Báo cáo của UNEP được công bố hồi tuần trước, có nhan đề “Cát và tính bền vững: Tìm giải pháp mới để quản lý môi trường đối với các nguồn tài nguyên cát toàn cầu”, cho biết nhu cầu cát quá lớn đang đặt ra “một trong những thách thức lớn về tính bền vững của thế kỷ 21”.
Báo cáo chỉ rõ rằng các mô hình tiêu thụ đang thay đổi, dân số đang gia tăng và quá trình đô thị hóa nhanh chóng cũng như sự phát triển hạ tầng đã làm tăng gấp ba nhu cầu cát toàn cầu trong hai thập kỷ qua, chủ yếu ở châu Á và châu Phi.
Ngoài ra, theo báo cáo, việc ngăn đập để khai thác cát đã làm giảm lưu lượng trầm tích giữa các con sông chảy ra nhiều khu vực ven biển, dẫn đến giảm bồi lắng ở các vùng đồng bằng sông và làm xói mòn nhanh chóng ở các khu vực ven biển.
Joyce Msuya, Quyền giám đốc của UNEP, nói: “Chúng ta đang chi tiêu “ngân sách cát” của chúng ta nhanh hơn mức chúng ta có thể tạo ra cát một cách có trách nhiệm. Bằng cách cải thiện quản trị tài nguyên cát toàn cầu, chúng ta có thể quản lý tốt hơn nguồn tài nguyên quan trọng này một cách bền vững và thực sự chứng minh rằng, hạ tầng và thiên nhiên có thể tồn tại song hành với nhau”.
Khi việc khai thác cát được quy định khác nhau trên khắp thế giới, các khu vực quan trọng đối với đa dạng sinh học và hệ sinh thái dễ bị tổn thương hơn bởi những thách thức trong việc thực hiện các quy định này tại các địa phương.
Xu hướng khai thác bừa bãi và bất hợp pháp ở các hệ sinh thái biển, ven biển và nước ngọt dẫn đến các tác động khác nhau đối với môi trường trên cạn, ven sông và biển. UNEP nhấn mạnh đây là một thách thức đối với sự bền vững của nguồn tài nguyên cát.
Báo cáo cũng cảnh báo khai thác cát đang nhanh chóng trở thành một vấn đề xuyên biên giới do các lệnh cấm khai thác cát và hoạt động tìm nguồn cung ứng cát quốc tế cho các dự án bồi đắp cũng như các tác động của hoạt động khai thác cát không được kiểm soát ngoài biên giới của một số quốc gia.
Nhà địa chất Minik Rosing ở Đại học Copenhagen (Đan Mạch) nói: “Vì cát là một tài nguyên thiên nhiên xuyên quốc gia (do nhiều quốc gia có chung dòng sông) nên việc khai thác thường xuyên cũng dẫn đến các hậu quả vượt ra khỏi biên giới quốc gia”.
Khai thác cát ở sông Dibamba, Cameroon. Ảnh: Ảnh: unenvironment.org |
UNEP cho rằng khai thác cát không bền vững không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn có thể dẫn đến những những lụy sâu rộng về xã hội. Loại bỏ cát từ các bờ biển có thể đe dọa sự phát triển của ngành du lịch địa phương, trong khi đó, loại bỏ cát từ sông ngòi và rừng ngập mặn sẽ dẫn đến số lượng cua suy giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế của người dân địa phương.
Nhà khoa học môi trường Pascal Peduzzi, tác giả của báo cáo, cho biết ông thức tỉnh trước vấn nạn khai thác bừa bãi và quá mức khi ông đến điều tra hiện tượng xói lở ở Jamaica.
Ông nói: “Khi chúng tôi đến một ngôi làng chài, người dân làng kể cho tôi biết có đêm, nhiều người đi trên xe tải và cầm theo súng đến khai thác cát ở bãi biển của họ. Tôi quá sốc vì người ta sẵn sàng giết chóc để cướp cát”.
Theo báo cáo của UNEP, nhu cầu tăng, kéo theo giá cát tăng đã dẫn đến sự xuất hiện các băng nhóm “mafia cát”, chuyên khai thác cát lậu ở Ấn Độ và Morocco.
Báo cáo kêu gọi giảm sử dụng khai thác cát tự nhiên, chẳng hạn bằng cách loại bỏ các dự án xây dựng không cần thiết cũng như hoạt động xây dựng nhà cửa phục vụ mục đích đầu cơ.
Khi xây dựng các công trình mới, tái chế các vật liệu xây dựng bỏ đi cũng là một lựa chọn tốt, đặc biệt đối với các nước phát triển vốn đã có nhiều cơ sở hạ tầng. Chẳng hạn Đức, đang tái chế đến 87% vật liệu xây dựng bị bỏ đi.
Báo cáo cho rằng để đáp ứng nhu cầu cát trong một thế giới tiến đến mốc 10 tỉ người mà không gây hại cho môi trường, các cơ quan quản lý địa phương cần phải ban hành các chính sách quy hoạch, kiểm soát và quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên cát. Hiện nay, các quy định quản lý việc khai thác và sử dụng tài nguyên cát khác nhau tùy mỗi địa phương, mỗi quốc gia vì vậy UNEP cho rằng cần khởi động một cuộc thảo luận về khai thác cát trên toàn cầu.
Là thành phần quan trọng để sản xuất thủy tinh hoặc kết hợp với xi măng và nhựa đường trong hoạt động xây dựng, cát xuất hiện trong mọi khía cạnh của đời sống hàng ngày.
Theo báo cáo của UNEP, xét về đơn vị thể tích, tài nguyên cát sạn là tài nguyên lớn thứ hai được khai thác và buôn bán trên toàn cầu, chỉ đứng sau nước.
Thế giới đang tiêu thụ 50 tỉ tấn cát sạn mỗi năm và nếu con số này chia đều cho người dân trên toàn cầu thì mỗi người đang sử dụng 18 kg cát sạn/ngày. UNEP dự báo sản lượng khai thác cát sạn trên toàn cầu sẽ tăng lên 82 tỉ tấn vào năm 2060.
Thương mại quốc tế về cát sạn, vốn đang tăng lên do nhu cầu cao ở các khu vực không có tài nguyên cát sạn, cũng được dự báo sẽ tăng 5,5% mỗi năm khi mà xu hướng phát triển hạ tầng và đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng ở các khu vực đang phát triển trên toàn cầu.
Chánh Tài/ Theo unenvironment.org, sciencemag