Kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của Tổ công tác số 3

21:05 18/09/2023

Tổng kế hoạch vốn đầu tư năm 2023 được Quốc hội giao là hơn 711.684 tỷ đồng, bao gồm gần 43.000 tỷ đồng cho 17 bộ, cơ quan Trung ương thuộc Tổ công tác số 3.

Chiều 18/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 với các bộ, cơ quan Trung ương thuộc Tổ công tác số 3.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch vốn đầu tư năm 2023 được Quốc hội giao là hơn 711.684 tỷ đồng, bao gồm gần 43.000 tỷ đồng cho 17 bộ, cơ quan Trung ương thuộc Tổ công tác số 3.

Tính đến ngày 31/8/2023, tỷ lệ giải ngân của 17 bộ, cơ quan Trung ương thuộc Tổ công tác số 3 đạt 44,12% kế hoạch Thủ tướng giao, cao hơn mức trung bình của cả nước là 42,35%.

Kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của Tổ công tác số 3
Kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của Tổ công tác số 3.

Trong số 17 bộ, cơ quan Trung ương thuộc Tổ công tác, có 4 bộ, cơ quan Trung ương giải ngân cao hơn mức trung bình của cả nước, gồm Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (58,49%), Bộ Quốc phòng (50%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (48,2%) và Hội Nông dân Việt Nam (48,16%). Một số bộ, ngành còn lại có mức giải ngân dưới 10% hoặc chưa giải ngân.

Các bộ, cơ quan phản ánh, một số dự án chậm đều là các dự án mới, dự án mua sắm thiết bị chuyên dùng, dự án xây dựng trụ sở cơ quan của các bộ, ngành ở địa phương, các dự án công nghệ thông tin... phải thực hiện nhiều quy trình, thủ tục, nên đòi hỏi cần có thời gian. Đặc biệt, có những dự án nhiều năm chưa triển khai được do nguyên nhân chủ quan từ đơn vị chủ đầu tư chưa chuẩn bị kỹ lưỡng nên lúc bắt tay vào triển khai gặp nhiều vướng mắc.

Để tăng tỷ lệ giải ngân từ nay đến cuối năm, ông Cao Huy, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ kiến nghị Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp so với mức trung bình cả nước cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, xác định rõ nguyên nhân, rút ra bài học và có giải pháp cụ thể, quyết liệt phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân từ 95% kế hoạch vốn năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, mới đây, Quốc hội đã ban hành nghị quyết cho phép điều chuyển vốn giữa các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để tăng tiến độ giải ngân. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản hướng dẫn, trong đó quy định rõ trình tự, thủ tục thực hiện nội dung này.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung đề nghị các bộ, cơ quan khi làm dự án phải lưu ý tuân thủ 3 quy hoạch, gồm quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết; chú trọng ưu tiên bố trí vốn để chuẩn bị đầu tư.

Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Quốc phòng, Công an chia sẻ nhiều kinh nghiệm về quản lý đầu tư công: Phân công một Thứ trưởng phụ trách trực tiếp công tác xây dựng cơ bản; giao các đơn vị có năng lực, kinh nghiệm tham gia quản lý đầu tư; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý số liệu giải ngân theo thời gian thực; giao ban định kỳ hằng tháng với tất cả các chủ đầu tư, nhà thầu; phân loại từng nhóm dự án để có phương án xử lý vướng mắc; thực hiện việc kiểm điểm, đánh giá tiến độ hằng tháng.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.

Phó Thủ tướng đánh giá cao những bước tiến tích cực của các bộ, cơ quan kể từ phiên họp của Tổ công tác tháng 4/2023, cũng như khả năng hoàn thành nhiệm vụ giải ngân đến cuối năm, nhất là các bộ, cơ quan có được phân bổ số lượng vốn đầu tư công lớn.

Về phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan phải tích cực, quyết liệt hơn; lập kế hoạch chi tiết thực hiện các dự án đầu tư, trong đó phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu; lựa chọn tư vấn có đủ năng lực, nhất là đối với các bộ, ngành không có cơ quan chuyên trách về đầu tư để tránh sai sót, mất cán bộ; thực hiện nghiêm việc báo cáo tiến độ giải ngân hằng tháng về Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

Phó Thủ tướng lưu ý, đối với các dự án đầu tư công trong tương lai, các bộ, cơ quan phải xem xét thấu đáo những điều kiện, khả năng giải ngân, nhất là về giải phóng mặt bằng, đền bù, quy hoạch..., tránh tình trạng đưa vào kế hoạch nhưng nhiều năm không giải ngân được và phải trả lại vốn.

Phó Thủ tướng đề nghị trong quá trình thực hiện các công trình, dự án đầu tư công, các bộ, cơ quan gặp khó khăn, vướng mắc thì phản ánh kịp thời về Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp cùng các tổ công tác khác để có giải pháp tháo gỡ.

Mới đây tại buổi họp báo Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 - 2024 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, cấu trúc các chuyên đề thảo luận tại Diễn đàn sẽ đặt ra những vấn đề mang tính cấp bách cũng như lâu dài để gợi mở các giải pháp phù hợp, cụ thể để khơi thông nguồn lực, phục hồi tăng trưởng, phát triển bền vững.

Các ý kiến sẽ nhận diện rào cản, nút thắt trong phát triển kinh tế hiện nay qua đánh giá 9 tháng và dự báo cả năm 2023. Ông cho hay, mặc dù có nỗ lực lớn nhưng tốc độ tăng trưởng chưa đạt như kỳ vọng, dự báo năm nay hoàn thành 10/15 chỉ tiêu. Điều đáng lưu ý là 5 chỉ tiêu chưa đạt lại phản ánh chất lượng tăng trưởng.

Cụ thể như năng suất lao động dự kiến chỉ đạt 3,7-4,7% trong khi mục tiêu đặt ra là 5,6%, còn cả nhiệm kỳ từ 6-6,5%, chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2030 cũng đề ra trên 6%. Tỉ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong tổng GDP không đạt trong năm 2023 cũng như bình quân giai đoạn 2021-2025

Ông Nguyễn Đức Hiển cũng phân tích những vấn đề mang tính dài hạn sẽ được đề cập tại diễn đàn nhằm gợi mở các giải pháp. Thứ nhất, đánh giá toàn bộ quá trình cơ cấu lại nền kinh tế trong thời gian vừa qua. Bởi, để phát triển nhanh, bền vững cần đảm bảo cơ cấu, chuyển dịch đồng bộ. Thứ hai, để tăng trưởng về dài hạn vẫn phải dựa vào năng lực nội sinh, tự lực tự cường. Hiện nước ta xuất siêu nhưng tỉ trọng khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là đa số; sự chuyển giao công nghệ có tích cực hơn nhưng còn hạn chế… Thứ ba, năng suất lao động là câu chuyện phải được giải quyết vì đây là gốc, yếu tố sống còn với phát triển dài hạn và chất lượng tăng trưởng. Thứ tư là chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

P.V (t/h)