Thứ ba 01/07/2025 07:09
Hotline: 024.355.63.010
Thời cuộc

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đối thoại với nông dân tìm hướng phát triển du lịch nông nghiệp

Sáng 27-11, Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân thành phố với chủ đề “Vai trò của nông dân trong phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn”.

Chương trình do UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức, đến dự có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải; Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan và gần 300 nông dân tham gia phiên đối thoại.

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đối thoại với nông dân tìm hướng phát triển du lịch nông nghiệp
Quang cảnh tại hội nghị.
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đối thoại với nông dân tìm hướng phát triển du lịch nông nghiệp
Hội viên, cán bộ Hội Nông dân tham gia hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hồ Hải khẳng định: “TP.HCM với tốc độ đô thị hóa cao nhưng vẫn duy trì một nền nông nghiệp có giá trị, đóng góp quan trọng vào GRDP nông, lâm và thủy sản. Năm 2023, GRDP ngành nông nghiệp ước đạt 8.190 tỷ đồng, giá trị sản xuất bình quân trên mỗi ha đất nông nghiệp đạt 579 triệu đồng, tăng 1,57% so với cùng kỳ.” Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng, những tác động từ thiên tai, hậu quả dịch COVID-19, và đô thị hóa nhanh chóng đã đặt ngành nông nghiệp Thành phố trước nhiều thách thức.

Năm 2024, Hội Nông dân Thành phố đã tổ chức nhiều buổi đối thoại giữa nông dân với chính quyền để giải quyết các vấn đề thực tế. Một trong những chiến lược trọng tâm của TP.Hồ Chí Minh trong thời gian tới là phát triển du lịch nông thôn.

"Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) sẽ được kết hợp chặt chẽ với du lịch nông nghiệp, nhằm khai thác giá trị văn hóa, tài nguyên thiên nhiên của vùng nông thôn thành phố", Phó Bí thư Nguyễn Hồ Hải chia sẻ.

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đối thoại với nông dân tìm hướng phát triển du lịch nông nghiệp
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại hội nghị.

Để hiện thực hóa chiến lược này, Phó Bí thư Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh, Thành phố sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp, hướng tới các mô hình bền vững như nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn. Đồng thời, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng trung tâm giống cây trồng, vật nuôi cho khu vực cũng sẽ được chú trọng. Ngoài ra, du lịch nông thôn không chỉ tạo thêm thu nhập cho người dân, mà còn giúp bảo tồn văn hóa, lịch sử và môi trường tự nhiên.

Trong những năm trở lại đây, du lịch nông nghiệp đã mang tới cho du khách nhiều trải nghiệm mới mẻ của hoạt động nông nghiệp thực tế như : trồng trọt, thu hoạch, và chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Điều này không chỉ giúp du khách hiểu hơn về nghề nông mà còn là cơ hội để họ tham gia và trải nghiệm trực tiếp.

Bên cạnh đó việc bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương luôn được người nông dân trân trọng và đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của miền nông thôn. Những phong tục, tập quán địa phương có thể trở thành điểm thu hút du khách, đồng thời góp phần bảo tồn văn hóa bản địa. Cùng với những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, nông dân có thể phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù như tour thăm vườn trái cây, nếm thử sản phẩm nông nghiệp, hay tổ chức chợ quê bán sản phẩm địa phương. Đây là cách tạo ra sức hút riêng cho du lịch nông nghiệp, không những vậy việc xây dựng mô hình nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường có thể là một phần của gói du lịch để thu hút những du khách quan tâm đến môi trường. Nông dân có thể giới thiệu các phương pháp canh tác sinh thái và tái chế tài nguyên tự nhiên.

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đối thoại với nông dân tìm hướng phát triển du lịch nông nghiệp
Du lịch nông nghiệp trải nghiệm cho thiếu nhi đang phát triển tốt khi có sự liên kết với các trường học.
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đối thoại với nông dân tìm hướng phát triển du lịch nông nghiệp
TP.HCM đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương.

Ngoài ra, việc tham gia vào hoạt động du lịch giúp tạo thêm việc làm cho người dân địa phương và cải thiện thu nhập cho nông dân. Điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của họ mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Như vậy, có thể thấy người nông dân không chỉ là người sản xuất mà còn là những nhân tố thúc đẩy và làm giàu thêm giá trị của sản phẩm du lịch nông nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại chương trình, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết, du lịch TP.HCM đã ghi nhận những bước phát triển mạnh mẽ. Trong 11 tháng đầu năm 2024, lượng khách quốc tế đến TP.HCM đạt hơn 5,3 triệu lượt, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.

Khách du lịch nội địa đạt trên 34 triệu lượt, góp phần nâng tổng doanh thu du lịch lên 173.553 tỷ đồng, tăng 12,8% so với năm 2023. Đây là những kết quả tích cực, tạo động lực cho việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, trong đó có du lịch nông nghiệp và nông thôn.

Tại chương trình các đại biểu đã thảo luận các vấn đề: Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường; cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; nông dân tham gia phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; hoạt động và giải pháp đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, liên kết phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Đặc biệt là vai trò của hội viên, nông dân và các tổ chức chính trị, xã hội trong phát triển du lịch; giải pháp giúp hội viên, nông dân làm du lịch thích ứng biến đổi khí hậu; những kỹ năng cần có của người nông dân khi tham gia làm du lịch; chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm với mẫu mã đẹp, chất lượng cao phục vụ cho khách du lịch…

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan nhấn mạnh rằng, nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Thành phố trong những năm gần đây có chuyển biến rất căn bản. Thành phố đang hướng đến nền nông nghiệp đô thị, nhà nước và nông dân cùng thực hiện, đến nay đã đạt được những thành tựu cơ bản.

“Nông nghiệp TP đã chuyển sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển từ lúa sang cây hoa, cá kiểng, sản phẩm OCOP".

Về vấn đề du lịch nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP đánh giá Thành phố đã có sự phát triển bước đầu, như: các sản phẩm OCOP, các khu homestay, các quán ăn đồng quê... Tuy nhiên, mức độ phát triển còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm lực của thành phố. Người nông dân hiện nay còn sản xuất riêng lẻ, chưa liên kết được để tăng sức mạnh phát triển. Vì vậy, nhà nông cần có sự hỗ trợ từ nhà nước, nhà khoa học, ngân hàng, nhà nghiên cứu, thậm chí nhà báo cùng với nhà nông cần bàn cách phát triển nông nghiệp du lịch tại TP.Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đối thoại với nông dân tìm hướng phát triển du lịch nông nghiệp
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM- Võ Văn Hoan phát biểu tại chương trình đối thoại.

Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan khẳng định, lãnh đạo TP luôn tạo điều kiện cho nông dân Thành phố phát triển các sản phẩm, trong đó luôn chú trọng tạo điều kiện cho du lịch nông nghiệp Thành phố phát triển…

Theo báo cáo của Hội Nông dân TP.Hồ Chí Minh, thời gian qua, du lịch TP nói chung, du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn đã có bước phát triển khởi sắc với nhiều khu, điểm du lịch mới được hình thành, nhiều điểm đến, điểm dừng chân với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp, tham quan vườn cây ăn trái, làng nghề, di tích lịch sử,… đang thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan trải nghiệm.

Theo số liệu thống kê, các loại hình dịch vụ homestay, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn đang có chiều hướng phát triển tốt trên địa bàn Thành phố. Cụ thể, ngày càng nhiều “nông dân” đã nắm bắt đúng xu thế và góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng năng động, tích cực và hiệu quả trong kết hợp phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn.

Với mong muốn góp phần cùng ngành du lịch TP.Hồ Chí Minh phát triển, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, phong tục, tập quán, lịch sử truyền thống kết hợp với bảo vệ môi trường sinh thái và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, Chủ tịch Hội Nông dân TP Lê Minh Dũng đề xuất, TP.Hồ Chí Minh cần xây dựng, phát triển du lịch nông nghiệp phong phú, đa dạng, hấp dẫn, có tính mới lạ, đặc thù, theo chủ đề và có chất lượng cao; sản phẩm du lịch nông nghiệp có tính trải nghiệm và tính ứng dụng cao, có thể thu hút sự tham gia của du khách, giúp cho du khách thu thập được những thông tin, những kiến thức hữu dụng, gắn với giáo dục hướng nghiệp về nông nghiệp với hàm lượng tri thức công nghệ cao; sản phẩm du lịch nông nghiệp cần có tính tổng hợp, vừa giúp du khách trải nghiệm, thư giãn trong không gian nông nghiệp, hòa mình vào sinh hoạt của đời sống nông thôn; vui chơi, giải trí bằng những trò chơi dân gian; thưởng thức đặc sản địa phương; chia sẻ cảm xúc với người nông dân; thay đổi cách nghĩ, cách làm nông nghiệp theo xu thế mới... đào tạo cho những người nông dân biết cách truyền thông.

“Cần có một môi trường du lịch thân thiện, an toàn cho du khách. Đó là sự thân thiện về cảnh quan, môi trường thiên nhiên, an toàn về vệ sinh thực phẩm; là sự thân thiện, cởi mở trong mối quan hệ giao tiếp giữa người dân địa phương với du khách; là sự thông thoáng, thuận lợi, dễ dàng của các chính sách quản lý nhà nước về du dịch; là môi trường xã hội an ninh và an toàn; đảm bảo cho yếu tố chuyên nghiệp, chất lượng và tính cạnh tranh cao của sản phẩm du lịch nông nghiệp” – Chủ tịch Hội Nông dân TP Lê Minh Dũng cho biết.

Phát triển du lịch nông thôn không chỉ giúp bảo tồn các giá trị văn hóa, sinh thái mà còn là cơ hội để nâng cao đời sống nông dân và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Thực hiện Quyết định 922/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch 3755/QĐ-UBND nhằm thúc đẩy du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, tập trung vào các giá trị đặc trưng như làng nghề, văn hóa bản địa và môi trường sinh thái.
Tin bài khác
Điện sạch cần được bảo vệ bằng chính sách minh bạch, ổn định và nhất quán

Điện sạch cần được bảo vệ bằng chính sách minh bạch, ổn định và nhất quán

Năng lượng tái tạo, với hai trụ cột là điện mặt trời và điện gió đang là xu hướng toàn cầu không thể đảo ngược. Tại Việt Nam, đây không chỉ là giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính, mà còn là động lực thúc đẩy một nền kinh tế xanh, sạch và bền vững.
Doanh nghiệp Việt cần làm gì để ứng phó hiệu quả với các rào cản phi thuế quan ?

Doanh nghiệp Việt cần làm gì để ứng phó hiệu quả với các rào cản phi thuế quan ?

Dù hầu hết hàng hóa xuất khẩu sang thị trường ASEAN đều được hưởng ưu đãi với mức thuế quan 0%, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn gặp khó khi xuất khẩu nông sản, thủy sản và hàng tiêu dùng do vướng rào cản phi thuế quan.
Chính thức luật hóa cơ chế sandbox để thử nghiệm mô hình, công nghệ và chính sách mới

Chính thức luật hóa cơ chế sandbox để thử nghiệm mô hình, công nghệ và chính sách mới

Sáng nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), đánh dấu một bước chuyển thể chế quan trọng nhằm thúc đẩy sáng tạo, ứng dụng công nghệ và tăng cường bảo hộ kết quả nghiên cứu. Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10/2025.
“Chốt” thành lập Trung tâm Tài chính Quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng

“Chốt” thành lập Trung tâm Tài chính Quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng

Với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc thành lập Trung tâm Tài chính Quốc tế tại Việt Nam, đặt tại hai thành phố trọng điểm là Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Đà Nẵng.
Gỡ "nút thắt" về rào cản phi thuế quan tạo lực đẩy cho doanh nghiệp ASEAN vươn xa

Gỡ "nút thắt" về rào cản phi thuế quan tạo lực đẩy cho doanh nghiệp ASEAN vươn xa

Gỡ rào cản phi thuế quan được đánh giá là giúp giảm chi phí giao dịch, thu hút đầu tư, tăng trưởng bền vững và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Xu hướng tiêu dùng mới thị trường Halal: Doanh nghiệp làm gì để thích nghi?

Xu hướng tiêu dùng mới thị trường Halal: Doanh nghiệp làm gì để thích nghi?

Mức chi tiêu và nhu cầu sử dụng các sản phẩm Halal có xu hướng ngày càng tăng, thúc đẩy tăng quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu dự kiến đạt 3.200 tỷ USD năm 2025, với tốc độ tăng trưởng thị trường bình quân hàng năm đạt 6,2%, nhưng tại sao doanh nghiệp Việt khó tiếp cận?
Định hướng ứng phó cho doanh nghiệp Việt trước chính sách thuế quan của Hoa Kỳ

Định hướng ứng phó cho doanh nghiệp Việt trước chính sách thuế quan của Hoa Kỳ

Trước sức ép từ chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ, các doanh nghiệp Việt đang triển khai ba nhóm giải pháp chủ đạo nhằm giảm thiểu rủi ro và duy trì khả năng cạnh tranh dài hạn: giảm phụ thuộc thương mại, nâng cao hiệu quả hoạt động và tái định vị chiến lược thị trường.
Bộ Tài chính lên tiếng sau lùm xùm loại Sơn Hải khỏi dự án cao tốc

Bộ Tài chính lên tiếng sau lùm xùm loại Sơn Hải khỏi dự án cao tốc

Bộ Tài chính chỉ ra những bất thường trong vụ Tập đoàn Sơn Hải bị loại khỏi cao tốc TP.HCM - Chơn Thành. Nghi vấn minh bạch, hiệu quả trong đấu thầu lớn.
Trái phiếu xanh: Cơ hội vàng để Việt Nam đạt mục tiêu Net Zero

Trái phiếu xanh: Cơ hội vàng để Việt Nam đạt mục tiêu Net Zero

Thị trường trái phiếu xanh Việt Nam đang mở rộng mạnh mẽ, hướng đến mục tiêu Net Zero 2050 với nhiều thương vụ phát hành thành công và cơ hội đầu tư hấp dẫn.
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Mục tiêu trong “kỷ nguyên vươn mình”

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Mục tiêu trong “kỷ nguyên vươn mình”

Sáng ngày 26/6/2025, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả: Thành quả và mục tiêu trong kỷ nguyên vươn mình”. Đây là sự kiện nhằm phổ biến thông tin về Luật Sử dụng Năng lượng tiết kiệm, hiệu quả vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIV.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cảnh báo “ve sầu thoát xác” trên sàn thương mại điện tử

Thứ trưởng Bộ Công Thương cảnh báo “ve sầu thoát xác” trên sàn thương mại điện tử

Trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển bùng nổ cả về quy mô giao dịch lẫn tốc độ lan tỏa, cơ quan quản lý nhà nước bắt đầu đối diện với một nguy cơ mới – hiện tượng “ve sầu thoát xác”: các gian thương sau khi bị phát hiện và xử lý vi phạm đã nhanh chóng quay trở lại thị trường dưới danh nghĩa mới, tiếp tục hành vi sai trái.
Quốc hội thông qua Luật sửa 8 luật thuộc lĩnh vực tài chính, đầu tư: Tăng phân cấp, phân quyền, giảm thủ tục đầu tư

Quốc hội thông qua Luật sửa 8 luật thuộc lĩnh vực tài chính, đầu tư: Tăng phân cấp, phân quyền, giảm thủ tục đầu tư

Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi 8 luật lớn, mở rộng phân quyền, đơn giản hóa thủ tục, linh hoạt cơ chế PPP. Kỳ vọng lớn cho kinh tế bứt phá.
UBND cấp tỉnh được duyệt chủ trương sân bay, Nhà nước linh hoạt cùng PPP

UBND cấp tỉnh được duyệt chủ trương sân bay, Nhà nước linh hoạt cùng PPP

Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật liên quan đến lĩnh vực tài chính – đầu tư, đáng chú ý là việc trao quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư với nhiều nhóm dự án quy mô lớn, trong đó có cả sân bay.
Quốc hội tăng phân cấp, phân quyền cho Chính phủ, địa phương

Quốc hội tăng phân cấp, phân quyền cho Chính phủ, địa phương

Quốc hội thông qua Luật Ngân sách sửa đổi, tăng phân cấp cho Chính phủ, địa phương. Đây là bước đột phá nhằm chủ động điều hành, thúc đẩy phát triển và chống lãng phí.
Bộ Y tế chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động đấu thầu thuốc cổ truyền, dược liệu

Bộ Y tế chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động đấu thầu thuốc cổ truyền, dược liệu

Trước những dấu hiệu vi phạm trong hoạt động đấu thầu và kiểm soát chất lượng thuốc cổ truyền, dược liệu, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo toàn ngành y tế tăng cường giám sát, chấn chỉnh công tác này.