Kiên quyết thực hiện tự chịu trách nhiệm trong giải quyết những yếu kém của DNNN

00:00 12/10/2020

Đó là ý kiến của chuyên gia kinh tế, TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi bình luận về tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ Nhà nước của các DNNN trong sản xuất, kinh doanh cũng như khi thực hiện cổ phần hóa (CPH), thoái vốn.

 TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhiều DNNN đã tiến hành CPH, thoái vốn và hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều DN đang trì hoãn để xin cơ chế từ Nhà nước hoặc các bộ, ngành vẫn “bao bọc” DN. Ông nhìn nhận như thế nào về thực trạng này?

Tôi cho rằng DNNN đã tồn tại quá lâu trong thể chế được ưu tiên, bao cấp về một số mặt như đất đai, vốn,… nên tư duy và thói quen vẫn chưa thay đổi được triệt để. Điều này làm cho môi trường đầu tư kinh doanh có phần chưa thật sự bình đẳng. Một lý do nữa, nhiều DNNN hoạt động không hiệu quả, hoặc hiệu quả thấp, sức cạnh tranh trên thị trường yếu, thua lỗ kéo dài không giải quyết được nên vẫn trông vào nhà nước hỗ trợ.

Ngoài ra, có hiện tượng DNNN là “sân sau” của các bộ chủ quản hay các ngành chủ quản. Các bộ, ngành đó dựa vào DNNN để được lợi ích nhóm. Đó là một thực tế đã kéo dài nhiều năm. Dù tích cực đổi mới và cải cách nhưng vẫn chưa thay đổi được như yêu cầu và mong muốn, do đó cải cách DNNN còn nhiều lực cản.

Nhân nhắc về vấn đề này, mới đây Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) vừa xin sửa Luật thuế để áp thuế cao hơn đối với phân đạm nhập khẩu để giá thành phân đạm của DN này sản xuất có thể cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, tạo điều kiện xử lý các DN yếu kém. Động thái này nên được nhìn nhận như thế nào, trong khi các DN đều phải tuân thủ theo thị trường còn một số DNNN lại đang đưa ra những đề nghị kiểu xin-cho, thưa ông?

Trước hết, phải khẳng định, đã có Luật thì dứt khoát phải làm theo Luật. Tuy nhiên ở nước ta, việc thi hành và tuân thủ luật pháp còn yếu. Do đó cần phải kiên quyết khắc phục tình trạng không làm theo Luật. Không chỉ về phía DN mà còn về phía các cơ quan quản lý cần phải nghiêm khắc, nghiêm túc trong vấn đề này, dứt khoát chấm dứt xin - cho vì điều đó thể hiện sự không bình đẳng, không minh bạch, sinh ra tiêu cực và tham nhũng. Tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa qua là kiên quyết thực hiện thị trường dân chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc giải quyết những yếu kém của DNNN và trong việc thực hiện CPH, thoái vốn.

Về câu chuyện của Vinachem, tôi thấy cần xem xét rất cụ thể, cẩn thận bởi vì nhiều DN cũng rơi vào tình trạng như vậy. Chúng ta hội nhập, chúng ta phải tuân thủ nên xin giảm thuế là rất khó. Chính phủ, Quốc hội phải cân nhắc, xem xét thật kỹ để đồng bộ với các DN khác, với tình hình đã xảy ra ở nhiều nơi chứ không chỉ riêng Vinachem.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN ra đời và thực hiện chức năng thống nhất đại diện chủ sở hữu của 19 DN, tập đoàn lớn- trong đó có cả Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn (SCIC) được kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế trên? Theo ông, Ủy ban cần có những quyền hạn như thế nào để có “uy” với các DNNN khác trong tuân thủ pháp luật?

Tôi đã ủng hộ sự ra đời của Ủy ban này. Khi chính thức hoạt động, Uỷ ban phải tập trung vào quản lý được vốn, không vừa đá bóng vừa thổi còi như một số bộ, ngành trước đây. Đây là vấn đề tốt nhưng quan trọng là cần chờ đợi vận hành thực tế ra sao. Giao quyền là quan trọng nhưng khi có quyền phải thực hiện cho tốt, làm đúng, rõ ràng minh bạch, uy tín thì mới có “uy” chứ không chỉ có quyền.

Với vị trí thuộc Chính phủ, Uỷ ban sẽ quản lý hơn 2 triệu tỷ đồng vốn nhà nước ở DN. Theo tôi, giai đoạn đầu, Chính phủ hay lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nên trực tiếp chỉ đạo, hỗ trợ để thực hiện cho đúng.

Vậy ông quan tâm nhất điều gì để Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN hoạt động hiệu quả? 

Các chuyên gia e ngại thành công của Uỷ ban nhưng tôi cho rằng cái gì cũng phải làm mới thành công được, như một số nước Singapore, Trung Quốc… đã làm tốt. Còn nếu ngồi đó sợ thì khó, do đó việc lập đơn vị thống nhất quản lý sẽ hợp lý hơn việc nhiều bộ cùng làm.

Thứ hai là các bộ, ngành, DN cần có tư duy thấu đáo, hỗ trợ cho hoạt động của Ủy ban, tránh tình trạng không phối hợp thống nhất kéo dài. Tôi tin nếu làm tốt, trong 2 năm nữa, tình hình CPH, thoái vốn sẽ tốt; vấn đề quản trị DN cũng sẽ tốt lên, góp phần phát huy vai trò Nhà nước.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM): Phải biết “làm hàng” khi bán vốn nhà nước DNNN là món hàng hời và việc không bán được là do sự thiếu sự quan tâm của nhà đầu tư. CPH DNNN là quyết định đúng, song Nhà nước nên bán vốn khôn ngoan, bán chiến lược hơn, biết làm hàng, chứ đừng làm theo kiểu "quẳng" hết hàng ra thị trường một cách ào ạt. Mặt khác, hiện chủ sở hữu DNNN khá phân mảnh, có mục tiêu và lợi ích khác nhau nên nếu đẩy hàng ra thị trường ào ào cùng một lúc sẽ không thành điểm cộng tốt, ngược lại sẽ triệt tiêu nhau. Đặc biệt, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước ra đời sẽ giúp việc bán cổ phần DNNN có chiến lược tập thể, dài hạn hơn và sẽ dẫn đến hiệu quả cao hơn.

Ông Phùng Văn Hùng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Dựa vào nội lực để cạnh tranh Phải nói rằng, những năm qua, DNNN dựa quá nhiều vào các ưu đãi như nguồn vốn, đất đai. Nhiều khi không quan tâm đúng mức tới đầu tư sản xuất, quản lý hiệu quả để đẩy mạnh sản xuất, phát triển. Điều đó dẫn tới khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế bị hạn chế. Tới đây, theo kế hoạch, nhiều DNNN lớn, sở hữu nhiều lợi thế về nguồn lợi tự nhiên sẽ bước vào giai đoạn CPH, thoái vốn. Điều họ cần làm là phải “thấm” quan điểm “phải dựa vào nội lực của mình để cứu chính mình trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của trong nước, nước ngoài trong một môi trường pháp lý chung mà bên nào cũng phải tuân thủ”. Hơn thế nữa, việc bắt buộc DNNN sau CPH phải niêm yết trên thị trường chứng khoán là quan trọng. Khi đã niêm yết thì tính công khai, minh bạch được nhấn mạnh; "sức khoẻ" của DN được giám sát bởi các cơ quan nhà nước, bởi các tổ chức kinh tế và người dân. Dựa vào đó họ có thể quyết định đầu tư hoặc không đầu tư vào DN. Tuy nhiên, nhiều DN không muốn niêm yết, không muốn công khai để có thể trao đổi mua bán cổ phiếu trong 1 nhóm. Chính phủ cần phải xem xét từng DN không niêm yết để có giải pháp kịp thời, yêu cầu các DN phải tuân thủ các quy định nguyên tắc thị trường mà Chính phủ đã đề ra.

Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Ngô Trí Long: Cho phép nhà đầu tư chiến lược nắm giữ lượng cổ phần đủ lớn Để quá trình CPH, thoái vốn nhà nước hỗ trợ tốt hơn nữa cho mục tiêu cải thiện chất lượng quản trị tại DN, trước hết, Nhà nước cần phải nhận thức được vai trò quan trọng của các nhà đầu tư chiến lược và tạo môi trường để các nhà đầu tư này tham gia tích cực hơn vào quá trình điều hành hoạt động của DN. Điều này chỉ có thể phát huy tác dụng nếu Nhà nước lựa chọn được các nhà đầu tư chiến lược có năng lực, công nghệ và kinh nghiệm phù hợp với sứ mệnh thúc đẩy DN phát triển. Song song với việc này, cần có cơ chế cho phép nhà đầu tư chiến lược nắm giữ được một lượng cổ phần đủ lớn để có thể tạo ra sự ảnh hưởng có ý nghĩa tới hoạt động của DN. Có như vậy mới có thể tận dụng được các lợi thế của nhà đầu tư, cải thiện sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DN sau CPH. H.A - H.V (ghi)

Đông Mai