Theo đó, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần đem lại năng suất và thu nhập cao hơn, tạo việc làm cho nhiều lao động. Chất lượng lao động nông thôn ngày càng tăng đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm nghèo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Quy mô đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngày càng tăng, chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên, hình thức và phương pháp đào tạo ngày càng đa dạng theo hướng gắn với nhu cầu người học, nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp và của nền kinh tế, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện từ 40% năm 2015 lên 50,1% vào năm 2020. Giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt 27.000 người, gồm: Giai đoạn 2021 - 2025, đào tạo 15.000 lao động và giai đoạn 2026 - 2030, đào tạo 12.000 lao động. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, nâng lên tỷ lệ người lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 75%, trong đó đào tạo lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 50%, đảm bảo lao động có việc làm đúng với ngành nghề đào tạo đạt từ 80% trở lên.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, tỉnh ưu tiên đào tạo cho lao động ở các vùng nguyên liệu có liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, lao động thực hiện các chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tỉnh chú trọng đào tạo cho lao động là thành viên hợp tác xã, trang trại, tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi ngành hàng, sản xuất công nghệ cao, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Tỉnh đào tạo cho lao động ở các vùng khó khăn, biên giới hải đảo và đào tạo để xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Hiện nay, tỉnh có 28 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn, gồm: 3 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp, 12 trung tâm giao dục nghề nghiệp cấp huyện, 3 doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp và 4 cơ sở đào tạo khác.
Để công tác đào tạo nghề lao động nông thôn đạt hiệu quả, góp phần phục vụ nguồn nhân lực chất lượng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm trong nhân dân, nhất là chú trọng lao động nông thôn. Ngành chức năng hữu quan xây dựng chương trình dạy nghề sát với yêu cầu của thị trường lao động, đáp ứng sự thay đổi của khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới, đảm bảo chất lượng đào tạo nghề. Tỉnh đầu tư, nâng cấp cơ sở dạy nghề đáp ứng nhu cầu đào tạo, dạy nghề cho lao động. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các huyện, thành phố rà soát nhu cầu học nghề thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của địa phương… Trên cơ sở đó, tổ chức đào tạo nghề phù hợp với yêu cầu sản xuất nông nghiệp, mô hình kinh tế, giúp lao động nông thôn nâng cao chất lượng kỹ năng tay nghề để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, chất lượng hàng hóa nông sản, nâng cao thu nhập… Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các huyện, thành phố rà soát nhu cầu học nghề lĩnh vực nghề phi nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế của địa phương, phù hợp với tỷ lệ chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Các cơ sở dạy nghề tổ chức đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp ở các khu, cụm công nghiệp và khu du lịch trên địa bàn.
Cùng với đó, tỉnh hỗ trợ cho lao động nông thôn khi học nghề, giới thiệu việc làm, chú trọng loại hình đào tạo vừa học, vừa làm tại các công ty, xí nghiệp, nhà máy… Chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội các cấp phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể, chính quyền địa phương thực hiện hỗ trợ vay vốn cho lao động nông thôn sau học nghề, tạo cơ hội phát triển sản xuất, nhất là các mô hình sản xuất mũi nhọn, hiệu quả tại địa phương. Tỉnh tăng cường kêu gọi, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa để tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp và chú trọng vào 4 vùng sản xuất kinh tế trọng điểm trên địa bàn để đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Trần Hà