Huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ nhìn lại 5 năm thành quả từ xây dựng Nông thôn mới

17:47 10/04/2021

Để xây dựng nông thôn mới với nhiều cách làm hay, sáng tạo, huyện Thanh Ba (Phú Thọ) đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đến nay, toàn huyện đã có 15 xã, 60 khu dân cư được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về nông thôn mới (NTM).

Một tuyến đường giao thông nông thôn ở huyện Thanh Ba (Phú Thọ) dó phụ nữ tự quản.
Một tuyến đường giao thông nông thôn ở huyện Thanh Ba (Phú Thọ) dó phụ nữ tự quản..

Từ những kết quả đạt được trong thời gian qua cho thấy, xây dựng NTM đã trở thành hiện thực, hệ thống hạ tầng nông thôn đã phát triển rõ rệt.Việc phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội được coi là khâu đột phá, trên địa bàn huyện có 14 tuyến đường huyện, 93 tuyến đường trục xã và các đoạn đường xóm, khu với tổng chiều dài trên 600km được đầu tư làm mới. Nhiều cơ sở đã huy động sự tham gia tích cực của người dân, từ chỗ người dân còn trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước đã từng bước chuyển sang chủ động, tích cực tham gia hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc, đóng góp tiền, ngày công lao động nâng cấp xây dựng công trình giao thông nông thôn, công trình công cộng khác trên địa bàn. Nhờ vậy, hệ thống giao thông đã có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Trên địa bàn 15/18 xã đạt chuẩn về tiêu chí giao thông.

Song song với đó, huyện Thanh Ba cũng đầu tư xây dựng trên 400km đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa quanh năm; nâng cấp sửa chữa 72 công trình, hệ thống thủy lợi với diện tích tưới, tiêu chủ động được trên 90%. Các công trình thủy lợi đã cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Huyện có 100% số xã đã có điện lưới quốc gia. Mạng lưới điện nông thôn phát triển nhanh, tạo động lực cho phát triển sản xuất, nâng cao đời sống ở nông thôn. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho giáo dục được đẩy mạnh triển khai thực hiện. Thanh Ba đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất xây dựng trường học, 59/59 trường đạt chuẩn quốc gia. Về cơ sở vật chất văn hóa, 16/18 xã hoàn thành các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao; đài truyền thanh từ huyện đến cơ sở được nâng cấp theo tiêu chí NTM. 

Hiệu quả kinh tế từ các đồi chè mang lại qua chương trình xây dựng Nông thôn mới của huyện Thanh Ba (Phú Thọ)
Hiệu quả kinh tế từ các đồi chè mang lại qua chương trình xây dựng Nông thôn mới của huyện Thanh Ba (Phú Thọ).

Số tiêu chí bình quân toàn huyện đạt được là 18,16 tiêu chí/xã, tăng 6,28 tiêu chí so với năm 2015. Theo đó, 18/18 xã hoàn thành quy hoạch NTM;15 - 18 xã đạt tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội;15 - 18 xã đạt tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất;16-18 xã đạt tiêu chí văn hóa - xã hội - môi trường;18/18 xã đạt tiêu chí hệ thống chính trị; không có xã đạt dưới 10 tiêu chí. Tổng nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong 5 năm trên địa bàn huyện đạt trên 1.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương trên 162 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách địa phương, vốn lồng ghép, vốn các doanh nghiệp, vốn tín dụng và nguồn huy động từ cộng đồng dân cư.

Bên cạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng, Thanh Ba đã tập trung phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đây được coi là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng NTM. Đến nay, hầu hết các xã trên địa bàn huyện đều quan tâm đến việc phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa dựa vào lợi thế. Thông qua hỗ trợ từ các chương trình, dự án, huyện đã lồng ghép chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi liên kết bền vững, nòng cốt là các HTX nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề. Trong đó, chú trọng đầu tư tại vùng nông thôn như: Mô hình bưởi tại xã Đông Thành; mô hình trồng rau theo công nghệ ISAREN tại Thanh Hà…

Việc tăng cường hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp, mô hình cánh đồng mẫu lớn được quan tâm chỉ đạo, đến nay, toàn huyện có 32 hợp tác xã và nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã bước đầu phát huy hiệu quả. Hằng năm, UBND huyện tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án về đào tạo nghề cho lao động nông thôn để người lao động có điều kiện tham gia các công việc, có việc làm, tạo thu nhập. Bên cạnh đó, các đơn vị có liên quan tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn cho nông dân về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản. Nhờ chính sách hỗ trợ tích cực trong xây dựng NTM đến tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên chiếm trên 90%; tỷ lệ lao động qua đào tạo và được truyền nghề đạt gần 30%;tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 6,52%.

Phát huy kết quả đạt được, huyện Thanh Ba đã đặt mục tiêu đến hết năm 2021,100% xã đạt chuẩn NTM; huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM vào năm 2023; phấn đấu xây dựng 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã NTM kiểu mẫu, 37 khu đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

PV