Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), năm 2024 toàn quốc ghi nhận 135 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 4.936 người mắc và 24 trường hợp tử vong. So với năm 2023, số vụ tăng 10 vụ, số người mắc tăng 2.787 trường hợp, nhưng số ca tử vong giảm 4 trường hợp. Đáng chú ý nhất là 31 vụ ngộ độc thực phẩm lớn (trên 30 người mắc), chủ yếu xảy ra tại bếp ăn tập thể và các hàng quán đường phố.
![]() |
Bộ Y tế kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm. |
Nhằm kiểm soát tình trạng ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm vừa ban hành công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh phối hợp thực hiện.
Theo đó, các địa phương, đơn vị nêu trên chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Chú trọng vào bếp ăn tập thể tại trường học, khu công nghiệp, khu chế xuất và thức ăn đường phố.
Chú ý phòng ngừa ngộ độc do các loại động, thực vật có chứa độc tố tự nhiên như nấm độc, cóc, so biển, cá nóc, nhộng ve sầu, các loại sinh vật lạ, các loại cây, quả lạ,…; rượu có chứa methanol.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm. Trong đó, tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình.
Chú ý các biện pháp giám sát, hướng dẫn phù hợp đối với dịch vụ nấu ăn lưu động, các bữa ăn liên hoan, tiệc cưới, đám giỗ đông người trên địa bàn quản lý. Kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (thuộc đối tượng phải cấp).
Công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cho cộng đồng.
Bộ Y tế nhấn mạnh, để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cần huy động cả doanh nghiệp và người dân tham gia giám sát, tố cáo các trường hợp vi phạm nhằm góp phần xây dựng môi trường thực phẩm an toàn và lành mạnh.
Xin nhắc lại một số vụ ngộ độc nghiêm trọng xảy ra trong năm 2024, để thấy tầm quan trọng của công tác thanh kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm là hết sức cấp thiết. Vụ hơn 150 công nhân đã nhập viện sau khi ăn cơm trưa, gà kho và canh chua tại bếp ăn tập thể tại một khu công nghiệp ở Bình Dương. Hơn 60 người có triệu chứng nôn mửa, đau bụng và tiêu chảy sau khi dự tiệc cưới ở Thanh Hóa, nguyên nhân nghi do thực phẩm nhiễm khuẩn. Gần 80 học sinh một trường tiểu học ở Hà Nội nhập viện sau bữa ăn bánh mì nhân trứng muối, nghi ngờ do nguyên liệu bị nhiễm khuẩn. Hơn 90 công nhân tại một khu công nghiệp ở Bắc Giang có triệu chứng ngộ độc thực phẩm sau khi dùng bữa trưa tại căng tin.
Được biết, trong năm 2024, Cục An toàn thực phẩm đã triển khai hàng loạt cuộc thanh tra, kiểm tra trên toàn quốc. Các đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành hơn 15.000 cuộc thanh tra, tập trung vào các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, nhà hàng, bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống đường phố và các chợ dân sinh. Qua đó, phát hiệnhơn 2.500 cơ sở vi phạm, với các lỗi chủ yếu như sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, không tuân thủ quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo quản thực phẩm không đúng cách. Đã đình chỉ hoạt động trên 300 cơ sở có mức độ vi phạm nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ lớn gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời xử phạt hành chính hơn 1.800 cơ sở, tổng số tiền phạt lên tới hàng chục tỷ đồng.