![]() |
Hướng tới mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp mới vào năm 2030 |
Hiện nay, DNNVV chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp, đóng góp hơn 50% GDP, 30% tổng thu ngân sách nhà nước và tạo ra hơn 40 triệu việc làm, tương đương 82% lực lượng lao động.
Dù vậy, nhóm doanh nghiệp này vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và tối ưu hiệu quả hoạt động. Nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp mới, đồng thời triển khai hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh.
Gỡ rào cản, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển
Chính phủ xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính để doanh nghiệp có thể phát triển thuận lợi hơn. Theo đó, trong năm 2025, các bộ, ngành sẽ thực hiện:
Cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính
Giảm tối thiểu 30% chi phí tuân thủ quy định
Bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết
Chuyển đổi từ quản lý "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", kết hợp tăng cường giám sát
Ngoài ra, Chính phủ cũng tập trung quy hoạch và phát triển hạ tầng, mở rộng các hành lang kinh tế, vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ, gắn liền với những trung tâm mới như sân bay Long Thành và trung tâm tài chính quốc tế. Bên cạnh đó, việc phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn như bán dẫn, chip cũng được đẩy mạnh để tạo động lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đi cùng với các cải cách này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần đồng hành với doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn với tinh thần: “Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm” và “Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự”.
Tạo điều kiện về tài chính và nâng cao chất lượng nhân lực
Về nguồn vốn, Chính phủ giao Bộ Tài chính đẩy mạnh hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn với chi phí hợp lý. Đồng thời, quy trình hỗ trợ ưu đãi thuế và hoàn thuế giá trị gia tăng cũng sẽ được đơn giản hóa, áp dụng phương thức hậu kiểm để không ảnh hưởng đến dòng tiền và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh dòng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu và đầu tư, hạn chế rủi ro trong các lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ cao, nhằm đảm bảo tín dụng phát triển bền vững và hiệu quả.
Song song với các chính sách tài chính, Chính phủ cũng sẽ đẩy mạnh chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho DNNVV. Các chương trình đào tạo sẽ tập trung vào nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của người lao động, đào tạo chuyên sâu về quản trị doanh nghiệp, và xây dựng các khóa học trực tuyến phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.