![]() |
Hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận bàn chuyện sáp nhập. Ảnh Phùng Quang |
Hội nghị có sự tham dự và đồng chủ trì của ông Nghiêm Xuân Thành – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa và ông Nguyễn Đức Thanh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận, cùng nhiều lãnh đạo chủ chốt của hai địa phương.
Sau sáp nhập, tỉnh Khánh Hòa mới sẽ bao phủ diện tích hơn 8.555 km², với 64 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 48 xã, 15 phường và 1 đặc khu. Trung tâm hành chính sẽ được đặt tại TP. Nha Trang. Với quy mô dân số vượt ngưỡng 2,2 triệu người. Đây được xem là một thị trường tiêu thụ lớn có một lực lượng lao động dồi dào, đồng thời là "đòn bẩy" mạnh mẽ cho phát triển vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Bộ máy hành chính mới dự kiến được tổ chức lại thiết kế theo hướng tinh gọn, hiệu quả: 13 sở chuyên môn, 1 ban quản lý Khu kinh tế - Khu công nghiệp hợp nhất, 8 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh. Trong đó, đáng chú ý là việc thành lập một Ban Quản lý Khu kinh tế và Khu công nghiệp thống nhất, dựa trên việc hợp nhất Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa) và các khu công nghiệp của Ninh Thuận. Ngoài ra, hệ thống các trường đại học, cao đẳng, vườn quốc gia và trung tâm xúc tiến đầu tư cũng sẽ được tổ chức lại. Đây là động thái nhằm tối ưu nguồn lực, giảm chi phí hành chính, đồng thời thúc đẩy sự phối hợp linh hoạt trong quản lý nhà nước.
Số lượng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Khánh Hòa sau sắp xếp không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức (số có mặt) của 2 tỉnh trước sắp xếp và thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ theo lộ trình, bảo đảm trong 5 năm cơ bản số biên chế thực hiện theo đúng quy định. Việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý của tỉnh Khánh Hòa sau sắp xếp thực hiện theo kết luận của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.
Đảm bảo an cư để cán bộ an tâm công tác, tư duy nhân văn trong cải cách
Một trong những điểm nhấn của kế hoạch sáp nhập là chính sách hậu cần đặc biệt nhân văn dành cho đội ngũ cán bộ, công chức từ Ninh Thuận về công tác tại Khánh Hòa.
![]() | |
|
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết.“Tinh thần chung là tạo điều kiện tối đa cho cán bộ, công chức, viên chức về điều kiện ăn ở, đi lại nhưng cũng bảo đảm cân đối thu chi ngân sách, đúng quy định pháp luật”
Ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa cho biết: Một số dự án xây dựng, sửa chữa trụ sở làm việc trên địa bàn tỉnh đang được khẩn trương thi công hoặc chuẩn bị hoàn thành. Tỉnh đã lên phương án bố trí một số trụ sở dôi dư; bố trí nhà ở công vụ cho lãnh đạo tỉ.nh, lãnh đạo sở và cán bộ, công chức, viên chức đủ điều kiện. Các cán bộ, công chức, viên chức không đủ điều kiện ở nhà ở công vụ cũng được đề xuất cho thuê nhà ở xã hội.
Phương tiện đi lại cũng được đề xuất hỗ trợ với nhiều hình thức: Xe công vụ cơ quan tự sắp xếp hoặc tự thuê để đưa đón; xe cá nhân, xe bus, bus điện đón trả hàng tuần theo lộ trình hoặc tàu hỏa (hỗ trợ chi phí di chuyển).Khánh Hòa mới - Khát vọng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
![]() |
Ông Nghiêm Xuân Thành - Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa phát biểu. Ảnh Phùng Quang |
Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa – ông Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh: “Việc sáp nhập không chỉ là cơ cấu lại bộ máy. Đó là khởi đầu cho một sứ mệnh lớn hơn: Năm 2030 đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, một cực tăng trưởng của cả nước về du lịch biển, công nghiệp công nghệ cao và năng lượng sạch.”
Trong bản dự thảo Báo cáo chính trị cho nhiệm kỳ 2025–2030, Tỉnh ủy hai địa phương xác định ba đột phá chiến lược gồm: Phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Đẩy mạnh du lịch biển chất lượng cao; Xây dựng trung tâm năng lượng sạch quy mô vùng.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ “rà soát và xử lý dứt điểm các dự án treo, kém hiệu quả, gây lãng phí ngân sách” được đưa vào nhóm trọng tâm điều hành – cho thấy một quyết tâm cải cách tận gốc.
Theo kế hoạch, sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua, Đề án sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hòa sẽ được trình HĐND tỉnh Ninh Thuận và HĐND tỉnh Khánh Hòa thông qua và tổ chức lấy ý kiến cử tri. Dự thảo các văn kiện của cấp ủy tỉnh (sau sáp nhập) sẽ được trình Ban Chỉ đạo, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Hồ sơ đề án hoàn chỉnh sẽ trình Chính phủ (qua Bộ Nội vụ thẩm định) xem xét, trình Quốc hội trước ngày 1-5. Sau khi được Quốc hội thông qua, UBND 2 tỉnh sẽ triển khai các nội dung liên quan. Dự kiến, ngày 30-6, UBND cấp huyện, cấp xã hiện tại chính thức chấm dứt hoạt động.
Theo kế hoạch, sau khi đề án được HĐND hai tỉnh thông qua và lấy ý kiến cử tri, hồ sơ sẽ được trình Bộ Nội vụ và Quốc hội trước ngày 1/5/2025. Dự kiến, bộ máy hành chính cấp huyện và xã hiện tại sẽ chấm dứt hoạt động vào ngày 30/6/2025. Trung tâm hành chính mới tại xã Vĩnh Thái (TP. Nha Trang) sẽ đi vào vận hành từ năm 2027.
Các trụ sở làm việc, trụ sở Tỉnh ủy, UBND mới đang được xây dựng, sửa chữa đồng bộ để đảm bảo tính liên tục của hoạt động quản lý – điều hành. Đây được xem là “cuộc đại tu” mạnh mẽ về thể chế và hạ tầng hành chính.
Khánh Hòa - Ninh Thuận không chỉ đang hợp nhất địa giới, mà còn hợp nhất khát vọng, trí tuệ và tinh thần cải cách. Từ một quyết định hành chính, nay đang từng bước chuyển mình thành một chiến lược phát triển vùng kiểu mẫu – nơi con người là trung tâm, cải cách là công cụ và tương lai là đích đến.