Việc làm này nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Công đoạn nung sắt ở làng rèn Lý Nhân. Ảnh: Nguyễn Thảo - TTXVN
Vĩnh Phúc hiện có 25 làng nghề; trong đó, 19 làng nghề truyền thống và 6 làng nghề mới, hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất chủ yếu gồm: nghề mộc, gốm, đan lát mây tre, rèn, chế biến nông lâm sản.
Các cơ sở này tạo việc làm hơn 55.000 lao động nông thôn với mức thu nhập bình quân 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Các nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sự phát triển chung của nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Các sản phẩm làng nghề truyền thống của Vĩnh Phúc có chất lượng, tạo thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường toàn quốc; trong đó, phải kể đến những sản phẩm nức danh như: rèn Lý Nhân, đá Hải Lựu, rắn Vĩnh Sơn…
Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh, nhiều làng nghề truyền thống của Vĩnh Phúc gặp nhiều khó khăn, nguy cơ suy giảm, mai một. Người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn đối với sản phẩm với yêu cầu ngày càng cao về mẫu mã, chất lượng, giá cả. Trong khi đó, làng nghề thiếu hụt thế hệ kế cận, nguồn vốn sản xuất, đầu tư công nghệ eo hẹp…
Các sản phẩm làng nghề theo tư duy cũ, thiếu chiến lược đầu tư, kinh doanh, phát triển trong bối cảnh mới khiến sản phẩm làng nghề mất dần vị thế. Nhiều sản phẩm từng vang bóng trên thị trường một thời như gốm Hương Canh, Cao Minh… gần như là ký ức.
Trước thực trạng này, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã duyệt Quy hoạch phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu sẽ hình thành 24 cụm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống.
Địa phương hỗ trợ đào tạo thợ lành nghề, truyền nghề, chuyển đổi mặt hàng sản xuất, từ sản xuất những sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước sang sản phẩm để xuất khẩu.
Vĩnh Phúc đã đầu tư hơn 219 tỷ đồng xây dựng 8 cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề với diện tích hơn 81 ha.
Tỉnh thực hiện nhân cấy một số nghề mới trong khu vực nông nghiệp nông thôn như nghề mây tre đan xuất khẩu, thêu ren xuất khẩu, chế biến nông sản thực phẩm, nghề mộc mỹ nghệ.
Địa phương xây dựng doanh nghiệp "đứng chân" ngay trong những làng, xã có nghề truyền thống, coi đây là hạt nhân quan trọng cùng với chính sách khuyến công trở thành tiền đề phát triển làng nghề.
Tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện Chương trình khuyến công giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, mỗi đơn vị sẽ được hỗ trợ 11 triệu đồng/thương hiệu, khuyến khích việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm công nghiệp nông thôn nói chung và sản phẩm tập thể nói riêng.
Trong năm 2018, để hỗ trợ các nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc dành 5,5 tỷ đồng tập trung hỗ trợ cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng chất lượng sản phẩm…
Những hoạt động hỗ trợ này không chỉ gia tăng giá trị kinh tế, đóng góp cho ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho lao động, đặc biệt là lao động thủ công, lao động nông thôn.
Làng nghề mộc xã An Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc có tuổi đời hàng trăm năm và được Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc công nhận làng nghề truyền thống vào năm 2006.
Làng mộc An Tường nổi tiếng về kỹ thuật làm đồ gỗ tinh xảo như: bàn ghế, sập gụ, tủ chè, đồ thờ cúng hay nội thất… được đông đảo khách hàng trong, ngoài tỉnh đánh giá cao.
Đến nay, làng nghề mộc xã An Tường có gần 1.000 hộ làm nghề, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, với mức thu nhập trung bình 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Với sự năng động, nhạy bén trước những thay đổi của cơ chế thị trường, nhu cầu sử dụng đồ gỗ cao cấp tăng cao; được sự hỗ trợ của nguồn kinh phí khuyến công, gia đình Kiều Quang Huy ở xã An Tường đã thay đổi tư duy sản xuất, đầu tư máy móc, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa sản phẩm mộc An Tường không những bền, đẹp về kiểu dáng mà còn đạt đến đỉnh cao về kỹ thuật, mỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của khách hàng và khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Phát huy truyền thống, với bàn tay tài hoa của những người thợ, cùng sự hỗ trợ của công nghệ và máy móc hiện đại, những sản phẩm của làng nghề mộc An Tường như: cuốn thư, câu đối, sập, tủ chè, bàn ghế mỹ nghệ, đồ nội thất... ngày càng tinh xảo, có hồn và mang nét đặc trưng rất riêng. Các sản phẩm không chỉ đứng vững trên thị trường trong và ngoài tỉnh mà còn làm tên tuổi làng nghề ngày càng vươn xa.
Việc phát triển làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và bảo tồn các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa địa phương.
Do đó, để duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống cần sự hỗ trợ của chính quyền trong việc xây dựng định hướng, kế hoạch và hỗ trợ đầu tư phát triển các làng nghề. Các làng nghề cần thay đổi tư duy, nắm bắt nhu cầu thị trường để từ đó đưa các làng nghề phát triển bền vững./.
Nguyễn Thị Thảo/TTXVN