Tham dự Hội nghị có ông Tô Ngọc Sơn- Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Á- Châu Phi- Bộ Công Thương; ông Huỳnh Ngọc Dương – Phó Giám đốc Sở Công Thương; ông Lê Thanh Hòa- Phó Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản kiêm Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam; Tham tán thương mại; các hộ sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu trái sầu riêng, chanh leo của các tỉnh Tây Nguyên và khu vực phía Nam, Thương vụ/Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh/Nam Ninh- Trung Quốc.
Tại Hội nghị, các chuyên gia sẽ chia sẻ thông tin về thị trường Trung Quốc và những vấn đề cần lưu ý khi xuất khẩu trái cây tươi, trái cây chế biến của Việt Nam. Những cơ hội và thách thức đối với nông sản xuất khẩu của Việt Nam; quy định kỹ thuật và các bước để doanh nghiệp có thể xuất khẩu sầu riêng, chanh leo vào thị trường Trung Quốc.
Đồng thời là các thông tin về nhu cầu của thị trường Trung Quốc và kinh nghiệm, giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng sầu riêng và chanh leo; hỏi đáp và giao thương doanh nghiệp hai bên.
Theo Bộ Công Thương, 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 30 tỷ USD, tăng 5,09% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 13,81% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.
Thách thức đối với nông sản xuất khẩu của Việt Nam đối với thị trường Trung Quốc là xu thế kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm từ cơ sở sản xuất, nuôi trồng; áp dụng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Hiện nay thị trường Trung Quốc thay đổi hệ thống quản lý và giám sát an toàn thực phẩm; giám sát ATTP theo hệ thống Lệnh 248-249 ; chính sách Zero Covid-19 tại cơ sở sản xuất và trên bao bì phương tiện vận tải thực phẩm đông lạnh.
Các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp HTX cần nâng cao nhận thức trong việc nắm bắt các quy định về kỹ thuật và yêu cầu SPS của thị trường; thay đổi tiếp cận an toàn thực phẩm giám sát mọi công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất; thiết lập cơ chế hợp tác giữa cơ quan quản lý – doanh nghiệp - người sản xuất nhằm đảm bảo an toàn chuỗi cung ứng sản phẩm. Lập kế hoạch sản xuất và chế biến xuất khẩu, xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm; đào tạo cán bộ kỹ năng quản lý và giám sát thực hành nông nghiệp tốt; đầu tư sản xuất sản phẩm có chất lượng cao- sản phẩm đặc sản, chỉ dẫn địa lý, sản phẩm hữu cơ.
SPS (Sanitary and Phytosanitary Measures - Biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động -thực vật), theo WTO, bao gồm tất cả luật, nghị định, quy định, điều kiện, yêu cầu bắt buộc có tác động đến thương mại quốc tế nhằm bảo vệ cuộc sống, sức khỏe con người, vật nuôi, động vật hay thực vật thông qua việc bảo đảm an toàn thực phẩm, ngăn chặn sự xâm nhập của các dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật hay thực vật. Biện pháp SPS có thể là các yêu cầu về chất lượng, quy trình đóng gói, bao bì, kiểm dịch, cách lấy mẫu, phương pháp thống kê, phương thức vận chuyển động vật hay thực vật... Nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý cho vấn đề này, WTO cũng đã ban hành Hiệp định SPS.
Lâm Nghi