Lào Cai thu hút đầu tư: Kỳ vọng sự đột phá cho kinh tế vùng biên

16:22 07/12/2023

Nắm chắc những lợi thế để phát triển kinh tế cửa khẩu, kinh tế vùng biên, tỉnh Lào Cai đã và đang đẩy mạnh quy hoạch, phát triển hạ tầng, khơi thông điểm nghẽn về logictics, thu hút nhà đầu tư... với kỳ vọng tạo ra sự đột phá về kinh tế cửa khẩu...

Nắm chắc lợi thế, thúc đẩy kinh tế

Tỉnh Lào Cai có vị trí trung tâm của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc, nằm trên hai hành lang kinh tế lớn là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Lào Cai - Hà Nội - Lạng Sơn. Lào Cai cũng là tỉnh biên giới có vị trí quan trọng về địa kinh tế, quân sự, đối ngoại; là "cửa ngõ xung yếu" và "phên dậu của Tổ quốc". Lào Cai có cửa khẩu quốc tế lớn, hội tụ đầy đủ các loại hình giao thông kết nối nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế như đường cao tốc, đường sắt, đường thủy, Cảng Hàng không Sa Pa đang được xây dựng.

Ảnh minh họa

Tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá qua các cửa khẩu Lào Cai năm 2022 đạt 2.228,6 triệu USD. Ảnh Cổng Thông tin đối ngoại tỉnh Lào Cai.

Nắm vững những lợi thế lớn về du lịch, công nghiệp khai khoáng và kinh tế cửa khẩu, chính quyền tỉnh Lào Cai đã nỗ lực trong cải cách thể chế, tăng cường năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và đạt được một số thành tựu nhất định. Đến nay, tỉnh Lào Cai có 28 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 685,84 triệu USD; từ đầu nhiệm kỳ, chấp thuận chủ trương đầu tư cho gần 50 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký hơn 12.000 tỷ đồng. Đây là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chỉ tính riêng kinh tế vùng biên, Lào Cai có 240 dự án với tổng vốn đăng ký trên 37.000 tỷ đồng đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu. Tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá qua các cửa khẩu trong năm 2022 đạt 2.228,6 triệu USD, đứng thứ 3 về kim ngạch xuất nhập khẩu so với các cửa khẩu biên giới phía Bắc, chỉ xếp sau cửa khẩu Móng Cái - Quảng Ninh và cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn. Tổng thu thuế, phí qua cửa khẩu năm 2022 đạt 1.650 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2021.

Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai hiện có 61 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kho bãi với diện tích 72,7 ha, trong đó có 5 trung tâm logistics lớn. Hầu hết các trung tâm này đều hoạt động chuyên nghiệp từ việc vận chuyển, giao hàng thông quan qua cửa khẩu và thanh toán quốc tế. Tại Cửa khẩu quốc tế Kim Thành có từ 450 - 500 doanh nghiệp thường xuyên có hoạt động xuất, nhập khẩu.

Những động lực trên đã thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Lào Cai đạt 9,03%, cao hơn 3,57% so với năm 2021, xếp thứ 4/14 tỉnh trong các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đứng thứ 26/63 tỉnh, thành phố. Báo cáo 6 tháng đầu năm 2023 cũng cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Lào Cai đạt 4,65%, cao hơn mức trung bình của cả nước.

Là địa phương có phần đa là đồng bào dân tộc thiếu số sinh sống, Lào Cai đặc biệt tập trung đầu tư, khai thác, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh - khu vực được đánh giá còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của cả nước. 
Tháng 8/2023, Sở Công Thương Lào Cai đã phối hợp cùng Ban Dân tộc tỉnh và UBND huyện Bảo Yên tổ chức Hội chợ giới thiệu sản phẩm xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai tại huyện Bảo Yên, năm 2023. Hội chợ là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động xúc tiến thương mại thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai năm 2023. Đây cũng là hội chợ chuyên biệt cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lần đầu tiên được tổ chức tại Lào Cai. Các sản phẩm trưng bày tại Hội chợ là sản phẩm hàng hóa nông sản đặc hữu, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hàng thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm, ẩm thực địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Hội chợ là cơ hội để giới thiệu sản phẩm của các đơn vị, địa phương, kết nối xúc tiến thương mại các sản phẩm, cũng là cơ hội đẩy mạnh, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vùng dân tộc thiểu số và miền núi gặp gỡ, giao lưu tìm kiếm đối tác, kết nối cung cầu. Thúc đẩy tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm vùng dân tộc thiểu số trong tỉnh và nâng cao giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho đồng bào cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm.

Quyết sách mạnh hút vốn đầu tư

Lãnh đạo tỉnh Lào Cai đã xác định, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh không chỉ giúp Lào Cai tăng cơ hội thu hút đầu tư mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế trong điều kiện bình thường mới. Đây chính là động lực và là “chìa khóa” cho sự tăng trưởng.

Chính bởi vậy, thời gian qua tỉnh Lào Cai luôn quan tâm tới Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), coi đây là thước đo để nhận diện vị thế. Từ đó, không ngừng phấn đấu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư.

Định hướng này được UBND tỉnh Lào Cai cụ thể hóa bằng nhiều quyết sách, chỉ đạo quan trọng. Theo đó, ngoài các văn bản quy định của Trung ương, tỉnh Lào Cai có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù trong giai đoạn, phù hợp với điều kiện thực tế khi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, cam kết tạo điều kiện cho các nhà đầu tư được hưởng mọi ưu đãi mức tối đa theo quy định hiện hành của Nhà nước. Khuyến khích các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp điện, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, lĩnh vực du lịch; sản xuất chế biến hàng xuất khẩu, nuôi thủy sản, khai thác chế biến khoáng sản. Hằng năm, tỉnh đều rà soát sửa đổi, bổ sung những quy định có liên quan đến tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bảo đảm sự thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường khẳng định: “Lào Cai luôn luôn ủng hộ mạnh mẽ các doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh tại tỉnh, luôn đặt quyền lợi của nhà đầu tư lên hàng đầu, đặc biệt là các nhà đầu tư, doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến, quy mô sản xuất lớn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đóng góp tích cực vào ngân sách của tỉnh. Tỉnh cam kết tuân thủ các quy định hiện hành và dành mức ưu đãi cao nhất cho các cá nhân, tổ chức đến đầu tư kinh doanh tại Lào Cai. Tỉnh Lào Cai luôn trân trọng chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước và luôn xem thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh”.

Ảnh minh họa
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường.

Xác định phát triển kinh tế cửa khẩu là một trong những động lực chính, Lào Cai đã chủ động về định hướng, chính sách để khai thác tối đa lợi thế của từng cặp cửa khẩu, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. Cùng với đó, kiến nghị Trung ương có những cơ chế đặc thù để có nguồn lực đầu tư hạ tầng vào các cửa khẩu trọng điểm. Song song đẩy mạnh quy hoạch, phát triển hạ tầng, Lào Cai đang tích cực phối hợp với phía Trung Quốc để tháo những nút thắt, đảm bảo có sự tương đồng về mặt chính sách hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng thời phát huy vai trò cầu nối đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thu hút các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu tại địa phương.

Tầm nhìn chiến lược

Ngày 14/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1199, phê duyệt Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2030, Lào Cai sẽ có thêm 2 cặp cửa khẩu được nâng cấp thành cửa khẩu Quốc tế và 6 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm nhiều lựa chọn trong xuất nhập khẩu hàng hoá. Với tầm nhìn dài hạn, Lào Cai đang đẩy mạnh quy hoạch, phát triển hạ tầng, khơi thông điểm nghẽn về logictics, thu hút nhà đầu tư... với kỳ vọng tạo ra sự đột phá về kinh tế cửa khẩu trong giai đoạn tới.

Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã xác định: “Thời gian tới, Lào Cai lựa chọn hạ tầng giao thông là ưu tiên thu hút đầu tư. Chúng tôi ưu tiên các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh để thực hiện theo quy hoạch của tỉnh và các dự án quy mô lớn, có tác động lan tỏa tích cực đối với Lào Cai, vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hợp tác đầu tư có chọn lọc để góp phần tái cơ cấu nền kinh tế, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, thân thiện môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao như dịch vụ tài chính, logistics, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông - lâm - thủy sản, du lịch; khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu”.

Ảnh minh họa

Phối cảnh Cảng Hàng không Sa Pa, công suất 3 triệu khách/năm đang được xây dựng.

Để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực được xác định là “trụ cột” nền kinh tế, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai cũng đưa ra những giải pháp cụ thể. Trước hết, Lào Cai xác định rõ các ưu tiên thu hút đầu tư ở từng lĩnh vực. Trong đó, tập trung vào việc đầu tư và phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, logistics, và cảng cạn; các dự án công nghệ thông tin và chuyển đổi số, hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ vùng khó khăn về nước, cũng như hạ tầng cấp nước, thoát nước, và xử lý chất thải tại đô thị. Trong lĩnh vực công nghiệp, Lào Cai mong muốn thu hút các dự án đa ngành như khai thác, chế biến sâu khoáng sản, cơ khí chế tạo, năng lượng, chế biến nông sản, lâm sản, sản xuất thiết bị điện, điện tử, dược phẩm, vật liệu xây dựng, và dệt may, da. Ở lĩnh vực thương mại và dịch vụ, tỉnh hướng đến các dự án du lịch, resort cao cấp, và khu vui chơi giải trí liên quan đến du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái; hạ tầng kết hợp du lịch và thương mại dịch vụ, đầu tư và kinh doanh khu logistics, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị tại đô thị và cửa khẩu.

Tiếp đó, Lào Cai sẽ tập trung nghiên cứu, sửa đổi các cơ chế, chính sách đã ban hành, đề xuất ban hành mới cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho từng thời kỳ, tạo động lực mới cho sự phát triển của Tỉnh.

Giải pháp thứ ba là sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào ngành, lĩnh vực then chốt; các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính đột phá và sức lan tỏa lớn như các trục giao thông chính tại các đô thị, trục giao thông kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với các vùng kinh tế động lực và các tuyến đường kết nối đến Cảng Hàng không Sa Pa, khu kinh tế, khu du lịch và các khu vực có tiềm năng phát triển. Hoàn thành xây dựng Cảng Hàng không Sa Pa đạt tiêu chuẩn cấp 4C, định hướng là Cảng Hàng không quốc tế.

Tỉnh Lào Cai cũng tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, duy trì ở thứ hạng cao các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS. Triển khai thực hiện có hiệu quả Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND huyện, thành phố, thị xã (DDCI) trên địa bàn tỉnh.

“Để tạo sức bật trong thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, tỉnh Lào Cai đẩy mạnh việc quảng bá về tiềm năng, cơ hội đầu tư tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, vận hành có hiệu quả cao Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp, nghiên cứu đề xuất các giải pháp cụ thể hỗ trợ hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao uy tín của địa phương đối với cộng đồng doanh nghiệp, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Lào Cai”, ông Phan Trung Bá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai cho biết.

Thành Công- Ngọc Lợi