Kinh tế Việt Nam duy trì triển vọng tích cực

17:54 23/06/2024

Kinh tế Việt Nam tiếp tục ghi nhận các tín hiệu tích cực sau 6 tháng đầu năm. S&P Global Ratings vừa công bố xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB+ với triển vọng ổn định...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trang CNBC trích dẫn nhận định của ông Kai Wei Ang, nhà kinh tế chuyên về ASEAN, nhấn mạnh rằng Việt Nam là điểm sáng ở Đông Nam Á nhờ thị trường lao động cạnh tranh và các hiệp định thương mại tự do giúp hoạt động xuất khẩu trở nên dễ dàng hơn. Đây cũng là yếu tố cơ bản giúp Việt Nam thu hút đầu tư.

Cùng quan điểm, trang Borneo Bulletin trích báo cáo của ngân hàng Maybank đánh giá rằng Việt Nam, cùng với Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, là những ngôi sao tăng trưởng. Sự phục hồi trong tăng trưởng được thúc đẩy bởi sản xuất và xuất khẩu.

Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối phân tích của Ngân hàng Đầu tư Maybank, cho biết: "Những động lực tăng trưởng mà chúng tôi quan sát được đều có dấu hiệu tích cực và vượt qua kỳ vọng, đó là xuất khẩu. Động lực thứ hai vẫn ổn định như kỳ vọng là giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), và yếu tố thứ ba là sự phục hồi của ngành du lịch."

Trang Fibre2Fashion trích báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam trong tháng 5/2024 tăng 2,6% so với tháng 4 và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023, nhờ vào sự tăng mạnh của xuất khẩu và hiệu ứng so sánh thấp từ năm 2023.

Trang The Star cũng đồng quan điểm khi cho biết xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường trọng điểm trong 5 tháng đầu năm tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, với các ngành dệt may, nội thất và đồ gia dụng dẫn đầu sự phục hồi. Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức cần giải quyết.

GS. Pankaj Jha, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và an ninh của Đại học Toàn cầu Jindal, Ấn Độ, nhận định: "Nếu xem xét các báo cáo từ nhiều khu vực khác nhau, ngành sản xuất và chế biến là một lĩnh vực đầy hứa hẹn và giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, ngành bất động sản vẫn cần một số cải tiến để hỗ trợ nền kinh tế, và nhiều hiệp định thương mại vẫn đang chờ xử lý và cần được thực hiện càng sớm càng tốt."

Về triển vọng, trong đánh giá mới nhất của tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global, xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam được duy trì ở mức "BB+", với triển vọng ổn định.

Trong bảng xếp hạng, S&P Global Ratings nhấn mạnh rằng nền kinh tế Việt Nam có khả năng tăng tốc trong năm nay khi nhu cầu toàn cầu tăng lên, với giả định rằng các thách thức trong lĩnh vực bất động sản và ngân hàng trong nước sẽ dần được giải quyết.

"Chúng tôi khẳng định xếp hạng tín dụng dài hạn 'BB+' và xếp hạng tín dụng ngắn hạn 'B' đối với Việt Nam. Triển vọng xếp hạng dài hạn ổn định phản ánh kỳ vọng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được tăng trưởng kinh tế mạnh và các thách thức trong lĩnh vực tài chính sẽ không làm suy yếu bảng cân đối của chính phủ," S&P Global Ratings nhấn mạnh.

Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, khi các công ty tiếp tục đa dạng hóa hoạt động của họ trong khu vực. Điểm hấp dẫn của Việt Nam là lực lượng lao động trẻ với trình độ ngày càng cao, giúp duy trì sự phát triển lâu dài.

Chu kỳ tăng trưởng của ngành công nghiệp bán dẫn cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay, khi các lĩnh vực xuất khẩu tăng lên.

Trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch đang phục hồi, bao gồm sự gia tăng của khách du lịch từ Trung Quốc. Theo dữ liệu từ Tổng cục Du lịch, tổng lượt khách du lịch đến Việt Nam đã tăng 165% trong 5 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023.

Nhu cầu trong nước cũng đang phục hồi, dù chậm hơn so với tăng trưởng GDP. S&P Global Ratings kỳ vọng đầu tư công sẽ dần tăng tốc trong những năm tới, nhưng việc chậm trễ trong thực thi các dự án đầu tư đã cản trở chi tiêu công của Việt Nam trong quá khứ và giảm sự hỗ trợ cho tăng trưởng.

Trên cơ sở đó, S&P Global Ratings dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 5,8% trong năm 2024. Trong 3-4 năm tới, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở lại mức 6,5% - 7,0%. GDP bình quân đầu người của Việt Nam dự kiến sẽ đạt khoảng 4.500 USD vào cuối năm 2024. Thặng dư tài khoản vãng lai dự kiến vẫn ở mức cao, khoảng 5,5% GDP trong năm 2024, trước khi giảm theo xu hướng dài hạn từ năm 2025.

Tuy nhiên, vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn đối với sự phục hồi kinh tế của Việt Nam, bao gồm các lỗ hổng trong lĩnh vực bất động sản và các điều kiện liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.

Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu được nâng lên cấp đầu tư ở mức BBB vào năm 2030. Theo quan điểm của FiinRatings, Việt Nam có thể đạt được điều này sớm hơn nếu Chính phủ áp dụng một cách tiếp cận quyết liệt hơn. Việc nâng cấp xếp hạng quốc gia sẽ mang lại lợi ích tài chính lớn, giảm chi phí vốn cho cả quản lý nợ công và tài trợ nợ doanh nghiệp.

Quý Anh