Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá với giá để đồ bằng thép nhập khẩu

20:20 30/04/2023

Theo thông tin của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương, mới đây (ngày 25/4/2023), DOC đã nhận đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá với sản phẩm giá để đồ bằng thép không dùng bu-lông được đóng gói sẵn (mã HS: 9403.20.0075) nhập khẩu từ Việt Nam

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ngoài Việt Nam, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã nhận đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá với sản phẩm giá để đồ bằng thép không dùng bu-lông được đóng gói sẵn từ Ấn Độ, Maalaysia, Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc).

Theo dữ liệu sơ bộ từ Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC), trong năm 2022, Việt Nam xuất khẩu khoảng 32,7 triệu USD sản phẩm bị đề nghị điều tra sang Hoa Kỳ, chiếm khoảng 15,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của các nước vào Hoa Kỳ, đứng thứ 4 trong số các nước xuất khẩu nói trên sang Hoa Kỳ sau Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Thái Lan.

Theo quy định điều tra của Hoa Kỳ, DOC sẽ có thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận đơn đề nghị để xem xét việc khởi xướng điều tra vụ việc.

Đối mặt với cáo buộc nêu trên, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến giá để đồ bằng thép theo dõi chặt chẽ diễn biến tiếp theo của vụ việc, chủ động nghiên cứu, nắm vững quy định, trình tự, thủ tục điều tra chống bán phá giá của Hoa Kỳ.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra và cơ quan phòng vệ thương mại trong suốt quá trình của vụ việc để nhận được sự hỗ trợ kịp thời, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam.

Luật sư Ngô Quang Thụy, đại diện cho nhiều công ty của Việt Nam trong các vụ kiện phòng vệ thương mại tại Mỹ, cho rằng trong quá trình thâm nhập thị trường Mỹ, các DN cần tìm hiểu kỹ và có mối quan hệ tốt với đối tác, nhà nhập khẩu để sớm có thông tin. Bởi nếu bị kiện và áp dụng mức thuế cao sẽ thiệt hại rất lớn không chỉ cho DN xuất khẩu và cả ngành hàng bị kiện.

“Trong trường hợp nếu bị kiện, việc đầu tiên cần phải hợp tác chặt chẽ với chính phủ Mỹ. Đồng thời liên kết, phối hợp với hiệp hội, DN trong ngành và cả cơ quan quản lý là Bộ Công Thương để tìm giải pháp nhằm vượt rào cản, giảm thiểu thiệt hại” – luật sư Thụy chia sẻ.

Lâm Nghi