Tỷ lệ tham gia đầu tư ngày càng tăng
Bộ Công Thương cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ trong việc khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng, trong đó có NLTT, trong những năm qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu đề xuất các khuôn khổ pháp lý xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện NLTT.
Tạo cơ chế hút các nhà đầu tư tham gia các dự án điện.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế bán điện từ các dự án điện NLTT như điện gió, điện sinh khối, điện từ chất thải rắn, điện mặt trời theo Biểu giá bán điện cố định (FIT) trong 20 năm. Đơn cử như cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam tại Quyết định 11/2017/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2017 và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6 tháng 4 năm 2020, Cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg và được sửa đổi bổ sung tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg đã tạo ra sự bùng nổ của các dự án điện mặt trời, điện gió (chủ yếu là các nhà đâu tư (NĐT) tư nhân).
Cụ thể, tổng công suất các dự án nguồn điện đầu tư theo hình thức BOT và IPP (không kể các nguồn điện gió, điện mặt trời và thủy điện nhỏ) đã đưa vào vận hành đến năm 2020 là 7.355 MW/62.250 MW tổng công suất các nguồn điện (chiếm 11,8%). Các dự án nguồn nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT và IPP đang triển khai thực hiện (đã có chủ đầu tư, dự kiến sẽ đưa vào vận hành trong giai đoạn đến năm 2030) khoảng 27.250 MW.
Đối với nguồn điện NLTT, tính đến ngày 31/12/2020, trong tổng số 69.340 MW công suất lắp đặt nguồn điện toàn quốc, đã có 16.420 MW điện mặt trời (bao gồm 8.673 MW điện mặt trời tập trung và 7.755 MW điện mặt trời mái nhà), 514 MW điện gió, 382,1 MW điện sinh khối, 9,43 MW điện rác, điện NLTT chiếm 25,3% tổng công suất lắp đặt.
Kết quả thực tế năm 2019 và 2020, sản lượng điện phát từ nguồn NLTT đạt tương ứng 5,242 tỷ kWh và 10,994 tỷ kWh đã góp phần giảm đáng kể điện chạy dầu giá cao. Nếu so sánh số liệu nguồn điện dầu thực tế được huy động với dự báo của EVN thì điện chạy dầu đã giảm 2,17 tỷ kWh năm 2019 và giảm 4,2 tỷ kWh năm 2020 (tiết kiệm khoảng 10.850 tỷ VNĐ – 21.000 tỷ VNĐ).
“Các nguồn NLTT đã hỗ trợ tích cực cung cấp nguồn điện cho miền Bắc khi miền Bắc thiếu nguồn, phụ tải tăng cao (như thời gian tháng 5-6 năm 2021), góp phần đảm bảo cung ứng điện cho cả giai đoạn 2021-2025. Như vậy, có thể thấy nguồn điện NLTT đã đóng góp đáng kể để đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của người dân, giảm phát thải khí nhà kính và các phát thải ô nhiễm khác như SOx, NOx, bụi, nhiệt” – ông Hoàng Tiến Dũng- Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay.
Xây dựng cơ chế thu hút các NĐT
Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhấn mạnh, hoạt động đầu tư nước ngoài vào các dự án nguồn điện đầu tư theo hình thức BOT trong thời gian qua tăng lên đáng kể, làm giảm áp lực vốn cho Chính phủ trong những dự án kết cấu hạ tầng quan trọng, có vốn lớn, công nghệ phức tạp như các dự án nguồn điện, góp phần quan trọng vào việc cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia, nhất là trong bối cảnh các Tập đoàn nhà nước khó khăn về vốn đầu tư cho các dự án nguồn điện. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là, do còn vướng một số bất cập về cơ chế, chính sách khiến nhiều NĐT “ngại” tham gia đầu tư.
Tại dự thảo Quy hoạch điện VIII cho thấy, nguồn điện NLTT tiếp tục được ưu tiên phát triển với tỉ lệ hợp lý, hài hòa giữa các miền, đảm bảo các tiêu chí kinh tế - kỹ thuật và vận hành, phù hợp với chương trình phát triển hệ thống điện tổng thể giai đoạn tới năm 2030. Cụ thể, NLTT (không tính thủy điện) sẽ tăng từ mức khoảng 17.000 MW hiện nay lên tới 31.600 MW vào năm 2030, chiếm tỉ lệ khoảng 24,3% tổng công suất đặt toàn hệ thống.
Cũng theo Bộ Công Thương, tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện chương trình phát triển điện lực được lựa chọn trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 99,32 tỷ USD. Nếu phát triển theo phương án phụ tải cao, nhu cầu vốn đầu tư hàng năm khoảng 11,58 tỷ USD, trong đó khoảng 10,16 tỷ USD dành cho đầu tư nguồn điện và khoảng 1,42 tỷ USD dành cho đầu tư lưới điện truyền tải.
Để thu hút các thành phần kinh tế có điều kiện tham gia phát triển lĩnh vực năng lượng ngày càng tích cực hơn, hiện, Bộ Công Thương đang tiến hành nghiên cứu, sửa đổi Luật Ðiện lực để có cơ sở thực hiện xã hội hóa hoạt động truyền tải điện, nhằm tháo gỡ nút thắt quan trọng trong hạ tầng năng lượng; Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút vốn đầu tư tư nhân phát triển nguồn điện NLTT giai đoạn tới như: Cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế đấu thầu lựa chọn NÐT. Theo ông Dũng, thực hiện cơ chế này tuy sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng sẽ công bằng, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư, đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa phát triển các dự án điện NLTT và lưới truyền tải.
Cũng theo các chuyên gia năng lượng, để hút hút các NĐT tư nhân cho các dự án điện, theo nhiều chuyên gia, giải pháp chính vẫn là thông qua chính sách giá. Một khi chính sách giá điện phù hợp, các nhà đầu tư trong ngành điện bảo đảm có lãi hợp lý, các dự án điện sẽ đủ sức hấp dẫn, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, khu vực nhà nước cũng như tư nhân.
Theo Báo Công thương