Mặc dù các công trình xây dựng kéo dài thời gian thi công, có khi vài năm liền nhưng đa phần thợ xây tham gia các công trình này không được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ), không được tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Lán trại của thợ xây các công trình. Họ sống cực khổ và thường không được đảm bảo vệ quyền lợi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Ảnh: L.T
Ký hợp đồng lao động gần… 1 tháng
Tại công trình xây dựng tòa nhà cao tầng S.P (trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh, TPHCM), có gần chục tốp thợ làm nhiều phần việc khác nhau phục vụ cho công trình. Điểm chung của các nhóm thợ này là đi theo cai thầu, làm công nhật, lĩnh lương tuần và không hề biết gì về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Hỏi 1 thợ xây tầm 40 tuổi, anh cho biết, anh và nhóm thợ thuộc Cty TNHH TM DV Sâm Á Thịnh (trụ sở Bình Dương). Anh được công ty thuê, đã làm nhiều công trình khác nhau, riêng tòa nhà S.P thì đã làm được mấy tháng qua. Làm ngày nào được trả lương ngày đó, còn các chế độ BHXH thì không tiện trả lời. Theo kết luận của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) về tình hình sử dụng lao động tại Cty Sâm Á Thịnh vào đầu năm 2019, doanh nghiệp (DN) này ký hợp đồng với đối tác thi công gần 1 năm tại công trình S.P. Công ty có 120 lao động, trong đó chỉ 7 người ký HĐLĐ dài hạn (từ 12 - 36 tháng), 113 lao động còn lại công ty ký HĐLĐ chỉ dưới 1 tháng.
Tương tự, một số lao động khác đang làm việc tại công trình S.P cho hay, họ thuộc quản lý của Cty TNHH TM-DV Davinci (trụ sở quận Bình Thạnh). Nhóm thợ xây này làm việc đã lâu nhưng cũng chỉ biết lĩnh lương còn các chế độ khác liên quan đến BHXH thì không rành lắm! Theo thông tin từ Thanh tra Bộ LĐTBXH, thời điểm thanh tra, Cty Davinci đang sử dụng 58 lao động nhưng cũng chỉ ký HĐLĐ dưới 1 tháng!
Như vậy, với việc chỉ ký HĐLĐ dưới 1 tháng, các DN sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ dù có sử dụng lao động lâu dài hay không. Không chỉ ký HĐLĐ dưới 1 tháng, tại các công trình xây dựng, thợ xây, thợ phụ đa phần làm việc dưới sự điều hành của một cai thầu, không có bất kỳ hợp đồng nào. Dù công trình kéo dài nhiều tháng, những lao động này cũng chỉ được trả lương ngày và không được đảm bảo quyền lợi về BHXH, BHYT.
Người lao động lĩnh đủ khi xảy ra TNLĐ
Anh Lý Hải Vân (quê Vĩnh Long) vốn là thợ xây. Năm 2018, anh Vân đi theo một tốp thợ thực hiện công trình nhà ở tại Tây Ninh. Công trình dự kiến kéo dài hơn 5 tháng, anh Vân làm đến tháng thứ 4 thì gặp TNLĐ. Trong lúc đưa tay kéo thùng hồ lên tầng 3, anh Vân hụt chân rớt xuống đất. May mắn cho anh Vân là do vướng vào giàn giáo phía dưới nên không nguy hiểm đến tính mạng nhưng vụ tai nạn làm anh bị gãy xương đùi. Anh Vân được cai thầu đưa đến bệnh viện. Anh Vân nằm viện hơn nửa tháng và được cai thầu chi trả viện phí.
Sau khi anh Vân xuất viện, cai thầu cũng cắt đứt liên hệ. “Khi đó gần Tết nên tôi trở về quê. Không có tiền, không có trợ cấp gì hết. Sau Tết, tôi vẫn thấy đau và di chuyển khó khăn nên đi kiểm tra lại, bác sĩ cho biết tôi bị gãy xương cổ đùi do vụ tai nạn lần trước. Chi phí ca mổ dự kiến hơn 40 triệu đồng mà gia đình khó khăn, tôi lại không đi làm được. Không liên lạc được với cai thầu, tôi chẳng biết phải xử lý cái xương cổ đùi này thế nào”, anh Vân cho hay.
So với nhiều vụ TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng, trường hợp của anh Vân vẫn còn được xem là nhẹ. Nhiều trường hợp, NLĐ gãy cả tay, chân, xương sống dẫn đến liệt nửa người… Cai thầu, chủ thầu chỉ hỗ trợ chi phí điều trị ban đầu, các khoản hỗ trợ, bồi thường khác gần như không có. Sau tai nạn, đa phần NLĐ lâm vào cảnh khốn đốn.
Phía cơ quan BHXH TPHCM cho rằng, để phát hiện, xử lý các DN xây dựng sử dụng lao động nhưng “né” tham gia BHXH, cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý lao động, đặc biệt là thanh tra lao động vì liên quan đến khai báo, đăng ký lao động. Thanh tra BHXH đóng vai trò phối hợp do hiện nay chức năng thanh tra BHXH vẫn còn giới hạn vì chỉ được thanh tra chuyên ngành đóng. Cụ thể, khi phát hiện DN đã đăng ký, khai báo và tham gia BHXH, BHYT nhưng chậm đóng, trốn đóng thì cơ quan BHXH mới có thể vào cuộc. Còn với DN đang hoạt động nhưng họ “giấu” lao động, không khai báo lao động hoặc ký HĐLĐ dưới 1 tháng thì thanh tra BHXH không có cơ sở xử lý!