Bài liên quan |
Rộng đường đẩy mạnh xuất khẩu cá tra tại Singapore |
Hà Lan - thị trường lớn nhất của xuất khẩu cá tra Việt Nam tại EU |
Năm 2024, ngành cá tra Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức khi giá xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như Trung Quốc và Mỹ giảm mạnh. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), giá trung bình cá tra xuất sang Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 2 USD/kg, mức thấp nhất trong vòng ba năm trở lại đây. Tương tự, giá xuất khẩu bình quân sang Mỹ cũng chỉ đạt khoảng 3 USD/kg, duy trì xu hướng giảm sâu.
Nguyên nhân chính được cho là sự ảnh hưởng từ quy luật giảm giá chung của thị trường cá thịt trắng toàn cầu, bao gồm các loài như cá tuyết, cá Alaska pollock và cá rô phi. Đồng thời, nhu cầu nhập khẩu cá thịt trắng tại Trung Quốc, thị trường nhập khẩu lớn nhất của cá tra, cũng giảm sút. Tổng giá trị nhập khẩu cá của nước này trong năm 2024 giảm 11% so với năm trước, khiến giá cá tra không thể duy trì mức cao.
Lạc quan về triển vọng xuất khẩu cá tra Việt Nam năm 2025. |
Mặc dù chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ các loài cá thịt trắng khác, cơ hội cho ngành cá tra Việt Nam vẫn rất rõ ràng khi nguồn cung toàn cầu của các loại cá này đang giảm mạnh. Theo bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Vĩnh Hoàn, sản lượng cá thịt trắng như cá rô phi, cá tuyết và cá Alaska pollock đã giảm khoảng 20% trong ba năm qua, xuống còn khoảng 7 triệu tấn. Quota đánh bắt cá tuyết ở Bắc Đại Tây Dương dự báo sẽ tiếp tục bị cắt giảm trong năm 2025, tạo thêm dư địa cho cá tra. Bên cạnh đó, cá tuyết thường được định vị là dòng sản phẩm cao cấp với giá bán đắt đỏ, do đó cá tra có cơ hội cạnh tranh trong các phân khúc giá thấp hơn.
Ngoài yếu tố nguồn cung, các chính sách thương mại dự báo sẽ mang lại lợi thế lớn cho cá tra Việt Nam. Bà Băng Tâm nhận định rằng, với chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump, Mỹ có khả năng áp thuế mạnh lên cá rô phi Trung Quốc, qua đó tạo cơ hội gia tăng xuất khẩu cho ngành thủy sản Việt Nam. Đặc biệt, kết quả sơ bộ kỳ xem xét hành chính lần thứ 20 (POR20) về thuế chống bán phá giá cho thấy 8 doanh nghiệp cá tra Việt Nam được hưởng mức thuế bằng 0. Nếu kết quả cuối cùng vẫn giữ nguyên, dự kiến công bố vào cuối quý I/2025, đây sẽ là cú hích lớn cho xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ.
Những thuận lợi khác cho ngành cá tra còn bao gồm tình trạng giảm tồn kho tại các thị trường lớn và dự báo thiếu hụt cục bộ nguồn cung cá tra nguyên liệu, đặc biệt là cá size lớn, đến hết quý I/2025. Điều này có thể giúp ngành cá tra cải thiện giá bán. Tuy nhiên, để tận dụng các cơ hội này, ngành cá tra cần giải quyết nhiều vấn đề nội tại. Theo bà Vi Tâm, chất lượng con giống và thức ăn cho cá tra cần được quan tâm nhiều hơn, bởi sự cạnh tranh trong sản xuất thức ăn đang ngày càng khốc liệt. Đồng thời, cần kiểm soát chất lượng sản phẩm từ khâu giống đến thành phẩm. Việc tháo gỡ lệnh cấm xuất khẩu cá tra vào thị trường Saudi Arabia, vốn đã tồn tại nhiều năm, cũng là vấn đề cấp bách để nâng cao uy tín sản phẩm. Đối với thị trường Mỹ, Việt Nam cần mở cửa thêm đối với dòng sản phẩm nấu chín ăn liền, bởi hiện nay các sản phẩm này chưa được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) phê duyệt trong cơ cấu xuất khẩu.
Kế hoạch năm 2025 của ngành cá tra đặt mục tiêu sản lượng đạt khoảng 1,65 triệu tấn, giảm nhẹ 20.000 tấn so với năm 2024. Kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 2 tỷ USD, phản ánh sự thận trọng trong bối cảnh thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, với các cơ hội đang mở ra, nếu giải quyết tốt những vấn đề tồn tại, cá tra Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ và vươn xa hơn trong thời gian tới.