Hồng Kông cho phép giao dịch bán lẻ tiền số bắt đầu từ ngày 1/6

22:34 26/05/2023

Quy định mới sẽ cho phép các sàn giao dịch tiền số có giấy phép hoạt động bán cho nhà đầu tư những loại tiền số có vốn hóa thị trường lớn như Bitcoin hay Ethereum.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trong bối cảnh Hồng Kông (Trung Quốc) đang nỗ lực trở thành trung tâm Web3 toàn cầu, Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng tương lai Hồng Kông (SFC) đã công bố quy định mới cho phép giao dịch bán lẻ tiền số bắt đầu từ ngày 1/6.

Trong khi ngành công nghiệp tiền điện tử hiện đang chịu sự giám sát theo quy định của chính quyền Hoa Kỳ, một số khu vực, chẳng hạn như Hồng Kông, đã thể hiện sự quan tâm liên tục đến tiềm năng tiềm ẩn của tiền điện tử. Hồng Kông đang hướng tới một cơ chế quản lý thân thiện hơn đối với tiền điện tử với kế hoạch hợp pháp hóa giao dịch bán lẻ.

Theo SCMP, quy định mới sẽ cho phép các sàn giao dịch tiền số có giấy phép hoạt động bán cho những nhà đầu tư các loại tiền số có vốn hóa thị trường lớn như Bitcoin hay Ethereum.

Từ tháng 6 năm nay, việc quảng cáo cho các sàn giao dịch tiền số không có giấy phép hoạt động là vi phạm hình sự. Người sử dụng các phương tiện lừa đảo để lôi kéo người khác mua tài sản ảo cũng sẽ vi phạm pháp luật, SFC bổ sung.

Theo Bloomberg, SFC nhấn mạnh các sàn giao dịch được cấp phép nên tuân thủ một loạt biện pháp bảo vệ nhà đầu tư, bao gồm việc giới thiệu, quản trị, thẩm định token, trước khi cung cấp dịch vụ cho các nhà đầu tư.

Động thái mới nhất của của Hồng Kông nhằm hợp pháp hóa thương mại tiền điện tử bán lẻ cho thấy một thông điệp mạnh mẽ rằng Hồng Kông đang thực hiện một cách tiếp cận khác trong việc điều tiết thị trường vốn của mình, nhằm hướng tới trở thành một trung tâm tiền điện tử.

Với giao thức nới lỏng mới nhất, các quy tắc về tiền điện tử của Hong Kong sẽ cởi mở tương đương với thị trường Singapore. Tuy nhiên, để hạn chế những kẻ xấu lợi dựng các kẽ hở trong lĩnh vực này, các quan chức Hồng Kông cũng đã cam kết sẽ có đủ biện pháp bảo vệ để tránh những cuộc khủng hoảng mà ngành tiền số đã chứng kiến vào năm ngoái, như sự sụp đổ của sàn FTX.

Eddie Yue Wai-man, Giám đốc điều hành của Cơ quan tiền tệ Hồng Kông (HKMA), đã phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Bloomberg Wealth Asia rằng, các quy định được đưa ra sẽ khắt khe hơn. Hồng Kông sẽ để ngành công nghiệp phát triển nhằm tạo ra hệ sinh thái, nhưng không có nghĩa các quy định sẽ lỏng lẻo, Yue bổ sung.

SFC thông báo các sàn giao dịch được cấp phép ở Hồng Kông sẽ phải đáp ứng các yêu cầu bao gồm việc lưu giữ tài sản an toàn, tách biệt tài sản của khách hàng, tránh xung đột lợi ích và các tiêu chuẩn an ninh mạng.

Các sàn giao dịch dự kiến sẽ tiến hành đánh giá toàn diện về sự hiểu biết của nhà đầu tư về bản chất và rủi ro của tài sản số và khả năng chịu rủi ro, đồng thời thiết lập các giới hạn tiếp xúc. Các nền tảng được cấp phép cũng nên thành lập một ủy ban đánh giá và tiếp nhận để  quản lý các token mà họ cung cấp.

Trong một động thái khác, nhiều quốc gia hiện nay đã bày tỏ mong muốn trở thành trung tâm tiền số và đang đưa ra các quy định để quản lý hoạt động này.

Đầu năm nay, Anh đã đặt ra một lộ trình điều chỉnh ngành công nghiệp tiền điện tử phù hợp với các ngành tài chính truyền thống. Liên minh châu Âu năm ngoái đưa ra quy định yêu cầu phải có nguồn dự phòng lớn trong trường hợp rút tiền quy mô lớn. Dubai thì đang triển khai các cơ chế nhằm trở thành khu vực thân thiện với tiền số.

Tuỳ nhiên ở một số quốc gia khác, đặc biệt là Hoa Kỳ, đã có lập trường cứng rắn đối với tiền điện tử - đặc biệt sau sự sụp đổ của sàn giao dịch lớn FTX và vụ bắt giữ người sáng lập Sam Bankman-Fried.

Thu Hằng (t/h)