Bài thơ được tôi viết tại sườn cao điểm 33 vào tuần cuối tháng 9/1969. Ngày ấy, sau khi chịu tang Bác Hồ tại Sen Thủy, đơn vị được lệnh thọc sâu vào tuyến Tây Bắc Cồn Tiên. Đêm dừng trên sườn dãy cao điểm 333, cái cảm giác tiếc nuối chưa một lần gặp Bác Hồ trong đời thật nhưng như vẫn nguyên vẹn những hình bóng Bác Hồ luôn dõi theo từng bước gian nan của người lính. Trong đó, đặc biệt là câu chuyện của một đồng đội cùng đơn vị, đã may mắn được tham gia đoàn dũng sỹ quân giải phóng Miền Nam thăm, mừng thọ Bác Hồ vào ngày 19/5/1969.
Người đồng đội đó là dũng sỹ Lê Nhật Tụng, một người lính của Đại đội 4, Tiểu đoàn 2 Nghệ An đỏ, thuộc Trung đoàn 27 Xô viết Nghệ Tĩnh (nay là Trung đoàn 27 - Triệu Hải, sư đoàn 390 Quân đoàn 1). Trong cùng một trận đánh tại đường số 9, Quảng Trị, anh đã dùng khẩu súng B41, lần lượt bắn tiêu diệt 6 xe tăng địch, trở thành dũng sĩ diệt tăng nổi tiếng mặt trận B5.
Với chiến công đặc biệt xuất sắc đó, tháng 5-1969, trung đội phó Lê Nhật Tụng được vinh dự đại diện cho các chiến sĩ Quân giải phóng đường 9, Quảng Trị, tham gia đoàn đại biểu dũng sĩ Quân giải phóng miền Nam ra Hà Nội dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quân. Cũng trong dịp này, Lê Nhật Tụng đã có được niềm hạnh phúc tột cùng khi được tham gia đoàn đại biểu dũng sĩ Quân giải phóng miền Nam thăm, chúc thọ Bác Hồ. Để rồi, ngày trở lại đơn vị, trong hành trang của mình, ngoài chiếc Huy hiệu Bác Hồ do chính người tự tay gắn trên ngực áo của Lê Nhật Tụng, cùng tấm ảnh Lê Nhật Tụng đang cùng các dũng sĩ miền Nam quây quần bên Bác, còn có nguyên những câu chuyện cảm động về Bác Hồ. Những câu chuyện đó được Lê Nhật Tụng kể lại cho chúng tôi đã trở thành niềm tự hào và là bài học sâu sắc, là động lực giúp những người lính Trung đoàn 27 vượt qua những cam go, thử thách, sẵn sàng hy sinh xương máu vì độc lập tự do của Tổ quốc. Và một trong những câu chuyện cảm động được kể đi kể lại nhiều lần như sau:
Khi đó, tuy tuổi Bác đã cao, sức khỏe Bác không được tốt như trước, nhưng Bác Hồ vẫn dành thời gian khá dài để tiếp và thăm hỏi các cháu nam, nữ dũng sĩ miền Nam. Trên bàn tiếp khách được bày sẵn những đĩa kẹo, bánh, trái cây. Mặc dù Bác liên tục nhắc mọi người ăn kẹo, uống nước, nhưng trong không khí ấm áp tình cha con, cả đoàn như quên hẳn những thức quà ngon trên bàn. Cứ vậy, sau những lời thăm hỏi, động viên và tự tay mình gắn Huy hiệu của Bác cho từng người, sau khi nghe đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác, nhắc đã đến giờ Bác Hồ phải về phòng cho các bác sỹ chăm sóc… Bác đứng dậy, giơ tay chào mọi người rồi bước đi. Nhưng vừa chạm đến cửa phòng, Bác bỗng dừng bước, ngoảnh về phía dãy bàn còn nguyên các đĩa kẹo bánh và bình nước trà rồi chậm rãi nhắc:
- Kẹo bánh của nhân dân gửi Bác tặng các cháu, các cháu ăn không hết thì chia nhau mang về cho các bạn ở nhà.
Đoạn bất ngờ chỉ tay phía bàn nước, Bác nhấn mạnh từng lời: "Còn nước thì nhất định không được chia!"
Lời dặn ân cần khiến ai cũng xúc động và càng không thể ngờ, đó là lần cuối cùng những người lính giải phóng, những người con dân đất Việt có mặt hôm đó trong lễ mừng thọ lần cuối cùng của Người được nghe trực tiếp lời Người dặn dò: “Nước thì nhất định không được chia!”. Vâng, đó chính là lời dặn, và cũng khát vọng thống nhất đất nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đau đáu suốt cả cuộc đời, thực sự là bài học về ý chí chiến đấu, hy sinh vì “độc lập tự do”, trở thành hành trang cho mỗi người lính chúng tôi đi tiếp suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống chiến chống Mỹ cứu nước, tiếp tục thực hiện ý chí, lời thề và là khát vọng thiêng liêng của mỗi con dân đất Việt: Vì độc lập tự do, vì sự nghiệp thống nhất đất nước!
Đêm đó, khi ngước nhìn về phía thác đầu nguồn suối Cù Đinh, từ những kỷ niệm đồng đội kể lại, cùng khát vọng được một lần gặp Bác không thành, tôi đã “viết” rất nhanh trong đầu bài thơ ngắn:
Đung đưa võng mắc lưng sườn dốc
Đêm về gió núi lạnh tái tê
Nằm nghe suối đổ như triều dậy
Vẫn ấm lòng con, bóng Bác về.
Bài thơ sau này đọc lại cho anh Nguyễn Tử Mạch (lúc đó đang là phóng viên báo Tiền Tuyến của mặt trận B5 ) chép mang về in vào số đặc san Văn Nghệ đường 9. Song với tôi, đó không chỉ là tác phẩm, mà hơn thế, còn là tình cảm, là lời thề thiêng liêng của một người lính với Bác Hồ - cùng khát vọng đến tận cùng của mục tiêu kháng chiến chống Mỹ, cũng là khát vọng thống nhất đất nước của Người!
Và cũng từ đó, trong túi áo của tôi luôn luôn hiện hữu tấm ảnh Bác Hồ được tách từ trang đầu cuốn sổ tay dành cho các chiến sỹ thi đua, chiến sỹ quyết thắng mà tôi được tặng sau lần dự Đại hội Chiến sỹ thi đua mặt trận B5. Sau này là nguyên cớ cho một kỷ niệm viết bằng máu trong một trận đánh sinh tử của tôi cùng tổ chốt tại cao điểm thám báo – đối mặt với cao điểm 544 – con mắt thần trong tuyến hàng rào điện tử Mắc Na Ma Ra tại Tây bắc Cam Lộ, Quảng Trị, được ghi lại trong các trang 124, 125, 126 cuốn Lịch sử trung đoàn 27 Triệu Hải (Nhà xuất bản Quân Đội tháng 6/1987) với nguyên sự kiện hôm đó – ngày 22/6/1971:
“Trong những trận đánh tiếp theo, nhiều chiến sĩ trên trận chốt hôm đó đã không còn nữa. Họ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng tấm ảnh Bác Hồ của Trung đội trưởng Lê Bá Dương để lại vẫn được các chiến sĩ chuyền tay nhau giữ cho đến ngày thống nhất nước nhà. Và chiến công dâng Người, ngày mỗi nhiều thêm. Tấm ảnh đó đã trở thành hiện vật truyền thống quý báu của trung đoàn…” , kể về sự tích tấm ảnh Bác Hồ mà tôi, trong tình huống ngặt nghèo, khi đối mặt với hàng trăm tên lính ngụy, trong tình thế đạn hết, hai người còn lại của tổ chốt đều bị thương, đã dùng chính máu từ vết thương của mình, viết vội lên tấm ảnh lời hứa, cũng là lời thề quyết tử của mình. Sau đó cùng người đồng đội còn lại hôn lên tấm ảnh, trước khi phát tín hiệu gọi pháo bắn thẳng vào trận địa, chấp nhận hy sinh để ngăn không cho địch chiếm chốt, chờ đến giờ G, đơn vị tiếp cận làm bàn đạp tấn công dứt điểm cao điểm đặc biệt quan trọng này.
Vâng, lúc đó, và cả bây giờ viết lại kỷ niệm ngày Quốc khánh cũng là nén hương tưởng nhớ Người. Với tôi, và những đồng đội tôi đã ngã xuống lúc đó không hề coi đó là hành động anh hùng hoặc để sau này nếu sống đươc làm anh hùng mà đơn giản như một lẽ tự nhiên đó là cách thể hiện tình cảm thiêng liêng của những người lính với Tổ Quốc, nguyên vẹn lời Bác Hồ, với khát vọng thống nhất đất nước và là lời thề thiêng liêng của mọi con dân Việt Nam: “Nước không được chia!”.
Lê Bá Dương