Qua rà soát đánh giá, Lai Châu hiện có tổng diện tích rừng là 481.261 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 447.005 ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 51,4% và có trên 70% dân số có cuộc sống liên quan đến rừng.
Lai Châu tích cực kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư đến triển khai những dự án trồng cây dược liệu. Tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ giống các loại cây dược liệu quý, hiếm; hỗ trợ bảo tồn, hoàn thiện quy trình sản xuất nhân giống; hỗ trợ phát triển trồng dược liệu hàng hóa, chi phí tư vấn xây dựng liên kết, chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới và hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết. Nhờ đó, Lai Châu thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân mạnh dạn đầu tư, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng.
Hiện, Lai Châu bảo tồn được nhiều loại dược liệu tự nhiên quý hiếm như: Thất diệp nhất chi hoa, lan Kim Tuyến, thảo quả, tam thất hoang... Bên cạnh đó, Lai Châu đã bảo tồn, nhân giống được trên 100 ha sâm tại các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ và Tam Đường. Năm 2020, tỉnh Lai Châu đã phê duyệt Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh, trong đó có cây sâm. Sâm Lai Châu được tôn vinh, phát triển vì công dụng nổi trội so với nhiều dòng sâm khác tại Việt Nam và trên thế giới.
Bên cạnh đó, phát huy tiềm năng thế mạnh, tỉnh Lai Châu tập trung phát triển hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng dưới tán rừng. Giai đoạn từ 2011 - 2020 đã thu hút được hơn 2 triệu lượt khách du lịch đến với tỉnh, năm 2022 du lịch Lai Châu đón khoảng 762.000 lượt khách du lịch (khách nội địa 758.800 lượt; khách quốc tế 3.200 lượt); tổng doanh thu từ du lịch giai đoạn 2011 - 2020 đạt 3.188 tỷ đồng, doanh thu năm 2022 đạt trên 550 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng trung bình du lịch Lai Châu giai đoạn 2010 - 2020 đạt 14,9%/năm, trong đó tốc độ tăng trưởng trung bình khách du lịch quốc tế đạt 12,59%/năm, khách du lịch nội địa đạt 17,32%/năm.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội sâm Lai Châu, diện tích phù hợp trồng sâm ở Lai Châu có độ cao trên 1.200m. Nơi đây tập trung các bản làng người La Hủ, Mông, Hà Nhì... với sắc màu văn hóa đặc trưng. Việc phát triển sâm gắn với du lịch không chỉ quảng bá được văn hóa, sâm Lai Châu mà còn nâng cao được giá trị của sâm. “Mỗi một dân tộc có một bản sắc riêng, bản sắc đó được bà con gìn giữ và duy trì hàng năm thì rất tốt. Tốt rồi thì phải tốt nữa, qua cây sâm này, người nào có nhu cầu thích trải nghiệm thì lên vườn khám phá rồi về cùng thưởng thức văn hóa của bà con tại địa phương. Qua cây sâm mà kết hợp với du lịch thì sẽ đưa được các nét văn hóa dân tộc địa phương đi khắp cả nước”, ông Tuấn cho biết.
Trước đó, trong tháng 7/2023, Trung tâm khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu tổ chức diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp "Phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái’. Qua diễn đàn, tỉnh Lai Châu mong muốn các chuyên gia, đại biểu chia sẻ kinh nghiệm giúp tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, đặc biệt là sâm Lai Châu. Cụ thể với các vấn đề như: các định mức kinh tế - kỹ thuật trồng sâm Lai Châu phù hợp với tuổi cây giống (1 năm, 2 năm, 3 năm tuổi) và phương thức canh tác (trồng trên đất trống, nhà màng, nhà lưới; trồng dưới tán rừng; trồng tại các đám trống xen kẹp trong rừng) và quy trình kỹ thuật canh tác phù hợp với từng loại định mức; kinh nghiệm trong cấp mã số cơ sở trồng sâm Lai Châu, phát triển nguồn giống cây dược liệu nói chung và sâm Lai Châu nói riêng; kỹ thuật canh tác, nuôi trồng dược liệu không làm suy giảm diện tích rừng, chất lượng, ảnh hưởng đến tái sinh rừng, khả năng phòng hộ của rừng.
Bên cạnh đó, diễn đàn đã tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề: cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển dược liệu dưới tán rừng; tiềm năng của các loại sâm dưới tán rừng trong phát triển sinh kế cộng đồng dân cư gắn với du lịch sinh thái; thực trạng và giải pháp phát triển dược liệu khu vực Tây Bắc; thực trạng định hướng và giải pháp phát triển kinh tế dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh Lai Châu; mô hình phát triển chuỗi giá trị dược liệu... Từ đó, tiếp nhận những thông tin hữu ích, đồng thời tìm ra những nút thắt, giải pháp phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái để khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, tăng thu nhập cho người dân từ phát triển kinh tế dưới tán rừng.
P.V