Kiên Giang đề xuất cơ chế đặc thù cho Phú Quốc

17:23 24/11/2021

UBND tỉnh Kiên Giang đã gửi tới Chính phủ 6 nhóm chính sách để thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển thành phố Phú Quốc.

Theo kiến nghị của tỉnh Kiên Giang, việc xây dựng cơ chế ưu đãi đặc thù phát triển TP Phú Quốc không nên chỉ dựa vào chính sách thuế, mà cần được xây dựng theo các nhóm chính sách toàn diện để tạo môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh. Tỉnh Kiên Giang kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành xây dựng cơ chế đặc thù phát triển cho TP Phú Quốc với 6 nhóm chính sách ưu đãi. Đó là các nhóm chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng nhằm tăng tính kết nối; quản lý và phát triển nguồn nhân lực; các ưu đãi liên quan đến tài chính như ưu đãi thuế, chính sách tài chính tiền tệ, tiền lương, hàng hóa xuất nhập khẩu, ưu đãi đất đai và xúc tiến đầu tư; phát triển lĩnh vực văn hóa xã hội; bảo đảm an ninh quốc phòng; đầu tư và hợp tác quốc tế. 

Riêng về hạ tầng, trước đó tỉnh Kiên Giang đã kiến nghị trung ương bố trí vốn hoàn thành các hạng mục cảng hành khách quốc tế Dương Đông, xây thêm đường cất cánh, hạ cánh và mở rộng nhà ga cảng hàng không quốc tế Phú Quốc để phục vụ khách du lịch trong thời gian tới.

Kiên Giang kiến nghị tiếp tục nâng cấp sân bay Phú Quốc
Kiên Giang kiến nghị tiếp tục nâng cấp sân bay Phú Quốc.

Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang cũng kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế phân quyền, giao quyền cho TP Phú Quốc để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư, chi phí đi lại cho nhà đầu tư. Theo tỉnh Kiên Giang, dù Phú Quốc được quy hoạch trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái chất lượng cao tầm cỡ khu vực và thế giới, nhưng tới nay cơ chế, chính sách phát triển Phú Quốc chưa vượt trội so với nhiều khu kinh tế khác trên cả nước. Về cơ chế tài chính vẫn áp dụng cơ chế phân bổ ngân sách cấp huyện theo Luật ngân sách nhà nước. Về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công vẫn duy trì cơ chế phân cấp quản lý, sử dụng vốn theo Luật đầu tư công nên chưa tạo được đột phá cho TP trong việc tự chủ và huy động các nguồn vốn khác cho phát triển hạ tầng. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tại khu kinh tế Phú Quốc đang thực hiện như chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, chính sách sử dụng lao động, chính sách về đất đai, mua nhà ở và bất động sản…, giống với các khu công nghiệp, khu chế xuất, và khu kinh tế tại các địa phương khác. Do đó, TP Phú Quốc chưa thể đột phá trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của TP biển đảo.

Năm năm qua chưa có cơ chế đặc thù nhưng Phú Quốc đã trở thành một cực phát triển của tỉnh Kiên Giang. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố này đạt hơn 141.600 tỷ đồng (65% tổng vốn toàn tỉnh), thu hút được 321 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 340.300 tỷ đồng.

Trần Hà