Mở rộng đối tượng, nâng cao trách nhiệm đóng góp
Theo Luật mới gồm 8 chương, 55 điều và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026, chính sách BHTN được mở rộng đáng kể về đối tượng tham gia. Cụ thể, những người lao động có hợp đồng từ 1 đến dưới 3 tháng, lao động làm việc không trọn thời gian có thu nhập từ mức lương cơ sở trở lên, cũng như các trường hợp lao động có tên gọi hợp đồng khác nhưng bản chất là làm việc có trả công – đều thuộc diện tham gia BHTN.
![]() |
Người lao động tìm hiểu về quyền lợi BHTN |
Luật cũng trao quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội mở rộng thêm đối tượng tham gia BHTN theo đề xuất của Chính phủ, phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội. Điều này góp phần thực hiện mục tiêu Nghị quyết 28-NQ/TW đặt ra là đến năm 2030 có 45% lực lượng lao động tham gia BHTN.
Ngoài ra, Luật quy định cụ thể về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đóng BHTN. Trường hợp chậm đóng, trốn đóng sẽ bị xử lý theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024. Nếu người lao động bị chấm dứt hợp đồng mà chưa được đóng đủ BHTN, doanh nghiệp buộc phải bồi hoàn bằng khoản tiền tương ứng với quyền lợi BHTN đáng lẽ người lao động được hưởng.
Linh hoạt trong mức đóng và ưu đãi cho doanh nghiệp sử dụng lao động yếu thế
Một điểm mới đáng chú ý là việc quy định mức đóng BHTN tối đa là 1%, thay vì cố định như trước đây. Chính phủ được giao quyền hướng dẫn cụ thể tùy vào điều kiện thực tế như thiên tai, dịch bệnh, suy thoái kinh tế hay kết dư quỹ BHTN.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp tuyển dụng người lao động là người khuyết tật sẽ được giảm mức đóng BHTN trong thời gian tối đa 12 tháng, nhằm khuyến khích chính sách việc làm công bằng, bao trùm.
Quyền lợi người lao động được mở rộng rõ rệt
Về chế độ, Luật vẫn giữ 4 nhóm chính sách bảo hiểm thất nghiệp như hiện hành. Tuy nhiên, điểm nổi bật là mở rộng chế độ “Hỗ trợ học nghề” thành “Hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề”. Người lao động không chỉ được hỗ trợ học phí, mà còn được hỗ trợ tiền ăn trong thời gian học nghề – một cải tiến đáng kể giúp giảm gánh nặng tài chính khi người lao động mất việc.
![]() |
Hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề |
Chính phủ cũng được giao quyền quyết định thêm các hình thức hỗ trợ linh hoạt như hỗ trợ tiền mặt trong các trường hợp bất khả kháng như dịch bệnh, thiên tai, khủng hoảng kinh tế…
Đối với chế độ trợ cấp thất nghiệp, thời gian chờ giảm từ 15 ngày xuống còn 10 ngày làm việc, giúp người lao động nhận hỗ trợ nhanh hơn. Đồng thời, nếu người lao động nghỉ việc nhưng đủ điều kiện hưởng lương hưu thì sẽ không được nhận trợ cấp thất nghiệp, tránh chồng chéo chính sách.
Nới lỏng điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cơ hội việc làm
Về phía doanh nghiệp, Luật Việc làm (sửa đổi) cũng có những cải tiến nhằm hỗ trợ chủ sử dụng lao động duy trì việc làm cho nhân viên. Theo đó, các điều kiện khắt khe như phải gặp khó khăn kinh tế, buộc thay đổi cơ cấu hoặc không đủ kinh phí đào tạo – đều được loại bỏ.
![]() |
Việc đơn giản hóa điều kiện sẽ giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn với chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng cho người lao động, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Tăng cường giám sát và minh bạch quản lý Quỹ BHTN
Ngoài các nội dung liên quan đến đối tượng và chế độ, Luật mới cũng bổ sung quy định về quản lý, giám sát chi phí tổ chức, hoạt động bảo hiểm thất nghiệp, đầu tư Quỹ BHTN và xử lý khiếu nại, tố cáo. Đây là các nền tảng quan trọng để đảm bảo chính sách được thực thi minh bạch, đúng mục tiêu và đúng đối tượng.
![]() |
Thông qua Luật Việc làm (sửa đổi) |
Luật Việc làm (sửa đổi) là bước tiến mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng an sinh xã hội tại Việt Nam. Việc mở rộng diện bao phủ, nâng cao quyền lợi và tăng cường linh hoạt trong điều hành chính sách không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động mà còn giúp thị trường lao động phát triển bền vững, thích ứng tốt hơn trước những biến động trong tương lai.