Kiên Giang: Công nhận 18 sản phẩm OCOP cấp tỉnh

07:48 06/03/2021

Tỉnh Kiên Giang vừa phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Kiên Giang năm 2020.

Theo đó, tỉnh công nhận sản phẩm đạt hạng từ 3 sao đến 4 sao đối với 18 sản phẩm của 11 chủ thể, trong đó có 10 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 8 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Đây là sản phẩm thuộc 6 ngành hàng, gồm: Nhóm thực phẩm thô, sơ chế 03 sản phẩm, nhóm thực phẩm chế biến 3 sản phẩm, nhóm gia vị 3 sản phẩm, ngành đồ uống 3 sản phẩm, ngành thảo dược 1 sản phẩm và ngành thủ công mỹ nghệ, trang trí 5 sản phẩm.

Cụ thể các sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao, gồm: gạo Nàng Hương Kim Thiên Lộc, gạo lức đỏ Kim Thiên Lộc, gạo lức đen Kim Thiên Lộc (Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Rạch Giá, thành phố Rạch Giá); nước mắm 30 độ đạm, nước mắm 40 độ đạm (Công ty cổ phần Thương mại Khải Hoàn, thành phố Phú Quốc); thùng sọt cỏ bàng, giỏ xách cỏ bàng (Cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ Toàn Tuyền, huyện Giang Thành); tụng bụng phình, túi xách cỏ bàng, sọt cỏ bàng (Hợp tác xã Phụ nữ cỏ bàng Phú Mỹ, huyện Giang Thành).

18 sản phầm được tỉnh Kiên Giang công nhận
18 sản phầm được tỉnh Kiên Giang công nhận OCOP.

Tiếp đến, 8 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao, gồm: bánh tráng Mạnh Tài (Cơ sở sản xuất Bánh tráng Mạnh Tài, huyện Giồng Riềng); mắm cá lóc (Hộ kinh doanh Tám Đô, huyện Giồng Riềng); rượu nếp Xuân An, rượu vang ổi Xuân An (Công ty TNHH Rượu truyền thống Xuân An, huyện Tân Hiệp); tinh dầu khuynh diệp (Cơ sở sản xuất tinh dầu thiên nhiên Nathea, huyện Tân Hiệp); chả lụa (Cơ sở sản xuất chả lụa Minh Trí, huyện Tân Hiệp); nước uống đóng chai (Cơ sở sản xuất nước đóng chai, đóng bình Bảo Anh, huyện Tân Hiệp); tiêu đen xay (Hộ kinh doanh Ngô Hoàng Vũ, TP. Hà Tiên).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, 18 sản phẩm đạt các hạng sao này được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận, được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao in, dán trên bao bì sản phẩm theo đúng quy định hiện hành, kết quả chứng nhận xếp hạng sao sản phẩm có giá trị trong 36 tháng. Tiếp đến, Sở thực hiện công bố, công khai sản phẩm được công nhận xếp hạng và hướng dẫn các huyện, thành phố, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh việc sử dụng, in, dán nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao lên bao bì sản phẩm được công nhận đúng quy định.

Việc công nhận, xếp hạng 18 sản phẩm OCOP cấp tỉnh thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Kiên Giang năm 2020, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Qua đó, giúp người dân nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trong xây dựng nông thôn mới, góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hướng người dân vào kinh tế thị trường. Đồng thời, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, chương trình OCOP chính là động lực để nâng tầm thương hiệu các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, cần phải triển khai từng bước, đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả; sản phẩm tham gia đánh giá đã được thị trường chấp nhận nhưng các chủ thể cần tiếp tục cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm, nhãn hiệu hàng hóa; quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm; kế hoạch kinh doanh, nâng cao chất lượng. Đồng thời áp dụng những giải pháp khoa học công nghệ vào sản xuất để mở rộng quy mô, thị trường tiêu thụ hướng tới xuất khẩu.

Thời gian tới, tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất theo điều kiện của từng vùng sinh thái, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn với sự tham gia của các doanh nghiệp, để liên kết trong sản xuất, thu mua và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và cơ giới hóa vào sản xuất, lựa chọn cây trồng, vật nuôi đặc trưng của tỉnh, có năng suất chất lượng, hiệu quả kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu. Triển khai mạnh các cơ chế, chính sách, khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tạo môi trường đầu tư thuận lợi, ổn định, thông thoáng để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

PV