![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các sinh viên |
Sáng 20/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh long trọng tổ chức khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII, với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương.
Tham dự lễ khai mạc còn có ông Nguyễn Kim Sơn – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Văn Được – Chủ tịch UBND TP.HCM, anh Bùi Quang Huy – Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng đại diện các bộ, ban ngành và đông đảo học sinh, sinh viên trên cả nước.
Tại sự kiện, sinh viên Trần Văn Lực – ngành Khoa học máy tính (Đại học Bách khoa Hà Nội) – đã chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của bản thân, thể hiện khát vọng vươn lên và tinh thần đổi mới sáng tạo của thế hệ trẻ. Đồng thời, Ban tổ chức đã trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khởi nghiệp giai đoạn 2017–2025 và thực hiện nghi thức khởi động chính thức Ngày hội.
Đề án 1665 tạo bệ phóng vững chắc cho hệ sinh thái khởi nghiệp trong giáo dục
Ngày 30/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” – gọi tắt là Đề án 1665. Sau 7 năm triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả, đề án đã tạo ra những chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của toàn ngành giáo dục, đồng thời đóng góp quan trọng vào việc hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.
Trong giai đoạn 2020–2024, cả nước ghi nhận 33.808 dự án khởi nghiệp của sinh viên, trung bình mỗi năm có trên 5.600 dự án. Đối với học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, con số này là 8.700 dự án, tương đương khoảng 1.465 dự án mỗi năm.
Đáng chú ý, gần 300 doanh nghiệp khởi nghiệp đã được hình thành và phát triển từ các cơ sở giáo dục đại học thông qua hoạt động ươm tạo. Trong số này, 12 doanh nghiệp đã gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư, với mức gọi vốn cao nhất đạt 1 tỷ đồng/dự án.
Tính đến năm 2024, 100% các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đã xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. 90% học sinh THPT, sinh viên đại học và cao đẳng được trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp. Đặc biệt, tỷ lệ sinh viên tiếp tục khởi nghiệp sau 5 năm ra trường duy trì ở mức 8%, cho thấy tác động dài hạn của đề án.
Hiện có 58% cơ sở giáo dục đại học đã tích hợp nội dung khởi nghiệp vào chương trình đào tạo dưới dạng môn học bắt buộc hoặc tự chọn (tối thiểu 2 tín chỉ). Một số trường cao đẳng sư phạm cũng đã chủ động đưa môn học khởi nghiệp vào chương trình dành cho sinh viên.
75% cơ sở đào tạo đã tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ năng khởi nghiệp, trong khi 100% cơ sở giáo dục đại học triển khai các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp qua diễn đàn, Tuần sinh hoạt công dân đầu khóa và các hoạt động tương tác khác.
Đến nay, 60% cơ sở đào tạo đã thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp chuyên ngành, dựa trên thế mạnh đào tạo của từng trường. Có 110 cơ sở đào tạo bố trí không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên – tăng thêm 20 cơ sở so với năm 2023. Đồng thời, 50 trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp đã được thành lập, tăng 5 đơn vị so với năm trước đó.
Ngoài ra, 10 cơ sở đào tạo đã xây dựng Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên, chủ yếu nhằm hỗ trợ hoạt động ươm tạo và thử nghiệm sản phẩm.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính tìm hiểu sản phẩm của một nhóm học sinh |
Sau 7 năm triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665), phong trào khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên đã có sức lan tỏa rộng khắp và ngày càng đi vào chiều sâu. Các hoạt động khởi nghiệp không chỉ trở thành sân chơi phát triển ý tưởng đổi mới sáng tạo, mà còn là môi trường thực tiễn rèn luyện kỹ năng, tư duy và bản lĩnh khởi nghiệp cho thế hệ trẻ. Tính đến nay, đã có hơn 2.100 cán bộ, giảng viên và gần 10.000 học sinh, sinh viên được tuyên dương, khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong các hoạt động khởi nghiệp tại các cơ sở giáo dục. SV.STARTUP – sân chơi toàn quốc, ươm mầm những ý tưởng khởi nghiệp bền vững Từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên (SV.STARTUP) và Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” – hai hoạt động trọng điểm trong khuôn khổ Đề án 1665. Qua 7 mùa tổ chức, cuộc thi đã thu hút: 2.239 dự án từ các cơ sở giáo dục đại học; 4.598 ý tưởng, dự án từ học sinh, sinh viên trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp; 1.299 dự án từ học sinh THPT và THCS. Đáng chú ý, 80% các dự án tham gia đã có sản phẩm cụ thể, 20% đang ở giai đoạn ý tưởng hoặc sản xuất thử. Chất lượng dự án được đánh giá ngày càng cao, nhiều sản phẩm có tiềm năng thương mại hóa và đã nhận được sự quan tâm, đầu tư từ doanh nghiệp và các nguồn lực Nhà nước. Một số dự án đạt giải đã được triển khai sản xuất thực tế tại các địa phương, cho thấy sức sống và tính ứng dụng cao của các sáng kiến đến từ học đường. Khởi nghiệp học đường – từ trung ương đến địa phương Phong trào khởi nghiệp đã thực sự lan tỏa đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên trên phạm vi cả nước. Đặc biệt: 100% Sở Giáo dục và Đào tạo có học sinh tham gia cuộc thi SV.STARTUP; 50% các đại học, học viện, trường đại học đã tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp cấp trường; Trung bình mỗi trường có từ 10 đến 20 dự án, ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên tham gia các cuộc thi mỗi năm; Một số địa phương chủ động tổ chức các cuộc thi cấp tỉnh, tạo diễn đàn riêng để phát triển ý tưởng khởi nghiệp trong giới trẻ. |
Khơi nguồn đổi mới từ giáo dục nghề nghiệp
Trong khuôn khổ sự kiện, chiều 19/4, hội thảo chuyên đề với chủ đề “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong kỷ nguyên kinh tế số” đã được tổ chức, thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, nhà quản lý và đại diện doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thị Hằng – Phó Cục trưởng Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên (Bộ GD&ĐT) – nhấn mạnh rằng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giáo dục nghề nghiệp không thể chỉ dừng lại ở đào tạo kỹ năng nghề. Thay vào đó, cần trở thành môi trường thúc đẩy tư duy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, giúp người học chủ động thích ứng với thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng.
“Chuyển đổi số và khởi nghiệp sáng tạo không còn là xu hướng tương lai, mà là việc phải làm ngay hôm nay”, bà Hằng khẳng định. Đồng thời, bà kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp và toàn xã hội để xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp hiệu quả.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích hợp các nội dung về chuyển đổi số và khởi nghiệp vào chương trình đào tạo nghề. Theo bà, chuyển đổi số không chỉ làm thay đổi phương pháp dạy và học, mà còn đặt ra yêu cầu phải đổi mới tư duy cho cả người học lẫn nhà quản lý.
“Giáo dục nghề nghiệp cần vượt qua giới hạn hiện tại, tiếp cận các mô hình tiên tiến trên thế giới để thực sự góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội bền vững”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII không chỉ là sân chơi truyền cảm hứng khởi nghiệp, mà còn là diễn đàn quan trọng để kết nối các nguồn lực hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp – nơi đang giữ vai trò then chốt trong việc đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao, thích ứng với nền kinh tế số và hội nhập toàn cầu.