Tuy nhiên, theo đà phát triển vận tải hàng không những năm gần đây thì công tác quy hoạch mở rộng, nâng cấp sân bay này lại đặt ra những yêu cầu mới.
Sân bay Cam Ranh do quân đội Hoa Kỳ xây dựng và được sử dụng làm căn cứ Không quân Hoa Kỳ trong thời gian chiến tranh. Năm 1973, sau Hiệp Định Paris, Hoa Kỳ trao căn cứ này lại cho Không lực Việt Nam Cộng hòa. Sau 1975, sân bay Cam Ranh tiếp tục được sử dụng vào mục đích quân sự. Ngày 19/5/2004, sân bay Cam Ranh đón chuyến bay dân sự đầu tiên từ Hà Nội vào thay cho sân bay Nha Trang nằm trong nội thành, bị hạn chế về diện tích và vì lý do an toàn.
Ngày 16/8/2007, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định nâng cấp sân bay Cam Ranh trở thành cảng HKQT. Tháng 12/2009, đưa vào sử dụng nhà ga hàng không mới, hiện đại, quy mô lớn bậc nhất miền Trung, sân bay Cam Ranh chính thức trở thành cảng HKQT thứ ba của khu vực này, đồng thời phê duyệt quy hoạch sân bay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 là phải đáp ứng khả năng tiếp nhận các loại máy bay thân rộng như: A320, A321, B767-300, B777, B747… Theo quy hoạch đến năm 2030, tùy theo nhu cầu thực tế sẽ mở rộng hoặc xây dựng thêm đường băng và nhà ga đạt 3.800 hành khách/giờ cao điểm; mở rộng khu nhà ga hàng hóa đạt công suất 20.000 tấn/năm. Vào các thời điểm: Năm 2012, sân bay đạt lượng khách 1 triệu lượt khách; năm 2016 đạt 4,8 triệu lượt khách; năm 2018 đạt 8,5 triệu lượt khách. Đó là những con số tăng trưởng ấn tượng và điều kỳ diệu là một trong 4 sân bay tại Việt Nam có lượng khách quốc tế hàng năm tăng cao hơn khách nội địa. Năm 2018 khách quốc tế chiếm đến 70% tổng lượng khách thông qua sân bay này. Ngày 10/10/2019, đường băng số 2 sân bay quốc tế Cam Ranh chính thức đưa vào hoạt động. Năm đó (2019) lượng khách đạt 10 triệu lượt người; lượng hàng hóa theo đó cũng tăng mạnh lên 20.600 tân/năm 2019. Từ đó đặt ra vấn đề phải xem xét nâng cấp toàn diện sân bay Cam Ranh đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Ngày 23/2/2018 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 236/QĐ-CP xác định cảng HKQT Cam Ranh đến năm 2030 định hướng đến năm 2050 với diện tích là 760 ha. Đơn vị tư vấn Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không Việt Nam, đề xuất xây dựng thêm ở sân bay quốc tế Cam Ranh 1 nhà ga để đến năm 2030 nâng tổng công suất lên 25 triệu hành khách/năm; mở rộng sân đỗ nhằm bảo đảm nhu cầu khai thác và làm vị trí đỗ tàu bay qua đêm cho các hãng hàng không; xây dựng khu hàng không dân dụng, sân đỗ ô tô, các công trình phụ trợ đồng bộ với nhà ga hành khách. Giai đoạn 2030 - 2050, xây dựng thêm 1 nhà ga và mở rộng nhà ga hiện hữu để nâng tổng công suất lên 45 triệu hành khách/năm.
Đơn vị tư vấn phân tích, sân bay Cam Ranh có công suất khai thác xếp thứ 4 tại Việt Nam. Hiện nay, việc kết nối cảng về trung tâm Nha Trang là đại lộ Nguyễn Tất Thành và Quốc lộ 1. Quy mô hiện tại đại lộ Nguyễn Tất Thành có 4 làn xe, tuy nhiên theo quy hoạch tương lai được nâng cấp, mở rộng với quy mô 8 làn xe, lộ giới đại lộ Nguyễn Tất Thành quy hoạch là 90 m. Đơn vị tư vấn đề xuất phương án nghiên cứu hướng tuyến đường sắt kết nối TP. Nha Trang với cảng HKQT Cam Ranh.
Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở Giao thông vận tải đề nghị: Trong dự thảo quy hoạch, đơn vị tư vấn cần nghiên cứu đánh giá, bổ sung thêm các nội dung quy hoạch, đầu tư phát triển, hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối với cảng như: Quy hoạch đầu tư hoàn thiện, đồng bộ mạng lưới đường bộ cao tốc (bao gồm tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang và Nha Trang - Đà Lạt); đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa; đầu tư các tuyến đường ven biển; quy hoạch, đầu tư tuyến đường sắt đô thị kết nối TP. Nha Trang với sân bay Cam Ranh; nâng cấp, mở rộng thêm các làn xe của tuyến đại lộ Nguyễn Tất Thành; quy hoạch, đầu tư mới tuyến đường qua đèo Cù Hin; đầu tư phát triển hệ thống cảng biển… để đảm bảo phát triển đồng bộ.
Ông Nguyễn Văn Dần, cho rằng: Trong dự thảo quy hoạch thể hiện hiện trạng cảng HKQT Cam Ranh có diện tích 715,05 ha. Như vậy, đơn vị tư vấn cần rà soát lại diện tích quy hoạch sử dụng đất của cảng để đáp ứng nhu cầu phát triển, bổ sung phân tích, đánh giá sự chênh lệch giảm và phương án sử dụng đối với phần diện tích giảm này. Ngoài ra, đề nghị bổ sung các tọa độ ranh giới quy hoạch sử dụng đất định hướng đến năm 2050 để có cơ sở xem xét, theo dõi, quản lý quy hoạch. Đồng thời, cần xem xét đánh giá, phân định rõ quy chế hoạt động bay dân dụng và quân sự trong cảng để đảm bảo cơ chế thông thoáng, thuận lợi thúc đẩy sự phát triển của cảng trong thời gian tới. Trong quá trình triển khai lập Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở Giao thông vận tải sẽ rà soát, cập nhật các nội dung trên để đảm bảo đồng bộ, thống nhất.
Về nguồn lực đầu tư, Sở Giao thông vận tải đề xuất đơn vị tư vấn lập quy hoạch xem xét bổ sung, nghiên cứu các điều kiện, nguồn lực (nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác) để tập trung ưu tiên đầu tư phát triển cảng HKQT Cam Ranh. Đồng thời, ưu tiên đầu tư bằng nguồn vốn Trung ương phát triển tổ chức giao thông đô thị kết nối với cảng như: Đầu tư tuyến đường sắt đô thị kết nối TP. Nha Trang với sân bay Cam Ranh; nâng cấp, mở rộng thêm các làn xe của tuyến đường Nguyễn Tất Thành; đầu tư mới tuyến đường qua đèo Cù Hin để tăng khả năng kết nối đường Nguyễn Tất Thành với sân bay Cam Ranh…
Nếu định hướng rõ ràng và quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, tin tưởng cảng hàng không quốc tế Cam Ranh sẽ có bước phát triển ngày một vượt bậc và vững chắc từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trở thành một trung tâm HKQT tầm cở cả nước và khu vực.
Nguyễn Xuân