![]() |
Legamex – biểu tượng ngành dệt may một thời |
Sau gần bốn thập kỷ hình thành và phát triển, Công ty Cổ phần Giày da và May mặc Xuất khẩu (Legamex) – một trong những thương hiệu gắn liền với thời kỳ xuất khẩu sang Liên Xô – đã chính thức thông báo tạm ngừng hoạt động gia công nhằm giảm lỗ và tái cơ cấu nguồn lực.
Ra đời vào tháng 8/1986 dưới tên gọi Xí nghiệp Giày da và May mặc xuất khẩu trực thuộc UBND quận 10, Legamex từng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc sản xuất, gia công giày da và hàng may mặc phục vụ thị trường Liên Xô và các nước Đông Âu. Đến năm 1988, khi quy mô mở rộng, đơn vị được đổi tên thành Legamex và từng bước trở thành một biểu tượng của mô hình doanh nghiệp nhà nước thời kỳ đầu đổi mới.
Năm 2005, Legamex tiến hành cổ phần hóa, đến năm 2019 cổ phiếu chính thức được giao dịch trên sàn UpCOM. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn giữ mô hình hoạt động gia công là chủ yếu, đặc biệt tập trung vào các đơn hàng nhỏ từ đối tác trong nước. Điều này khiến Legamex không đủ năng lực để mở rộng sản xuất theo hướng tự chủ và quy mô lớn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường dệt may toàn cầu thay đổi nhanh chóng.
Giai đoạn 2020-2022, khi đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến chuỗi cung ứng toàn cầu, Legamex bắt đầu bộc lộ những điểm yếu nội tại: phụ thuộc vào gia công giá rẻ, thiếu năng lực tự sản xuất, máy móc lạc hậu và khó khăn trong quản lý lao động.
Từ cuối năm 2022, đơn hàng gia công chủ lực là tủ vải bị gãy, doanh nghiệp phải chuyển hướng sang nhận đơn hàng may mặc thời trang với kỳ vọng mở ra hướng đi mới. Tuy nhiên, thị trường dệt may thế giới năm 2023 vẫn chưa phục hồi như kỳ vọng, lượng đơn hàng ít, giá thấp, thời gian sản xuất ngắn khiến hiệu quả kinh doanh không cải thiện.
Đến năm 2024, tình trạng tài chính của Legamex trở nên nghiêm trọng: doanh thu chủ yếu chỉ đủ trả lương và phúc lợi cơ bản cho người lao động. Số lượng nhân sự giảm dần do thu nhập thấp, trong khi máy móc sản xuất hầu hết đã trên 10 năm tuổi, không đáp ứng yêu cầu tự động hóa, năng suất thấp, kém cạnh tranh. Chi phí thuê đất nhà nước tăng cao cũng góp phần tạo áp lực tài chính lớn.
Kết quả, công ty ghi nhận khoản lỗ riêng năm 2024 hơn 33 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu gần 79 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả vượt mức 150 tỷ đồng, bao gồm nợ thuế, tiền thuê đất và các khoản vay từ cá nhân, tổ chức.
Không chỉ sản xuất gặp khó, Legamex cũng vướng mắc trong đầu tư. Dự án bất động sản Lega Fashion House – từng được kỳ vọng là "cứu cánh tài chính" – bị đình trệ nhiều năm do vướng mắc pháp lý. Công ty cũng chưa thể hoàn trả khoản góp vốn gần 39 tỷ đồng của Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (OGC), và hiện vẫn đang tìm kiếm đối tác mới để tiếp tục dự án.
Cùng lúc, cơ cấu cổ đông của công ty liên tục thay đổi. Công ty CP Dệt may Gia Định đã thoái toàn bộ 25,5% cổ phần; Công ty TNHH Dệt may và Thương mại Hà Nam tiếp quản 72,67% cổ phần; một số cổ đông cá nhân lớn cũng rút vốn hoàn toàn. Chủ tịch HĐQT hiện tại – ông Nguyễn Hoàng Vũ – sở hữu gần 4% vốn điều lệ.
Tính đến cuối năm 2024, Legamex chỉ còn 202 lao động – con số cho thấy rõ mức độ co hẹp hoạt động.
![]() |
Người lao động tại Legamex. Ảnh Legamex |
Dù tạm ngừng gia công, ban lãnh đạo Legamex cho biết quyết định này nhằm cắt lỗ và chờ cơ hội phục hồi khi thị trường ổn định và công ty củng cố đủ nguồn lực. Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra là: Liệu một thương hiệu có bề dày lịch sử như Legamex có đủ khả năng thích nghi và hồi sinh trong bối cảnh ngành dệt may đang bước vào giai đoạn cạnh tranh toàn cầu khốc liệt?
Legamex không chỉ là một doanh nghiệp, mà còn được ví như là một lát cắt lịch sử của ngành dệt may Việt Nam. Việc công ty tạm dừng sản xuất là bài học kinh nghiệm, nếu doanh nghiệp lệ thuộc vào mô hình gia công truyền thống mà chưa kịp thích nghi với những biến chuyển mới của thị trường.