Lành mạnh hóa dòng tiền mua trái phiếu doanh nghiệp

13:06 19/12/2021

Việc siết chặt hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng bằng khung khổ pháp lý mới không chỉ phù hợp và cấp thiết với thị trường mà còn giúp làm lành mạnh dòng tiền mua trái phiếu.

“Siết” ngân hàng mua trái phiếu

Vào những ngày cuối tháng 11/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua bán trái phiếu doanh nghiệp (Thông tư 16). Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/1/2022.

Điểm đáng chú ý trong Thông tư này là quy định tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi tổ chức tín dụng đó có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với tổ chức tín dụng trước thời điểm mua trái phiếu doanh nghiệp.

Ngoài ra, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong 3 trường hợp. Thứ nhất, trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành. Thứ hai, trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác. Thứ ba, trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.

Đồng thời, tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi doanh nghiệp đáp ứng nhiều điều kiện như: Mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp hợp pháp và phù hợp với phương án phát hành trái phiếu và/hoặc phương án sử dụng vốn; doanh nghiệp phát hành cam kết mua lại trái phiếu trước hạn khi thay đổi mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu hoặc vi phạm quy định pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vi phạm phương án sử dụng vốn; doanh nghiệp phát hành không được có nợ xấu trong vòng 12 tháng gần nhất và phải có khả năng tài chính để đảm bảo thanh toán đủ gốc và lãi trái phiếu đúng hạn.

Gần 60% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành do các ngân hàng và công ty chứng khoán nắm giữ
Gần 60% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành do các ngân hàng và công ty chứng khoán nắm giữ.

Ngoài các điều kiện trên, tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp mà doanh nghiệp phát hành đã thay đổi mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật trước thời điểm tổ chức tín dụng mua trái phiểu khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng tại thời điểm gần nhất. Cùng với đó, Thông tư 16 còn quy định nhiều trách nhiệm của tổ chức tín dụng khi thực hiện mua trái phiếu doanh nghiệp. Đơn cử, trong thời gian nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp, tối thiểu định kỳ 6 tháng/lần, tổ chức tín dụng đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, đánh giá tình hình tài chính, khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu của doanh nghiệp phát hành.

Hết cửa “bắt tay” lách tín dụng

Nhận xét về Thông tư 16, các chuyên gia Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, Thông tư 16 định hướng an toàn hệ thống, tăng cường kiểm soát chặt chẽ trong giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, quản trị hoạt động và hoạt động cấp tín dụng nói chung. Quan điểm hàng đầu mà Thông tư 16 đặt ra là đảm bảo tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn và chất lượng tín dụng. Tiếp đó, các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp cũng có những quy định chặt chẽ trong tiêu chí lựa chọn và nguyên tắc giao dịch. Khi các quy định chặt chẽ trong Thông tư 16 đi vào hiệu lực từ ngày 15/1/2022, VCBS ước tính sẽ có ảnh hưởng tới khoảng 20% lượng trái phiếu phát hành mới trên thị trường.

“Thông tư sẽ định hướng tổ chức tín dụng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chất lượng, đảm bảo dòng tiền dưới hình thức mua trái phiếu hay cho vay, đồng thời quản trị rủi ro tín dụng phát sinh sau này. Đây sẽ là những yếu tố cần thiết cho hoạt động mua và nắm giữ dài hạn đối với danh mục trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng”, VCBS nêu rõ.

Hiện nay, quy mô trái phiếu doanh nghiệp mới chỉ chiếm khoảng 12% dư nợ tín dụng ngân hàng và khoảng 15% GDP Việt Nam. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI, gần 60% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành do các ngân hàng và công ty chứng khoán nắm giữ, trong đó ngân hàng chiếm 27,3% tổng lượng phát hành. Vì thế, chuyên gia kinh tế PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đưa ra cảnh báo, trái phiếu doanh nghiệp có thể là cách để các ngân hàng vừa lách luật cho vay doanh nghiệp bất động sản, các công ty chứng khoán, vừa tránh được lệnh siết cho vay vào lĩnh vực rủi ro, không phải trích lập dự phòng rủi ro, “làm sạch” bảng cân đối tài chính.

Chính vì thế, nhận xét về việc NHNN ban hàng Thông tư 16 và việc Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 57/2021/TT-BTC quy định lộ trình sắp xếp lại thị trường các loại chứng khoán, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp trước đó, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thực tế bài học khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 đã đòi hỏi Bộ Tài chính và NHNN phải có cái “phanh” hãm đúng lúc để việc cấp vốn tín dụng không gây hại đến lạm phát cũng như cân đối vĩ mô. Do đó, Chính phủ cần có sự quản lý, giám sát chặt chẽ. Thông tư 16 quy định 3 trường hợp tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp sẽ tránh sự bắt tay “móc ngoặc” giữa doanh nghiệp với tổ chức tín dụng, hoặc tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp “sân sau” vay không đúng đối tượng.

Theo nhận định của các chuyên gia, thời gian tới, nhu cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng vẫn tồn tại, khi đây là một kênh tài sản đem lại mức lợi nhuận khá hấp dẫn so với nhiều kênh khác, đặc biệt là khi so sánh với trái phiếu Chính phủ vốn đang có mặt bằng lợi suất khá thấp. Dự báo, hoạt động giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đến từ tổ chức tín dụng nhiều khả năng sẽ được đẩy mạnh trong giai đoạn chuyển tiếp, trước khi Thông tư 16 đi vào hiệu lực.

Theo TCHQ