Kinh tế tư nhân điều không thể thành có thể

11:39 01/02/2021

Năm 2020, Việt Nam đã nỗ lực vượt qua những thách thách thức y tế và kinh tế chưa từng có đối với thế giới và cả nước ta, ghi nhận nhiều thành công mới, trong đó có những dấu ấn của khu vực kinh tế tư nhân (KTTN).

Năm 2020, khu vực KTTN đã đóng góp khoảng 42% GDP, 30% thu ngân sách Nhà nước, 53% tổng vốn đầu tư của nền kinh tế Việt Nam và chiếm 83,3% vị trí việc làm xã hội, tức khoảng 45,2 triệu người. Trong thành công của xuất khẩu năm 2020 (ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ 2016), có phần đóng góp tích cực của KTTN trong nước, nhất là ở các trung tâm doanh nghiệp lớn của cả nước.

Theo thống kê, hiện tại đã có 29 doanh nghiệp Việt Nam có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD trên thị trường chứng khoán. Trong số đó có 9 doanh nghiệp tư nhân như Vingroup, Masan, Vietjet, Techcombank, Thế Giới Di Động, Novaland, Hòa Phát...  9 doanh nghiệp tư nhân này đang có giá trị vốn hóa khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, chiếm 44% tổng giá trị của 29 doanh nghiệp lớn nhất trên sàn chứng khoán. Việt Nam cũng đã có những tỷ phú USD đầu tiên như ông Phạm Nhật Vượng (Vingroup), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet), ông Trần Bá Dương (Thaco), ông Nguyễn Đăng Quang (Masan)...Trong danh sách 200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD tốt nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Forbes Asia 2019 công bố danh sách, có 7 doanh nghiệp của Việt Nam. Cũng trong danh sách tỷ phú USD thế giới được Forbes vinh danh, đã có 5 tỷ phú USD đến từ Việt Nam.

 Đến nay, trên cả nước đã có một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp của tư nhân có quy mô, tiềm lực tài chính lớn và quản trị, công nghệ hiện đại, đi tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, như sản xuất ôtô, hàng không, công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ, bất động sản, nông nghiệp...Nhiều dự án hạ tầng theo phương thức đối tác công - tư (PPP) được triển khai thực hiện, nhất là trong lĩnh vực giao thông. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã hướng tới đột phá trong sản xuất công nghiệp và công nghệ với những dự án đầy tham vọng với hy vọng vươn ra thị trường quốc tế. Một loạt dự án hạ tầng do tư nhân làm chủ cũng được khánh thành, như hầm đường bộ Đèo Cả (26.000 tỷ đồng), hầm Hải Vân 2 (7.200 tỷ đồng), trước đó là cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (45.000 tỷ đồng), cầu Bạch Đằng (7.200 tỷ đồng); cây cầu nối từ đất liền ra Vân Đồn (Quảng Ninh); sân bay Vân Đồn năm 2020 trở thành một trong 9 sân bay quốc tế hiện đại nhất Việt Nam. 

Trong
Trong "bầu trời u ám" kinh tế thế giới, Việt Nam nổi lên như 1 điểm sáng đáng ghi nhận và tự hào. Nguồn: Internet

Theo ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup (thành lập năm 1993, là tập đoàn đa ngành tư nhân có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, khoảng 17 tỷ USD) và là CEO của VinFast với vốn đầu tư 4,2 tỷ USD-biểu tượng của sự phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam và thương hiệu ô tô được yêu thích nhất ở các phân khúc, những gì các doanh nghiệp nước ngoài làm được thì người Việt chúng ta cũng sẽ làm được. Năm 2020 cũng là năm mà Tập đoàn này triển khai nhiều dự án mới, táo bạo, như: Ngày 16/12/2020, Tập đoàn VinGroup và Tập đoàn công nghệ Pháp Dassault Systèmes đã kí kết Biên bản ghi nhớ (MoU) nhằm đổi mới các quy trình kinh doanh trên nền tảng số hóa, ứng dụng nền tảng 3DEXPERIENCE trong các lĩnh vực: chuyển đổi công nghiệp (VinFast và VinSmart) và chuyển đổi xây dựng (Vinhomes). Ngày 18/12, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata (thuộc Tập đoàn Vingroup) công bố hợp tác với 10 tổ chức nghiên cứu uy tín hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Y học, Sinh học phân tử, Khoa học máy tính và Tin sinh học; đồng thời chính thức ra mắt hệ thống quản lý y sinh lớn nhất Việt Nam…nhằm thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng y học chính xác trong chẩn đoán và điều trị tim mạch, ung thư, tiểu đường. Ngày 20/12/2020, Tập đoàn Vingroup ra mắt Quỹ VinFuture- tổ chức Giải thưởng khoa học và công nghệ quốc tế đầu tiên do người Việt Nam khởi xướng, là một trong những giải thưởng thường niên có giá trị lớn nhất thế giới với tổng trị giá 104,5 tỷ đồng (tương đương 4,5 triệu USD Mỹ). Ngày 23/12/2020, sản phẩm Vsmart Aris 5G của VinSmart  được trưng bày trong gian hàng “5G Make in Viet Nam” của Bộ Thông tin và Truyền thông, tại Diễn đàn quốc gia về phát triển Doanh nghiệp công nghệ số. Tại đây,  VinSmart đã giới thiệu 2 thiết bị đầu cuối tự nghiên cứu sản xuất là điện thoại Aris 5G và trạm thu phát sóng 5G. Theo thử nghiệm của Cục Viễn thông, kết quả tốc độ 5G trên mẫu điện thoại Vsmart Aris 5G cao gấp 8 lần so với tốc độ 4G.

Trong “bầu trời u ám” kinh tế thế giới năm 2020, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng đáng ghi nhận và tự hào; chắc chắn những thành công đó không phải là ngẫu nhiên, mà là kết quả tổng hợp và thước đo hiệu quả khả năng tự chủ, tự cường, phản ứng chính sách và phản ứng thị trường đồng bộ cùng một quá trình phấn đấu lâu dài, không ngừng nghỉ của Đảng, Chính phủ và Nhà nước, cũng như toàn thể cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Việt Nam. Kết quả này là sự cộng hưởng những thành tựu và động lực tăng trưởng kinh tế từ năm 2019; sức chống chịu và thành công trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19; hiệu quả triển khai các biện pháp tài chính - tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và tiếp tục những cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh; tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy tái cơ cấu về tổ chức và công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững trong hoạt động của doanh nghiệp; đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hình thành các chuỗi cung ứng và liên kết kinh tế mới. Đồng thời, Việt Nam cũng đang và sẽ được hưởng lợi từ việc tham gia các Hiệp định thương mại song phương và đa phương; từ sự dịch chuyển và tái định vị các các chuỗi cung ứng khu vực và quốc tế sang những quốc gia có chi phí thấp và an toàn hơn.

Năm 2021 và tới đây, KTTN trong nước chính là chìa khóa cho động lực phát triển, giúp nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. Điều này phù hợp với xu thế chung của thế giới. Theo chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam, phấn đấu đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp (DN) và có ít nhất 2 triệu DN vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng của KTTN cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế; phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTN đạt khoảng 55% GDP (năm 2025); 60 - 65% GDP (năm 2030) và 65 - 70% GDP (năm 2040)

Phát triển nhanh chóng và hiệu quả khu vực KTTN là đòi hỏi cấp thiết từ cuộc sống và cũng là quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước; đồng thời, phải xuất phát từ thực tiễn đặc thù, các nguyên tắc của cơ chế  kinh tế thị trường, cũng như các cam kết và thông lệ quốc tế trong xu hướng mở cửa, tăng cường, hội nhập quốc tế. Một nền KTTT mạnh là nền kinh tế có khu vực KTTN mạnh. Công cuộc đổi mới toàn diện và những đột phá táo bạo, đúng đắn về thể chế KTTT sẽ là một bảo đảm cho triển vọng phát triển của khu vực KTTN Việt Nam.

TS. Nguyễn Minh Phong