Hội thảo có sự tham gia trình bày của các đại biểu: Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản Tống Văn Thanh; Trưởng Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam Đỗ Thị Thu Hằng; Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông Phan Văn Kiền cùng các cơ quan Bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, các chuyên gia, các nhà báo, luật sư, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực báo chí và luật học về Luật Báo chí 2016.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ chuỗi hội thảo khoa học thường niên “ Diễn đàn báo chí tháng sáu” do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Tạp chí Thông tin và Truyền thông sáng kiến tổ chức. Đồng thời cũng là Hội nghị Tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016 là một trong những chương trình công tác năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông được Chính phủ giao gắn với nhiệm vụ lập đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016. Qua hội thảo khoa học để đánh giá hoạt động báo chí trong thời gian vừa qua một cách tổng thể và khoa học. Luật Báo chí 2016 có hiệu lực từ ngày 1-1-2017. Sau 6 năm thực hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận được nhiều đánh giá tích cực của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan báo chí. Luật Báo chí 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí phát triển vượt bậc, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân được bảo đảm, phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, vẫn còn nhiều bất cập do Luật Báo chí 2016 chưa theo kịp sự đổi mới của khoa học và công nghệ thông tin của kỷ nguyên số. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Báo cáo số 57/BC-BTTTT ngày 30-3-2022 báo cáo Chính phủ kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Báo chí 2016 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đánh giá các nội dung có quy định bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn của Luật Báo chí cần sủa đổi bổ sung. Theo Tiến Sĩ Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Luật Báo chí là hành lang pháp lý quan trọng nhất để báo chí hoạt động trong bối cảnh xã hội và bản thân báo chí đang có nhiều thay đổi, chuyển mình không ngừng và đa chiều như hiện nay. Tuy nhiên, trong luật hiện hành vẫn còn những nội dung cần được làm rõ để phù hợp với hình hình phát triển nhanh, hiện đại của báo chí hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết: Thực hiện chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được đánh giá tầm quan trọng của nhiệm vụ này, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, rà soát, đề xuất và kiến nghị những vấn đề, nội dung cần sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, việc sửa đổi Luật Báo chí 2016 sẽ được thực hiện đúng nguyên tắc, đạt được sự đồng thuận chung trên tinh thần phân định rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm để các cơ quan báo chí hoạt động hiệu quả, sáng tạo nhưng phải đúng tôn chỉ mục đích, tôn trọng pháp luật.
Còn theo Nhà báo Trần Anh Tú - Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Thông tin và Truyền thông nhận định: “Để việc sửa đổi, hoàn thiện Luật Báo chí năm 2016 theo kịp tốc độ phát triển của báo chí hiện đại cần thiết phải có sự tham gia đồng hành tích cực trên cả phương diện lý luận và thực tiễn của đông đảo chuyên gia nghiên cứu, các chuyên gia xây dựng chính sách, các nhà quản lý và đội ngũ những người làm báo, làm luật trên toàn quốc”.
Nguyễn Tuấn