Luật mới cần xác định phạm vi Nhà nước đầu tư, lĩnh vực cổ phần hóa

14:47 08/04/2021

Đề xuất những nội dung cần sửa đổi, TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh nội dung luật mới cần xác định phạm vi Nhà nước đầu tư, lĩnh vực cổ phần hóa. Thực hiện cổ phần hóa thực chất, có cổ đông chiến lược tham gia hội đồng quản trị, khắc phục cổ phần hóa hình thức với tỷ lệ thấp, ít nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp. Giải quyết vướng mắc về đất đai trong cổ phần hóa.

 

Luật mới cần xác định phạm vi Nhà nước đầu tư, lĩnh vực cổ phần hóa
Luật mới cần xác định phạm vi Nhà nước đầu tư, lĩnh vực cổ phần hóa. 

Ông Lê Đăng Doanh cho rằng, phương thức quản lý DNNN cần đổi mới theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm nguyên tắc ở đâu có vốn Nhà nước ở đó có sự quản lý, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước.

Tuy nhiên, cần phân định rõ quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp, tránh can thiệp hành chính, can thiệp về nhân sự vào doanh nghiệp, thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý DNNN theo chuẩn mực quốc tế.

Còn TS. Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) đề nghị Luật sửa đổi theo hướng thay đổi đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư vốn Nhà nước phải thực hiện theo các nguyên tắc thị trường, theo đó, phải đánh giá dựa trên giá trị gia tăng của vốn đầu tư và cổ tức, lợi nhuận được chia hằng năm – hiệu quả đầu tư vốn của cổ đông Nhà nước. Đây là điều mà các lãnh đạo DNNN mong đợi.

“Hoạt động làm ăn kinh doanh, khó có thể đòi hỏi DNNN “trăm trận trăm thắng”, phải giám sát yêu cầu hiệu quả nhưng đó là hiệu quả hoạt động chung của doanh nghiệp chứ Nhà nước không làm thay việc “soi” từng dự án để thấy có dự án nào đó không hiệu quả mà kết luận DN không hiệu quả”, chuyên gia Nguyễn Thường Lạng góp ý.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh: Không thể có một doanh nghiệp mà trong đó chục loại tài sản với các chế độ quản lý, sử dụng khác nhau: Đất đai sử dụng như thế này, tài sản công sử dụng thế kia, nhà đất thì sử dụng thế này. “Như thế doanh nghiệp không thể hoạt động đầu tư hiệu quả”, ông Cung nói.

Chuyên gia này cho rằng, khi thiết kế sửa đổi quy định, phải rõ trách nhiệm, quyền lợi, quyền lực liên quan đến quản trị của doanh nghiệp.

“Việc đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng phải thực hiện theo nguyên tắc thị trường, đánh giá dựa trên giá trị gia tăng của vốn đầu tư và cổ tức, lợi nhuận được chia hằng năm. Đó mới là cách đánh giá hiệu quả đầu tư vốn của Nhà nước với vai trò là một cổ đông lớn của doanh nghiệp”, chuyên gia Nguyễn Đình Cung góp ý.

Các chuyên gia nhấn mạnh yêu cầu Luật cần phải làm rõ vai trò của các cơ quan đại diện chủ sở hữu. Bởi sau khi đầu tư, các cơ quan đại diện chủ sở hữu là chủ sở hữu phần vốn góp, cổ phần tại doanh nghiệp và có quyền, nghĩa vụ tương tự các nhà đầu tư, các cổ đông của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các cơ quan này không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Mọi hoạt động của doanh nghiệp do ban điều hành thực hiện, tách chức năng quản lý của chủ sở hữu Nhà nước đồng thời cần cụ thể hóa về trách nhiệm giải trình của người đứng đầu; áp dụng quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế.

PV