Hết thời thu hút FDI bằng mọi giá

00:00 12/10/2020

Việc Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thể hiện rõ quyết tâm và định hướng của Việt Nam trong việc hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay, đặc biệt là các quy định khắc phục tình trạng vốn mỏng, chuyển giá, đầu tư chui, đầu tư núp bóng.

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký Nghị quyết số 50 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Hút FDI có chọn lọc

Trong giai đoạn từ nay tới 2030, quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị nêu rõ: “Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Tuy nhiên, cần chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu”.

Về nhiệm vụ, Bộ Chính trị yêu cầu hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật để khắc phục những hạn chế, bất cập trong thu hút FDI. Trong đó, nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”. Nghiên cứu bổ sung quy định “điều kiện về quốc phòng, an ninh” trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc các văn bản có giá trị pháp lý tương đương) đối với dự án đầu tư mới và quá trình xem xét, chấp thuận đối với hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu áp dụng nguyên tắc ưu đãi đầu tư gắn với việc đáp ứng các điều kiện, cam kết cụ thể và cơ chế hậu kiểm, yêu cầu bồi hoàn khi vi phạm các cam kết. Xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi thỏa đáng để tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, khuyến khích chuyển giao công nghệ và quản trị cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Nghị quyết nêu rõ trách nhiệm của nhà đầu tư về bảo vệ môi trường trong quá trình đầu tư, triển khai dự án và hoạt động của DN trong suốt thời gian thực hiện dự án theo quy định của pháp luật…

Gs.Ts. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE), đánh giá việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về đầu tư nước ngoài cùng với 2 nghị quyết trước đó về phát triển kinh tế tư nhân và DN nhà nước có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc đánh giá đầy đủ hơn vai trò của doanh nhân, DN.

“Nếu ba đội quân chủ lực (kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài) cùng phát triển, Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao, tiến kịp các nước phát triển”, ông Mại nhấn mạnh.

Đi vào Nghị quyết về đầu tư nước ngoài, Chủ tịch VAFIE nhận định bao trùm lên Nghị quyết là những thành quả quan trọng của khu vực FDI đối với nền kinh tế Việt Nam nhưng đồng thời vạch ra khiếm khuyết chưa đạt được. Trong đó, vấn đề chất lượng vốn FDI được đặt lên hàng đầu.

Trong bối cảnh Việt Nam chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới, chiến lược thu hút FDI cũng cần phải thay đổi, phải coi trọng những dự án FDI có công nghệ cao, thân thiện môi trường, hiệu quả lớn… Từ đó góp phần làm cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn, đuổi kịp các nước phát triển trên thế giới.

Đặc biệt, ông Mại đánh giá cao khi Nghị quyết nêu rõ tính chọn lựa trong thu hút FDI. Theo đó, ngay từ đầu khi thu hút FDI cũng yêu cầu phải coi trọng tính chọn lựa, nhưng tính chọn lựa đã dần mất đi, đặc biệt là từ khi phân cấp quản lý toàn diện cho các địa phương (năm 2006) về cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thẩm định cấp giấy phép, xúc tiến đầu tư. Điều này đã “đẻ” ra một số tiêu cực không đáng có.

Chủ tịch VAFIE dẫn chứng: năm 2006 – năm bắt đầu phân cấp cho các địa phương, đến 2008 vốn FDI đăng ký tăng đột biến nhưng có một lượng vốn không nhỏ là “vốn ảo”, do các địa phương ồ ạt thu hút FDI, “trải thảm đỏ” cho nhà đầu tư mà quên mất quyền lựa chọn đầu tư.

Bên cạnh đó, Nghị quyết lần này cũng đề cập tới hiện tượng vốn “mỏng”, tức là nhiều dự án đăng ký đầu tư 4-5 tỷ USD nhưng thực chất nhà đầu tư không có tiềm năng chỉ chờ bán dự án, không bán được thì trả lại cho các tỉnh. Ông Mại dẫn chứng hàng chục nghìn héc ta trong Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) chờ dự án lọc hóa dầu gần 30 tỷ USD của nhà đầu tư Thái Lan nhưng kết quả vô vọng, giờ phải chuyển đổi đất sang làm khu du lịch, đô thị.

Chủ động thu hút FDI có chọn lọc

Phân cấp đi kèm trách nhiệm

Theo Chủ tịch VAFIE, để phân cấp hiệu quả phải nâng cao tinh thần trách nhiệm của UBND các tỉnh, ban quản lý các khu công nghiệp, người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, dân tộc về thu hút FDI. “Chừng nào chúng ta thắt chặt kỷ cương, phân rõ trách nhiệm, lúc đó phân cấp mới có hiệu quả”, ông Mại nói.

Vấn đề cạnh tranh xuống đáy trong thu hút FDI giữa các địa phương cũng được Ts. Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam, chỉ ra. Theo đó, để giảm thiểu tình trạng này, Việt Nam cần xem xét chính sách chỉ ưu đãi một lần đối với các DN FDI khi vào Việt Nam chứ không duy trì tình trạng đã được ưu đãi ở địa phương này nhưng chạy sang địa phương khác lại được ưu đãi như đầu tư mới.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần cân nhắc và tính toán một cách thấu đáo trong cuộc cạnh tranh toàn cầu khi các DN FDI không chỉ có các địa phương trong nước mà còn có thể chuyển ra nước ngoài. Đây là vấn đề hóc búa.

Chính vì vậy, Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng đã nêu rõ mục tiêu thu hút FDI trong từng giai đoạn. Trong đó, vốn đăng ký FDI giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 150 – 200 tỷ USD (30 – 40 tỷ USD/ năm); giai đoạn 2026 – 2030 khoảng 200 – 300 tỷ USD (40 – 50 tỷ USD/ năm). Vốn thực hiện giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 100 – 150 tỷ USD (20 – 30 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026 – 2030 khoảng 150 – 200 tỷ USD (30 – 40 tỷ USD/năm)…

Ông Nguyễn Mại cho rằng đây là mục tiêu rất hợp lý. Để GDP tăng trưởng mỗi năm 7-8% hoặc cao hơn nữa, Việt Nam cần một lượng vốn FDI đủ lớn.

Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, đang có làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, theo Chủ tịch VAFIE, chúng ta cũng cần phải biết rằng đầu tư nước ngoài là một cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia, vì vậy muốn thu hút FDI nhiều, chất lượng hơn, Việt Nam chắc chắn phải có môi trường đầu tư tốt hơn Trung Quốc. Điều đó có nghĩa sau khi có Nghị quyết này, Quốc hội, Chính phủ cần rà soát thể chế, luật pháp và môi trường đầu tư để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, cạnh tranh tốt hơn các nước xung quanh.

Mặt khác, các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, ngày càng hội nhập sâu rộng, các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới chắc chắn không bỏ lỡ cơ hội hợp tác, đầu tư với Việt Nam. Do vậy, việc ban hành Nghị quyết về thu hút FDI của Bộ Chính trị sẽ là đòn bẩy gia tăng luồng vốn của Mỹ, EU vào Việt Nam trong thời gian tới.

Lê Thúy