![]() |
Toàn cảnh Tháp bà Ponagar nhìn từ trên cao (Ảnh: Khoa Phạm) |
Từ lợi thế địa chính trị đến định vị quốc tế
Sau sáp nhập, tỉnh Khánh Hòa mới trở thành một trong những địa phương có điều kiện tự nhiên – hạ tầng – tài nguyên du lịch hàng đầu Việt Nam. Đây không chỉ là sự cộng hưởng về diện tích địa lý hay đơn thuần về dân số, mà là một bước tiến chiến lược trong việc định hình một trung tâm dịch vụ - du lịch biển đẳng cấp quốc tế, đúng theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Cùng với vị trí trung tâm trục Bắc – Nam, hệ thống giao thông đa phương tiện, cảng biển – hàng không – đường sắt – quốc lộ đồng bộ, vùng đất này đang hội tụ đủ điều kiện để trở thành một “Singapore của du lịch biển Đông Nam Á”.
Khánh Hòa mới có diện tích tự nhiên 5.217,6 km², quy tụ đầy đủ dạng địa hình tiêu biểu: núi rừng, bán sơn địa, đồng bằng, vùng ven biển và hải đảo. Đây là một trong số ít tỉnh tại Việt Nam hội tụ được những điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cảnh quan và sinh thái đặc biệt thuận lợi để phát triển du lịch quanh năm.
![]() |
Vịnh Vĩnh Hy tại xã Vĩnh Hải còn giữ được nét hoang sơ, tự nhiên |
Với bờ biển dài tới 590 km, sở hữu hơn 200 hòn đảo lớn nhỏ, 4 vịnh biển danh tiếng (Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang, Vĩnh Hy), Khánh Hòa không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp tự nhiên mà còn có giá trị kinh tế – địa chiến lược biển đảo đặc biệt quan trọng.
Khánh Hòa đang sở hữu một “bản đồ du lịch” phong phú – đa dạng – đẳng cấp, không chỉ có biển, mà có cả núi, rừng, sa mạc, vườn quốc gia, tháp cổ, làng nghề, văn hóa Chăm đặc sắc. Trong đó có: Vịnh Nha Trang – top 24 vịnh đẹp nhất thế giới; Vịnh Cam Ranh – top 3 vịnh tự nhiên tốt nhất thế giới; Vịnh Vân Phong, Vĩnh Hy – danh lam thắng cảnh cấp quốc gia; Tháp Bà Ponagar - di tích quốc gia đặc biệt, Tháp Po Klong Garai, Tháp Po Rome – kiệt tác kiến trúc Chăm Pa; Làng gốm Bàu Trúc – làng gốm cổ nhất Đông Nam Á; Sa mạc Mũi Dinh, vườn quốc gia Núi Chúa, Phước Bình, đồi cát Nam Cương... – trải nghiệm du lịch độc đáo, không nơi nào có.
![]() |
Lặn biển ngắm san hô là một trải nghiệm yêu thích được khách du lịch ưa chuộng |
Ngoài ra, Khánh Hòa còn có diện tích san hô lớn nhất cả nước với 7.623 ha, thích hợp phát triển các loại hình: lặn biển, đi bộ dưới đáy biển, ngắm san hô – thu hút mạnh dòng khách cao cấp.
Là tỉnh có nhiều di sản, di tích, danh lam thắng cảnh nhất cả nước: Di sản thế giới được UNESCO công nhận: 4 di sản (Khu dự trữ sinh quyền thế giới Vườn quốc gia Núi chúa, nghệ thuật làm gồm Châm Bàu Trúc, nghệ thuật bài chòi, nghệ thuật đờn ca tài tử), 01 di tích quốc gia đặc biệt, 20 di sản văn hóa cấp quốc gia (Khánh Hòa 16, Ninh Thuận 5); 175 di sản văn hóa cấp tỉnh.
![]() |
Văn hóa Chăm là nét độc đáo còn gìn giữ của bà con người Chăm Ninh Thuận (Cũ) |
Ông Cung Quỳnh Anh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Khánh Hòa nhận định: Với những lợi thế trên, Khánh Hòa hội tụ đầy đủ điều kiện để xây dựng, phát triển du lịch Khánh Hòa trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế với định hướng Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị.
![]() |
Tàu biển quốc tế chọn cảng Nha Trang - Khánh Hòa là điểm đến . Ảnh Hoàng Sơn |
Tuy nhiên, để ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng biển đảo và thể thao du lịch, giải trí biển phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, Cục Quốc gia Việt Nam – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất trong Hội thảo “Hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương. Đột phá trong kỷ nguyên mới” vừa qua, Khánh Hòa nên xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù: Tour du lịch cao cấp kết hợp nghỉ dưỡng đảo (Vinpearl, The Amanoi), thể thao biển (lặn san hô, chèo thuyền, golf); tổ chức sự kiện MICE trên tàu biển; tổ chức sự kiện quốc tế: Đua thuyền buồm, lễ hội âm nhạc biển, hội nghị du lịch hàng hải. Kết hợp khai thác sản phẩm, dịch vụ bổ trợ để nâng cao tính cạnh tranh: Khai thác di sản văn hóa, làng chài truyền thống, ẩm thực địa phương vào hành trình du lịch tàu biển, tạo điểm nhấn khác biệt trong cùng một hành trình nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh với các điểm đến trong cùng khu vực. Tích hợp dịch vụ cao cấp, xây dựng khu vui chơi giải trì, casino ven căng (theo quy hoạch đặc thù), phát triển các khu trung tâm mua sắm hàng cao cấp để tăng thời gian lưu trú trên bờ và tăng khả năng chi tiêu của du khách.
Du lịch không thể tách rời văn hóa – Cốt lõi của sự khác biệt
6 tháng đầu năm 2025, Khánh Hòa đạt doanh thu du lịch hơn 34.000 tỷ đồng, tăng trưởng ấn tượng 20%. Nhưng điều đáng nói hơn là sự chuyển đổi chất trong tư duy làm du lịch: Không chạy theo số lượng, mà hướng đến giá trị, khác biệt, bền vững.
Theo định hướng của Nghị quyết 01/NQ-TU của Tỉnh ủy Khánh Hòa, Tỉnh đã quy hoạch lại toàn bộ không gian du lịch theo trục biển – rừng – văn hóa, hình thành hàng chục tuyến tour liên kết: Nha Trang- Vĩnh Hy: Du lịch biển và khám phá các di tích lịch sử Quốc gia; Bắc Vân Phong là đô thị du lịch biển đẳng cấp quốc tế; Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, Khu du lịch Ninh Chữ hướng thành khu du lịch quốc gia; Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa, Vườn Quốc gia Phước Bình; Du lịch trải nghiệm đồi cát Nam Cương, Mũi Dinh; Phát triển du lịch sinh thái thiên nhiên Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, hồ Tân Giang, hồ Sông Trâu, hồ Sông Sắt và du lịch thăm quan vườn nho Ninh Phước; du lịch điện gió Thuận Bắc
![]() |
Thủy cung - Viện Hải Dương học Nha Trang |
Sự kết hợp giữa du lịch biển – nghỉ dưỡng cao cấp với du lịch cộng đồng – văn hóa bản địa – du lịch nông nghiệp không chỉ đa dạng hóa sản phẩm, mà còn kéo dài thời gian lưu trú, nâng cao mức chi tiêu và thu hút các dòng khách quốc tế có khả năng chi trả cao.
Trong bối cảnh các tỉnh ven biển ngày càng giống nhau về dịch vụ và cảnh quan, thì văn hóa chính là yếu tố làm nên bản sắc du lịch Khánh Hòa. Sự hợp nhất mang lại cho tỉnh gần 1.330 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, từ những tháp Chăm cổ kính đến các làng nghề truyền thống, từ đồi cát Nam Cương đến lễ hội Katê đặc trưng.
Ông Nguyễn Văn Hòa – Giám đốc Sở Văn Hóa – Thể Thao và Du lịch Khánh Hòa khẳng định: “Đây là lợi thế khác biệt, bền vững không sao chép được. Thay vì thuần túy du lịch biển, Khánh Hòa đang phát triển các sản phẩm gắn với bảo tồn sinh thái – bảo tồn văn hóa, du lịch cộng đồng Chăm, du lịch trải nghiệm làng nghề, lễ hội dân gian, âm nhạc bản địa – tạo nên “điểm chạm văn hóa” giúp giữ chân du khách quốc tế.
PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật ,Thể thao và Du lịch Việt Nam nhận định: Trong bối cảnh mô hình chính quyền địa phương hai cấp đang được triển khai rộng khắp, việc phát triển văn hóa đô thị cần được nhìn nhận như một trụ cột thiết yếu trong kiến tạo đô thị bền vững, thông minh và bản sắc. Khánh Hòa, với vị thế chiến lược và tiềm năng văn hóa biển đảo phong phú, có cơ hội đặc biệt để trở thành hình mẫu cho mô hình đô thị văn hóa mới trong thời đại chuyến đổi thể chế. Quá trình tinh gọn bộ máy hành chính nếu không đi kèm cải cách thể chế văn hóa sẽ dẫn đến tình trạng đứt gây thiết chế, mất vai trò của nghệ nhân và làm mờ nhạt bản sắc cộng đồng.
Ngược lại, nếu biết tận dụng tinh gọn như một cơ hội để tái cấu trúc văn hóa từ nền tảng - đặc biệt thông qua phân quyền, số hóa, thiết chế mềm - đô thị sẽ trở thành không gian kích hoạt sáng tạo, gắn kết xã hội và quảng bá bản sắc. Đặc biệt, với đặc thù về văn hóa, Khánh Hòa cần nghiên cứu cán bộ chuyên trách riêng về văn hóa ở từng xã/phường, ít luân chuyến do đặc trưng của ngành, bà Phương nhấn mạnh.
Từ điểm đến quen thuộc đến điểm chạm đẳng cấp
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu đón 20,5 triệu lượt khách vào năm 2030, trong đó 10,5 triệu khách quốc tế, tỉnh đã đề ra hàng loạt giải pháp đột phá:Tăng tốc mở rộng hạ tầng du lịch: đầu tư sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận), quy hoạch cảng quốc tế Vân Phong, Cà Ná, hệ thống cảng du lịch biển Phát triển mạnh du lịch MICE – hội nghị, sự kiện quốc tế, tạo thêm giá trị gia tăng từ phân khúc khách cao cấp; Chuyển đổi số ngành du lịch: bản đồ số, tours ảo, đặt vé thông minh, quản lý dữ liệu du khách; Đẩy mạnh xúc tiến thị trường tiềm năng: Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, châu Âu, UAE qua đường bay charter và roadshow xúc tiến, ông Hòa cho biết thêm.
Đặc biệt, nhiều sự kiện lớn: Lễ hội Festival biển Nha Trang, Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm, Giải lướt ván diều quốc tế, Hoa hậu Đại dương 2025... cùng chuỗi lễ hội ẩm thực, văn hóa đêm, nhằm tạo “cú hích” thu hút khách những tháng cuối năm.
![]() |
Sáp nhập Khánh Hòa – Ninh Thuận không chỉ là câu chuyện mở rộng diện tích hành chính, mà là cuộc cách mạng về tư duy phát triển du lịch vùng. Không còn là “điểm đến đơn lẻ”, Khánh Hòa đang được định vị lại thành hành trình trải nghiệm, điểm hội tụ văn hóa và trung tâm du lịch biển đẳng cấp quốc tế.
Với tầm nhìn dài hạn, tư duy đổi mới và sự hợp nhất chiến lược, Khánh Hòa không chỉ là niềm tự hào của vùng duyên hải miền Trung, mà còn là bộ mặt quốc gia về phát triển du lịch biển – đảo – văn hóa, đóng vai trò chủ lực trong chiến lược kinh tế biển Việt Nam. Khánh Hòa đang từng bước vượt lên để giữ vai trò dẫn dắt – không chỉ cho vùng Nam Trung Bộ mà còn trong bản đồ du lịch quốc tế.