Kiên Giang hướng đến nền nông nghiệp sạch, hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thích ứng với biến đổi khí hậu

16:27 13/12/2021

Sáng ngày 13/12, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị tổng kết Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020.

Qua 5 năm triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới đã mang lại hiệu quả thiết thực, sản xuất nông nghiệp có bước tăng trưởng khá, cơ cấu nội ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Các chương trình, đề án, dự án nông nghiệp tiếp tục được triển khai tích cực hiệu quả.

Hội nghị tổng kết Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020.
Hội nghị tổng kết Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020 tỉnh Kiên Giang.

Cơ cấu nông nghiệp từng bước chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng từ 40,39% GRDP (năm 2015) xuống còn 32,74% GRDP (năm 2020). Giá trị sản phẩm thu được trên 1 hecta đất trồng trọt năm 2020 đạt bình quân 83,83 triệu đồng/ha/năm (năm 2015 là 78,22 triệu đồng/ha/năm) đạt 83,83% kế hoạch. Giá trị nuôi trồng thủy sản trên 1 hecta đất mặt nước năm 2020 ước đạt 130 triệu đồng/ha/năm, đạt trên 135% so với kế hoạch. Đến cuối năm 2020 có 79/116 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 68,10%, có 3 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới, không còn xã dưới 10 tiêu chí. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 12%, so với năm 2016 độ che phủ rừng tăng 1,4%.

Trong lĩnh vực thủy sản, các mô hình nuôi thủy sản ngày càng phong phú, kể cả nuôi thủy sản nước lợ và nước ngọt, đã có một số mô hình nuôi thủy sản trên biển như nuôi cá lồng bè, ngọc trai, nhuyễn thể hai mảnh vỏ… được hình thành. Mô hình nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp phát triển nhanh; diện tích trồng lúa kém hiệu quả hoặc không đảm bảo nguồn nước tưới chuyển sang mô hình tôm lúa, nuôi tôm quảng canh cải tiến tăng cả về diện tích và sản lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất, thu nhập bình quân đạt 100-130 triệu đồng/ha….

Ông Lê Hữu Toàn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh cho biết: Trong những năm qua, Kiên Giang chú trọng đến việc hỗ trợ nông dân đầu tư máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đến nay, khâu làm đất cơ bản đã đạt được cơ giới hoá trên 98%, khâu bơm tát đạt 100% nhưng tỷ lệ bơm điện còn thấp (khoảng 35%), khâu phun thuốc và vận chuyển cơ giới hoá 100%. Các mô hình tổ chức sản xuất tiếp tục được củng cố và kiện toàn, hiện nay, toàn tỉnh có 433 HTX (348 HTX trồng trọt, 83 HTX thủy sản, 2 HTX chăn nuôi) và 2.109 Tổ hợp tác, với trên 65.530 hecta đất canh tác. Tuy nhiên, việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: Mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ còn ít chưa mang tính bền vững; kinh tế tập thể còn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế trong sản xuất, dịch vụ còn hạn chế; nguồn lợi thủy sản suy giảm là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tàu cá khai thác vùng biển nước ngoài gia tăng; tỉnh chưa quy hoạch được không gian biển, chưa triển khai được đề án nuôi biển trên địa bàn tỉnh; nông dân thiếu vốn đầu tư vào sản xuất; nguồn lực đầu tư cho việc triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất….

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu Sở NN&PTNT tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của các sở ngành, địa phương hoàn thiện báo cáo đề án, những giải pháp khả thi mang tính hiệu quả, tổ chức thực hiện được trong 5 năm tới và tầm nhìn đến năm 2030. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở NN&PTNT, Sở Tài chính và các ngành liên quan nghiên cứu có giải pháp thứ tự ưu tiên nguồn lực đầu tư tái cơ cấu nông nghiệp một cách đồng bộ, hiệu quả; cơ chế chính sách, cân đối nguồn vốn đầu tư hỗ trợ người sản xuất, chính sách đào tạo nghề. Đối với Sở Công Thương phải xây dựng cơ chế chính sách ưu tiên thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, nghiên cứu phát triển tốt hạ tầng trung tâm logistic, thương mại, siêu thị, nơi tiêu thụ nông sản quan trọng góp phần đảm bảo đầu ra cho nông sản. UBND các huyện, thành phố tiếp tục đánh giá kết quả thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của từng địa phương và đề ra những giải pháp giai đoạn 2021-2025, bám theo đề án của chỉ đạo của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành cũng đề nghị, trong thời gian tới, cần phải rà soát lại quy hoạch sử dụng đất đảm bảo bố trí nguồn lực đầu tư hạ tầng cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả; tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến và bảo quản đảm bảo giữ vững năng suất và nâng cao giá trị nông sản, giảm chi phí sản xuất; giống sản xuất phải phù hợp thị trường đầu ra. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, mời gọi doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm đầu tư vào nông nghiệp;quan tâm chú trọng đầu tư hạ tầng gắn với môi trường trong sản xuất; triển khai cơ cấu lại nghề khai thác thủy sản, bảo tồn biển.

Trần Hà