Hòa Bình: Còn nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và nhà đầu tư

08:38 19/06/2023

Theo Sở KH&ĐT Hòa Bình, đến nay trên địa bàn tỉnh có trên 4.300 doanh nghiệp (DN), số DN đang hoạt động chiếm khoảng 76,7%. Các DN giải quyết việc làm cho khoảng 82 nghìn lao động, thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Huyên Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình tăng cường công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dự án đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai (Hà Nội).
Huyên Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình tăng cường công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dự án đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai (Hà Nội).

Doanh thu của DN đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và ổn định KT-XH của tỉnh, hàng năm đóng góp ngân sách Nhà nước (NSNN) trên 2.300 tỷ đồng, chiếm 47% tổng thu NSNN toàn tỉnh. Với 33,3% DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh (SX-KD), tạm ngừng hoạt động, bỏ địa chỉ, chờ giải thể, nhiều công trình, dự án chậm tiến độ, theo Hiệp hội Doanh nghiệp (HHDN) tỉnh Hòa Bình, nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó do còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.

Ông Nguyễn Cao Sơn, Chủ tịch HHDN tỉnh Hòa Bình cho biết: Chúng tôi đã tiếp nhận nhiều ý kiến phản ánh, kiến nghị của các DN về những khó khăn, vướng mắc trong SX-KD và triển khai thực hiện dự án. Cụ thể, về tiếp cận nguồn vốn, từ đầu năm 2023, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thực hiện 3 lần giảm lãi suất. Tuy nhiên, với tình hình SX-KD khó khăn như hiện nay, lãi suất cho vay bình quân vẫn ở mức cao, thậm chí trong thời điểm này có ngân hàng thương mại còn tăng lãi suất cho vay; thủ tục, áp dụng điều kiện vay vốn quá cao khiến DN tiếp cận nguồn vốn rất khó khăn. Từ thực tế đó, đề nghị các cấp có thẩm quyền tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cho vay; giám sát chặt chẽ việc thực hiện tăng, giảm lãi suất; với độ trễ áp dụng chính sách kéo dài như hiện nay, khi DN được hưởng chính sách này thì đã ngừng hoạt động hoặc phá sản.

Bên cạnh đó, hiện nay, việc triển khai các dự án đầu tư công gặp rất nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư, chuyển đổi đất rừng… Riêng vật liệu đất đắp phục vụ san lấp mặt bằng thủ tục cấp phép khai thác mỏ còn nhiều bất cập. Ngoài ra, giá vật liệu xây dựng trên thị trường tăng cao so với giá công bố của cơ quan có thẩm quyền, đây là nguyên nhân dẫn đến các công trình, dự án đã được triển khai nhưng tiến độ thực hiện rất chậm, ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn, làm tăng tổng mức đầu tư của dự án.

Cùng với những khó khăn về tiếp cận vốn vay, công tác GPMB, tái định cư, chuyển đổi đất rừng, vật liệu đất đắp phục vụ san lấp mặt bằng một số dự án trọng điểm cũng tồn tại không ít bất cập. Cụ thể, thực hiện Nghị quyết số 63, Quốc hội khóa XV về triển khai thực hiện Nghị quyết số 66, Quốc hội khóa XIII về đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh. Trong đó nêu rõ: Triển khai ngay công tác chuẩn bị đầu tư đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến trong năm 2022 - 2023, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật. Kết thúc dự án đường Hồ Chí Minh theo quy mô 2 làn xe, hoàn thành kiểm toán, quyết toán và tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 66, báo cáo Quốc hội vào năm 2026. Nhưng đến nay dự án vẫn chưa được bố trí ghi vốn chuẩn bị đầu tư, chưa có chủ trương đầu tư.

Ngoài ra, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội bố trí vốn cho dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn chưa giao cho tỉnh Sơn La làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án. Thực trạng này sẽ làm ảnh hưởng đến việc kết nối liên kết giữa 2 tỉnh và tổ chức thực hiện, hiệu quả đầu tư của tuyến cao tốc Hà Nội - Hoà Bình đang triển khai.

Đăng kiểm phương tiện giao thông cũng là vấn đề DN bức xúc. Lãnh đạo HHDN tỉnh Hòa Bình cho biết, hiện nay, công tác đăng kiểm phương tiện giao thông gặp nhiều khó khăn. Trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến nay trung tâm đăng kiểm duy nhất bị đóng cửa, các phương tiện phải di chuyển đến các tỉnh, thành phố khác để đăng kiểm, ảnh hưởng lớn đến hoạt động SX-KD cũng như đời sống của người dân, doanh nghiệp.

Liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), thời gian qua, nhiều DN, người dân gặp khó khăn, phải dừng hoạt động, đóng cửa cơ sở SX-KD sau khi các quy định mới về tiêu chuẩn PCCC được ban hành và có hiệu lực, nhất là các doanh nghiệp SX-KD tại các khu, cụm công nghiệp... Theo phản ánh của DN, nhà đầu tư và Nhân dân, hiện nay các quy chuẩn về công tác PCCC được quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, ngày 24/11/2020 của Chính phủ quá cao chưa phù hợp với tình hình thực tế. Do vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo sớm điều chỉnh những quy định này để góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân trong hoạt động SX-KD.

Đức Phượng – VPĐ D Hòa Bình